629. Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư đòi Vietinbank trả 200 tỉ đồng cho Navibank

(TN) – Sáng 25.12, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Huyền Như và các đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, các luật sư tiếp tục phần tranh biện.

Bị cáo Huyền Như  tại phiên xét xử phúc thẩm – Ảnh: Nam Hải

Trước đó (24.12), phía VKS đã bác kháng cáo của Ngân hàng TMCP Quốc dân (Navibank). Theo VKS, việc 4 nhân viên Navibank gửi 200 tỉ vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là do họ bị Như dẫn dụ, còn Navibank thì bỏ mặc không theo dõi số dư trong tài khoản nên để Như dễ dàng chiếm đoạt. Vì vậy, Navibank và các nhân viên phải chịu trách nhiệm với hậu quả xảy ra.

Huyền Như chiếm đoạt tiền của ai?

Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank, đề nghị tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại theo hướng Huyền Như tham ô số tiền 200 tỉ của Vietinbank, buộc Vietinbank trả 200 tỉ tiền gốc cộng với lãi phát sinh cho 4 nhân viên Navibank.

“Việc bản án sơ thẩm xác định, 4 nhân viên Navibank gửi tiết kiệm mà không lấy thẻ tiết kiệm, nên bị Như chiếm đoạt là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi chính hệ thống của Vietinbank tự tiện chuyển tiền gửi tài khoản khách hàng sang hình thức gửi tiết kiệm mà không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật và thoả thuận nào”

Luật sư Trương Thanh Đức

Theo LS Đức, tiền gửi của 4 nhân viên Navibank có nguồn gốc hợp pháp bởi đó là tiền Navibank huy động tiền gửi của công chúng. Và 4 nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với các phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM chứ không hề ký với Như.

Theo phía Navibank, sau khi phát hiện ra hành vi chiếm đoạt của Như, chính Vietinbank đã trích 57,5 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng nhằm khắc phục hậu quả. Như vậy, Huyền Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank chứ không phải của Navibank. Do vậy, đại diện của Navibank cũng yêu cầu làm rõ thực chất Huyền Như chiếm đoạt tiền của ai, của Vietinbank hay của khách hàng, từ đó mới có cơ sở để xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường, Huyền Như hay Vietinbank?

Trong buổi tranh luận chiều 24.12, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) cũng nêu ra quan điểm tương tự. Theo luật sư Tám, thực chất việc ACB mang tiền sang Vietinbank gửi cũng giống như 5 công ty gửi tiền vào ngân hàng này và bị Như chiếm đoạt, trách nhiệm quản lý tiền bị mất trong tài khoản là do VietinBank chứ không phải trách nhiệm của khách hàng.

Huyền Như “chiếm đoạt” hay “tham ô”?

Trong phần tranh luận sáng nay, LS Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như) cho rằng, việc VKS đưa ra quan điểm “đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Như tại 5 công ty (Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán, Hưng Yên và Toàn Cầu) để điều tra hành vi tham ô tài sản” đối với Như là bất lợi cho Như và không đúng với quy định pháp luật.

Theo LS Ngoan, sau tòa sơ thẩm, Như chấp nhận mức án chung thân và không kháng cáo, đồng thời cũng không có kháng nghị liên quan đến tội danh của Như.

“Với các công ty, cá nhân bị Như chiếm đoạt tiền, đó là sân sau của các ngân hàng, việc cá nhân gửi tiền vào Vietinbank là để thu lợi bất hợp pháp, họ biết việc Như làm là sai nhưng vẫn bỏ mặc. Việc Như chiếm đoạt tiền là do sai phạm của chính của chủ tài khoản khách hàng thanh toán”, LS Ngoan nói.

Theo LS Ngoan, dấu hiệu của tội tham ô phải là tài sản bị chiếm đoạt đang do người có chức vụ quyền hạn quản lý. Mặt khác, ý thức chiếm đoạt tài sản của Như đã có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt nên Như chỉ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt chứ không phải tham ô tài sản như VKS đề nghị truy tố.

Luật sư yêu cầu xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank

Luật sư Nguyễn Huy Dụ (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho Công ty CPTM và Đầu tư Hưng Yên, cho rằng khi các công ty mở tài khoản tại Vietinbank thì hồ sở mở tài khoản đều là thật, không có dấu hiệu giả mạo, việc khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Vietinbank cũng là có thật. Vì vậy, khi Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, giả mạo giấy tờ, chứng từ để rút tiền từ tài khoản tại Vietinbank là rút tiền của ai, của khách hàng hay của Vietinbank? Như vậy, Vietinbank là người bị hại hay chỉ là người có trách nhiệm liên quan?

Luật sư Dụ đã cho rằng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng khi xác định Vietinbank tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại và xác định Vietinbank tham gia với tư cách là bị đơn dân sự.

Ngọc Lê – Hải Nam

—————-

Thanh niên (Chính trị – Xã hội) 25-12-2014:

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xet-xu-dai-an-huyen-nhu-luat-su-doi-vietinbank-tra-200-ti-dong-cho-navibank-520289.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,287