637. Bát nháo dịch vụ cầm đồ

(TT) – Vì muốn lãi cao nên nhiều tiệm cầm đồ bất chấp quy định của pháp luật, chấp nhận cầm cố các loại xe, hàng điện tử, giấy tờ tùy thân… là hàng trộm cắp, không rõ nguồn gốc.

Một tiệm cầm đồ ở P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

8%/tháng là mức lãi mà hầu hết chủ các tiệm cầm đồ “hét giá” khi cầm các loại xe máy không chính chủ, nguồn gốc không rõ ràng… Lãi suất sẽ giảm còn 5% nếu người cầm cố có giấy tờ hợp lệ.

Xe gì cũng cầm

Trưa 20-1, phóng viên Tuổi Trẻ trong vai người cầm đồ chạy xe AirBlade đến tiệm cầm đồ H (đường Hoàng Hoa Thám, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) đề nghị chủ tiệm cầm xe giá 15 triệu đồng.

Ông H. – chủ tiệm – liếc sơ qua giấy đăng ký xe (đứng tên một phụ nữ, ngụ ở Q.4) và chứng minh nhân dân (CMND) của người cầm ở Q.Gò Vấp rồi nói: “Cắm (cầm cố) hết mức được 10 chai (triệu đồng), lãi 8%/tháng hoặc 2%/tuần với tình trạng giấy tờ này”.

Ông H. nói thêm: “Nếu anh có giấy ủy quyền của chính chủ xe thì tui sẽ cầm 15-20 triệu đồng và lãi suất chỉ 5%/tháng”.

Cần áp dụng trần lãi suất cho vay

Ông Trương Thanh Đức, chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng), Giám đốc Công ty TNHH ANVI cho biết lãi suất cho vay hiện nay tại các ngân hàng thương mại chỉ 8-13%/năm, nhưng lãi suất cho vay tại các tiệm cầm đồ quá cao, gấp 5-7 lần. Các điều kiện vay như lãi suất, định giá tài sản… do chủ cầm đồ tự quyết, do đó rất rủi ro cho người vay.

Để hạn chế rủi ro cho người vay cũng như quyền lợi của người kinh doanh, ông Đức cho rằng nên sửa đổi quy định về trần lãi suất cho vay.

Tại tiệm cầm đồ T (P.12, Q.Tân Bình), ông D. – nhân viên của tiệm – xem qua hai loại giấy tờ nêu trên rồi hỏi: “Có hợp đồng mua bán không? Có thì cầm, còn loại giấy tờ “chéo” quá tui không dám ôm”.

Ông D. gợi ý: “Nếu là xe số (xe máy sử dụng cần đạp số) sẽ cầm 4-5 triệu đồng, có mất cũng đền không bao nhiêu”.

Khi chúng tôi hỏi xe Future II (xe số) cầm 5 triệu đồng lãi suất thế nào thì ông D. nói: “Nếu có giấy thì lãi 5%, không giấy lãi 8%, còn giấy ủy quyền và giấy đăng ký “chéo” thì 6%”.

Còn tại tiệm cầm đồ NT (P.14, Q.Tân Bình), nhân viên của tiệm sau khi săm soi hai tờ giấy đăng ký xe và CMND do khách đưa rồi hỏi: “Xe không chính chủ, muốn “cắm” bao nhiêu?”.

Khách đề nghị được cầm 15 triệu đồng. Chỉ mất ít phút, nhân viên của tiệm đã kiểm tra xong chiếc xe rồi bảo: “Lãi 6%/tháng hoặc 250.000 đồng/tuần nếu cầm giá 15 triệu đồng”. Sau đó người này cầm hai tờ giấy trên vào tiệm mở sổ ghi nhận cầm xe.

Cầm cả hàng trộm cắp

Nghi ngờ khách là người lừa đảo khi đề nghị cầm xe tay ga do một người ở Q.4 làm chủ xe, trong khi CMND người cầm thì ở Q.Gò Vấp, nhân viên của tiệm cầm đồ TÐ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.11, Q.3) gằn giọng hỏi: “Anh thay hình vào phải không?” rồi yêu cầu khách đọc số CMND, địa chỉ…

Nghe trả lời chính xác, người này cầm CMND đưa vào máy soi một lúc rồi điện thoại hỏi ý kiến chủ tiệm. “Xe này giấy tờ hai địa chỉ khác nhau nên chỉ cầm 13 triệu đồng, lãi suất 8,5%/tháng hay 2,5%/tuần” – ông này nói và tiến hành kiểm tra chiếc xe mà không cần hỏi gì thêm.

Chúng tôi tiếp tục đến tiệm cầm đồ HL (đường Âu Cơ, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) hỏi cầm chiếc xe trên. Tiệm này tự quảng cáo nhận cầm điện thoại, laptop, nhà đất và cả sổ hồng (là loại hình không được phép cầm cố theo quy định).

Khi chúng tôi nói cần cầm giá 15 triệu đồng nhưng chỉ có giấy đăng ký xe, không có CMND hay bằng lái xe mới bị mất, nhân viên của tiệm hỏi: “Giờ tui muốn cầm xe của anh nhưng biết anh là ai, rồi tìm anh ở đâu?”.

Thấy chúng tôi lưỡng lự định bỏ đi, anh nhân viên gợi ý: “Nếu anh có CMND photo  để đối chiếu tui sẽ cầm, lãi suất là 2%/tuần, 7%/tháng, còn nếu giấy tờ đầy đủ thì rẻ hơn”.

Tại tiệm cầm đồ PL (quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh), khi chúng tôi đưa ra một máy tính xách tay, một máy tính bảng đã sử dụng và hỏi bà chủ của tiệm này cầm cả hai loại máy trên giá bao nhiêu, chủ tiệm nghi ngờ hỏi: “Hàng “đua” (trộm cắp) phải không? Cầm thấp lắm. Mấy cái này giờ không ai ôm, nhanh mất giá lắm”.

Nhưng khi chúng tôi vừa dự định bỏ đi, bà chủ tiệm liền gọi giật: “Ðể chị xem…”. Sau đó bà hỏi có biên lai mua bán không, “nếu không có cũng cầm luôn, nhưng chỉ cầm được 5 triệu đồng, lãi 6%/tháng hoặc 2%/tuần”.

Một chủ tiệm cầm đồ kiểm tra một xe AirBlade không có giấy tờ chính chủ để cầm – Ảnh: Đ.Thanh

Vay nóng với thẻ sinh viên

Tại Hà Nội, không chỉ trên những con phố gần cổng nhiều trường ÐH, CÐ, thậm chí trong cả các ngõ ngách, nơi có nhiều sinh viên ở trọ, các tiệm cầm đồ được mọc lên nhan nhản.

Tập trung nhiều tiệm cầm đồ nhất ở Hà Nội phải kể đến đường Láng khi có đến hơn 100 cửa hàng treo biển cầm đồ dọc con phố này. Xe máy, ôtô, sổ đỏ, điện thoại, máy tính… ngay cả CMND, thẻ sinh viên là những tài sản đảm bảo được dùng thế chấp để vay nóng tại các tiệm cầm đồ. Lãi suất cho vay lên tới 70-100%/năm.

Vừa ra khỏi tiệm cầm đồ, Dũng, sinh viên năm cuối Trường ÐH Giao thông vận tải, cho biết tới xin gia hạn hai ngày cho khoản vay nóng 2 triệu đồng ở một tiệm cầm đồ trên đường Láng. “Mới nghe tưởng lãi suất cho vay rẻ, vay 1 triệu đồng chỉ phải trả 2.000 đồng/ngày nhưng tính ra lãi suất lên tới hơn 50%/năm. Giờ tôi xin chậm trả hai ngày và được chủ tiệm cầm đồ chấp thuận nhưng với điều kiện lãi suất cho vay sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu sau ba ngày nữa mà không xoay được tiền thì tôi đành chịu mất chiếc xe máy đã cầm cố” – Dũng lo lắng nói.

Thuê kho cất giấu xe gian

Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM cho biết tại TP.HCM có trên 2.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Trong đó không ít tiệm cầm đồ nhận cầm cố các loại tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên có tài sản đem cầm cố, đồ trộm cắp…

Thiếu tá Hoàng Tuấn Nam – đội trưởng đội 4 PC64 – cho biết một số cơ sở cầm đồ thường vi phạm lỗi cầm cố xe không đúng chủ sở hữu, không ghi chép vào sổ cầm đồ, hoạt động chui.

Ông Nam đơn cử đợt kiểm tra của PC64 phối hợp với công an các quận, huyện vừa qua đã kiểm tra một tiệm cầm đồ ở Q.Gò Vấp. Tiệm này là một căn nhà ba lầu, tầng trệt chủ tiệm chỉ dựng một vài xe máy đang cầm cố.

Tuy nhiên khi lực lượng chức năng khám xét bên trong tiệm, tổ kiểm tra phát hiện một hệ thống thang tời được ngụy trang cẩn thận để nâng những chiếc xe có vấn đề về mặt giấy tờ, pháp lý lên tầng 3 cất giấu.

Theo ông Nam, để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều tiệm cầm đồ hiện nay còn thuê những kho, bãi bên ngoài cơ sở để cất giấu những loại hàng hóa, xe máy là xe gian, xe không chính chủ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thậm chí có tiệm còn gửi xe máy do họ cầm cố ở các bãi xe của các chung cư, bệnh viện… để tránh bị kiểm tra.

ÐỨC THANH – LÊ THANH

————

Tuổi trẻ (Chính trị – Xã hội) 29-01-2015:

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150129/bat-nhao-dich-vu-cam-do/705051.html

(110/1.477)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.425. Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ...

Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ thuế thu nhập cá nhân ra...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,388