(TN&MT) – “Bị cáo dẫn dắt khách hàng và xuất phát từ sự đồng thuận của khách hàng, bản thân không có chức hạn quyền vụ để chiếm đoạt tài sản nên không thể tham ô” – “siêu lừa” Huyền Như đã nói vậy tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 4 ngàn tỉ đồng ngày 25/12.
Cùng phản đối như thân chủ của mình, luật sư của Huyền Như cũng không đồng tình với cáo buộc trước đó của đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa là đề nghị điều tra Huyền Như thêm tội “tham ô…”. Theo luật sư của Huyền Như, VKS huỷ án điều tra thêm tội “tham ô” với Huyền Như là bất lợi cho bị cáo, sau bản án của phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM, Huyền Như đã chấp nhận mức án được phán quyết không có kháng cáo, không kháng nghị liên quan đến tội danh của Huyền Như mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tự bảo vệ cho mình, Huyền Như nói tài sản mà “siêu lừa” này chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý nên không phạm tội tham ô tài sản. Ngân hàng Vietinbank không có văn bản nào quy định trưởng phòng giao dịch như Huyền Như phải quản lý tài sản của khách hàng.
Cũng diễn biến trong ngày xét xử hôm nay 25/12, các luật sư và các bị cáo đưa ra các quan điểm bảo vệ sau khi ngày hôm qua VKS đưa ra quan điểm luận tội.
LS Trương Thanh Đức (bảo vệ quan điểm của ngân hàng Navibank) cho rằng Navibank tham gia phiên tòa xét xử vụ án Huyền Như với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, VKS tại tòa phúc thẩm hôm qua cho rằng Huyền Như phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Navibank là không hợp lý so với đề nghị của VKS đối với các công ty: Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm toàn cầu. Với 4 nhân viên của Navibank, ông Đức nói các nhân viên có sai sót, nhưng những sai sót này không phải là nguyên nhân mất tiền. LS Đức đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm đối với phần liên quan đến Navibank và nhân viên Navibank để điều tra lại..
Điều 278. Tội tham ô tài sản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Gây hậu quả nghiêm trọng; B) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; C) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Có tổ chức; B) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; C) Phạm tội nhiều lần; D) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Bài & ảnh: Tân Châu
—————
Tài nguyên Môi trường (Pháp luật) 25-12-2014
(131/751)