(DN) – Nếu đã xác định đây là một dịch vụ quan trọng của ngân hàng và xã hội, thì phải tạo cơ chế lợi ích để các ngân hàng tranh nhau nạp tiền để luôn bảo đảm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
Khách hàng nên phản ánh về tình trạng vi phạm của ngân hàng để được bảo vệ lợi ích của mình. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Kể từ ngày 12/12, Nghị định 96 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ có hiệu lực. Theo đó, mức tiền phạt từ 10 – 15 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng; để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/7…
Vài ngày sau khi Nghị định có hiệu lực, theo thông tin trên CAND tình trạng máy ATM hết tiền vẫn có nhưng không nhiều. Một vấn đề đặt ra là đã có hiện tượng cây ATM hết tiền nhưng chưa có ý kiến phản hồi nào được gửi đến Ngân hàng Nhà nước thông qua đường dây nóng, vậy cơ quan quản lý làm thế nào để biết mà phạt?.
Bình luận về việc xử phạt ATM, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng chế tài này là cần thiết và hoàn toàn khả thi, vì trước hết quy định xử phạt là nhằm đến mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, chứ không phải chỉ nhằm đến việc xử phạt.
Theo Luật sư Đức, điều quan trọng nhất của quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhưng nếu khách hàng không phản ánh về tình trạng vi phạm của ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước rất khó có thể biết và xử phạt là khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng không tích cực tham gia vào việc này để góp phần bảo vệ lợi ích của mình, thì hiệu quả sẽ hạn chế nhiều. Về lâu dài, với hệ thống công nghệ và sự quản lý chặt chẽ như hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động theo dõi loại vi phạm này.
Và mức phạt 15 triệu đồng cũng không phải quá nhẹ như dư luận băn khoăn, vì bởi đó không phải thuộc dạng vi phạm nghiêm trọng. Thứ hai, theo quy định, nếu một ngân hàng bị phạt vi phạm hành chính thì sẽ chịu hậu quả khá nặng nề, như bị hạn chế, đình chỉ việc thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng; hạn chế hoặc không xem xét cho phép mở rộng thêm các hoạt động ngân hàng mới; không được phép mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đặt máy ATM;…
Ý kiến của một chuyên gia ngân hàng đưa ra là việc lập đường dây nóng chưa chắc đã mang lại hiệu quả bởi rất khó thu thập chứng cứ để phạt về sau. Tuy nhiên, dưới góc độ của mình, Luật sư Đức cho hay: Hệ thống camera của ngân hàng có thể xem trực tiếp hoặc xem lại hình ảnh của khách hàng rút tiền sau đó nhiều ngày, thậm chí hàng tháng. Đặc biệt, các thông tin chi tiết về mọi hoạt động và giao dịch của ATM đều được ghi nhận đầy đủ, chính xác trong hệ thống công nghệ của ngân hàng.
“Vì vậy, việc thu thập chứng cứ vi phạm rất đơn giản, rất dễ xác định thời gian và số tiền được tiếp quỹ, rút đi, số dư…”, Luật sư Đức nói.
Khoảng gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, giao dịch ATM sẽ tăng đột biến, khi đó việc xử lý hành vi để máy ATM hết tiền liệu có triệt để hay không thì chưa ai dám khẳng định. Xử phạt là cần thiết, nhưng đó chỉ là một trong các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cần phải có nhiều giải pháp khác trong trước mắt cũng như lâu dài để cải thiện chất lượng dịch vụ ngành ngân hàng và tạo thuận lợi cho người dân.
Ba “kế sách” được Luật sư Đức đưa ra, trước tiên là giảm số giờ để hết tiền trong ATM để tính xử phạt. Vì nếu để hết tiền quá 24 giờ thì “không khác nào chấp nhận tình trạng cứ một ngày có tiền, một ngày không”.
Bên cạnh đó, ngân hàng và doanh nghiệp cũng cần thống nhất các giải pháp nhằm giãn việc rút tiền tập trung vào một thời điểm và một địa điểm, đồng thời cần đẩy mạnh việc tiếp quỹ vào các thời điểm và địa điểm đó.
Và quan trọng hơn là cần có chính sách hợp lý để hạn chế tình trạng lâu nay các ngân hàng không muốn để nhiều tiền trong ATM hay không muốn tiếp quỹ kịp thời. Có thể cho phép số dư tiền mặt để trong máy ATM được coi như số tiền dự trữ bắt buộc hoặc một cơ chế tương tự nào đó. Đặc biệt là chính sách hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và quy định về việc thu phí rút tiền mặt nói chung, rút tiền qua ATM nói riêng.
“Tại sao các ngân hàng đều muốn đặt nhiều ATM, phát hành nhiều thẻ ATM nhưng lại không bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM? Phải chăng vì một mặt muốn phát triển dịch vụ ATM, muốn cung cấp dịch vụ có chất lượng, nhưng mặt khác, vì không có lãi, không hiệu quả, nên họ không tích cực phục vụ? Nếu đã xác định đây là một dịch vụ quan trọng của ngân hàng và xã hội, thì phải tạo cơ chế lợi ích để các ngân hàng tranh nhau nạp tiền để luôn bảo đảm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Đoàn Huế
————–
Doanh nghiệp Việt Nam (Kinh tế) 19-12-2014:
http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/hien-ke-de-khong-lo-cay-atm-het-tien.html
(786/1.100)