640. Cải cách thể chế kinh tế: Cần có những đột phá trong năm 2015

(PL) – Từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ phê duyệt, đến nay ba trụ cột trọng tâm trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế là: Tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu đầu tư công đã có nhiều kết quả khả quan chuyển biến tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế .

Tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia, ba trụ cột này vẫn chưa thực sự tạo thành bệ đỡ vững chắc để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó, trong năm 2015 này, nhiều chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp quyết liệt và tập trung đổi mới hơn nữa để ba trụ cột này thực sự là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế VN.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực: Bắt buộc phải thực hiện được quyền bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp

Câu chuyện về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn là chủ đề “nóng” trong các diễn đàn và nghị trường thời gian qua. Chúng ta không phủ nhận những thành tích mà DNNN đã đạt được và đóng góp lớn quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều DNNN đã vươn lên trở thành những Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong nước và khu vực; góp phần thực hiện những mục tiêu quan trọng khác như: ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội…Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến chưa hài lòng, chỉ ra nhiều hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ, đáng chú ý có những ý kiến đánh giá việc tái cơ cấu DNNN hiện vẫn chưa đặt đúng vào “đường ray” để chạy đúng hướng và đến đích đúng thời gian yêu cầu. Hệ quả là nếu không “chạy đúng đường ray” sẽ làm méo mó thị trường, sai lệch tín hiệu thị trường, nhất là giá cả, cung – cầu; làm sai lệch phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực; hiệu quả thấp; gây bất lợi và thua thiệt cho các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Vậy vì sao, tái cơ cấu DNNN lại chưa đặt đúng vào “đường ray”? Có lẽ câu trả lời cho vấn đề này không khó nhưng cái khó là ở khâu thực hiện thì còn bỏ ngỏ. Chính vì thế, việc tái cơ cấu DNNN thời gian qua khó đạt được kết quả như mong muốn.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Bình luận về vấn đề tái cơ cấu DNNN, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khi nền kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn thì cũng là lúc DNNN đã bộc lộ rõ những yếu kém của mình và hệ quả là không ít DNNN làm ăn thua lỗ, gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế.

Nhận thấy những yếu kém của DNNN, Chính phủ đã yêu cầu phải tái cơ cấu, phải tiếp tục cổ phần hóa DNNN, song đến nay, theo ông Lực, dù đã có những quyết sách quan trọng, quyết liệt của Chính Phủ (NQ15 tháng 3/2014), nhưng quá trình cổ phần hóa vẫn còn chậm vì: (i) Tính quyết liệt của Bộ, ban ngành và người đứng đầu DNNN chưa cao; (ii) Bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn còn khó khăn; (iii) Quá trình xác định giá trị DN, tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn; (iv) Sau khi cổ phần hóa thì DN làm ăn như thế nào, đặc biệt là khâu quản trị, điều hành DN. Một vấn đề khác khiến cho việc tái cơ cấu DNNN chưa đẩy nhanh chính là việc “hướng dẫn triển khai” còn chậm, đôi khi còn chưa “trúng” và “đúng”, chưa cụ thể; rồi đến câu chuyện phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa tốt…..v.v..

Bên cạnh đó, người đứng đầu DN không bị bãi miễn, miễm nhiệm khi DN làm ăn thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh…Nhiều DNNN chiếm giữ các độc quyền tự nhiên, mà không bị kiểm soát; tăng giá là biện pháp duy nhất (dễ nhất) để bù lỗ, bù đắp sự yếu kém trong quản lý kinh doanh. Đó chính là sự bất bình đẳng giữa DNNN với các khối DN khác và cũng góp một phần không nhỏ vào việc chậm tái cơ cấu DNNN. “Vấn đề bất bình đẳng giữa DNNN với các khối DN khác cũng đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ, bộ ban ngành khi hiện nay, DNNN được ưu ái về  nguồn vốn, đất đai, tham gia những dự án lớn của Nhà nước…. , vừa thực hiện một phần nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh; nhưng do chưa được phân tách rõ ràng, nên rất khó đánh giá tính hiệu quả và tính bình đẳng trong các khối doanh nghiệp. Để giải quyết được vấn đề này cần Chính phủ, bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn và không còn thời gian để trần trừ khi tới đây chúng ta đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia và ký kết nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, Công đồng kinh tế ASEAN (AEC)….thì chúng ta bắt buộc phải thực hiện quyền bình đẳng đối với tất cả các DN, đồng thời giảm bớt những ưu ái, hậu thuẫn từ Nhà nước cho DNNN”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo TS. Lực, một vấn đề khác mà dư luận cũng rất quan tâm chính là cách quản trị, điều hành của DNNN còn nhiều bất cập, trong đó, mối quan hệ giữa sở hữu và quản lý chưa rõ ràng. Tiếp nữa là vai trò giám sát của cơ quan quản lý và ban kiểm soát DNNN chưa chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề minh bạch ở DNNN cũng chưa cao. Cuối cùng là trách nhiệm người đứng đầu DNNN cũng chưa thực sự  rõ ràng, nên dẫn tới tình trạng khi xảy ra vụ việc, rất khó xác định trách nhiệm. Mặc dù vậy, theo TS. Lực, không nên cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá. Cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo được quyền lợi ba bên là Nhà nước – Người lao động – Doanh nghiệp. “Chúng ta cần tập trung quan tâm mạnh mẽ hơn vào việc quản trị DN, theo tôi, trong thời gian tới chúng ta nên thành lập một Ủy ban để làm đầu mối duy nhất quản lý DNNN. Đồng thời, cũng cần quy định rõ hơn về vai trò cũng như nhiệm vụ của cơ quan quản lý này để khi DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm”, Ông Lực đề xuất.

LS.Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Sửa đổi các qui định bất cập trong hoạt động tài chính tín dụng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Tái cơ cấu ngành ngân hàng là một trong những nội dung quan trọng và là một trong 3 trụ cột trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt lớn nhất trong tái cơ cấu ngành ngân hàng hiện nay chính là giải quyết nợ xấu. Nếu cứ để các ngân hàng tự xử lý nợ xấu như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ không hỗ trợ tích cực cho phục hồi nền kinh tế. Hiện nay, nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng và việc xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn. Nợ xấu làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Phải chăng, chúng ta đang thiếu những cơ chế để xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng hiệu quả hơn?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Về nợ xấu, đối với nhà đầu tư nước ngoài thì cần sửa đổi luật để cho phép các nhà đầu tư mua bán nợ cùng với việc sở hữu và xử lý tài sản thế chấp là bất động sản. Đối với trong nước thì cần ban hành những quy định rõ ràng về việc cho phép các tổ chức, cá nhân được quyền mua nợ và được quyền thành lập công ty mua bán nợ. Hiện nay, mặc dù không hề có quy định cấm đoán hay hạn chế, nhưng trên thực tế thì không thành lập được các công ty mua bán nợ và nhiều ngân hàng đang rất lo ngại về việc bán nợ cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng mua nợ. Các quy định cơ bản về cho vay và cấp tín dụng cũng cần được sửa đổi, bổ sung, nhất là Quy chế cho vay, đã ban hành 13 năm trước hoặc Thông tư về bảo lãnh ngân hàng tuy mới được ban hành vào năm 2012 nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập. Ngoài ra, cần bỏ thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp bán tài sản bảo đảm, vì việc bán tài sản thường là không thu hồi đủ vốn vay.

Còn về sở hữu chéo, thì Luật sư Đức cũng đề nghị, cần thực hiện nghiêm túc những quy định đã ban hành, đồng thời cần giám sát tình trạng vẫn đúng trên giấy tờ, nhưng có thể lại khác hẳn trên thực tế. Ngoài ra, cũng cần xử lý những vấn đề mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng với Luật Doanh nghiệp và Thông tư, như quy định về người có liên quan hay giới hạn tín dụng đối với một khách hàng.

Không chỉ nợ xấu tăng, vấn đề tiếp cận vốn của DN để mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng gặp khó. Năm 2014, với những chính sách điều hành về tiền tệ, lãi suất phần nào dễ chịu hơn cho DN, tuy nhiên, lãi suất huy động đã giảm rất mạnh nhưng lăi suất cho vay vẫn còn khá cao. Các DN vẫn phải trả lãi với mức trên 10%, đặc biệt là những khoản vay cũ, thậm chí đang phải chịu lãi suất quá hạn trên dưới 30%/năm. Theo Luật sư Trương Thanh Đức nhận định thì, dòng vốn là một loại hàng hoá, không cần quan tâm nhiều đến việc khơi thông từ phía ngân hàng, vì một mặt, hàng hoá không thiếu và mặt khác, các ngân hàng đều là người bán hàng, nên chỉ muốn bán được nhiều, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nếu cần, thì có lẽ chỉ cần quan tâm đến một điểm về trách nhiệm cá nhân đối với tổn thất vốn vay. Cần ưu tiên trích lập, sử dụng dự phòng và xử lý rủi ro thay vì xử lý cán bộ, nhất là việc hình sự hoá không hợp lý. Vấn đề cần khơi thông chủ yếu là ở phía người mua hàng, cụ thể là khách hàng có khả năng vay không, có hấp thụ được vốn không, sử dụng vốn vào mục đích gì, có hiệu quả và có khả năng trả nợ không? Vì vậy việc tháo gỡ thật sự, phải xuất phát từ việc khôi phục thị trường tiêu thụ, tăng trưởng sản xuất kinh doanh thì tự khắc cần đến vốn và ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay. Ở một chiều hướng khác, theo ý kiến của 1 số chuyên gia, hệ thống ngân hàng năm 2015 cần đặt mục tiêu là năm phục vụ doanh nghiệp, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án.

Một vấn đề thời gian qua cũng khiến ngành tín dụng đau đầu, chính là khâu thu hồi tài sản bảo đảm từ các vụ án luôn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc các thủ tục pháp lý khiến cho quá trình thu hồi những tài sản này thường kéo dài và gây thất thoát lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo đề xuất của Luật sư Đức, thì chúng ta cần gấp rút sửa đổi, bổ sung các quy định và hướng dẫn văn bản hiện hành theo hướng, rút gọn thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nói chung, hợp đồng bảo đảm tiền vay nói riêng. Muốn xử lý nhanh được tài sản bảo đảm thì cần phải rút ngắn thời hạn xử lý một vụ việc từ vài năm xuống vài tháng thì mới giúp việc xử lý nợ xấu thuận lợi và ngăn ngừa việc chây ỳ, kéo dài thời hạn xử lý. Nếu rút gọn được thủ tục tại toà, thì các bên sẽ nhìn vào để rút ngắn hơn thời gian tự nguyện thương lượng, hoà giải. Ngoài ra, Luật sư Đức cũng đề nghị cần nhanh chóng sửa Bộ luật Dân sự về lãi suất chậm thi hành án, cần phải cao gấp rưỡi, gấp đôi, thay vì thấp hơn lãi suất vay vốn hiện nay (9%/năm). Như vậy thì mới buộc người có nghĩa vụ trả nợ chấp hành nghiêm túc, nhanh chóng. Nhiều năm nay, lãi suất chậm thanh toán quá thấp, vì vậy đã tạo ra một nghịch lý là, con nợ càng chây ỳ, kéo dài thời hạn trả nợ thì lại càng có lợi.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong: Nợ công, trách nhiệm cá nhân và chậm triển khai dự án…là 3 điểm hạn chế lớn nhất cần được khắc phục

Một vấn đề trọng tâm khác trong tái cơ cấu nền kinh tế là tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công và kiểm soát nợ công. Trong thời gian qua, tái cơ cấu đầu tư công được đánh giá là một trong các lĩnh vực có thể nói là thành công nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể kiểm soát hoạt động đầu tư từ ngân sách tương đối tốt, hiện tượng đầu tư lan tràn, chồng chéo đã giảm…. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, thực hiện Luật đầu tư công mới đòi hỏi cần có đột phá mạnh về năng lực và kiểm soát lợi ích nhóm khi phân quyền nhiều hơn cho các địa phương tự quản lý các dự án đầu tư công ở địa phương, Trung ương chỉ thực hiện một số dự án đầu tư lớn. Trước đây, chúng ta thực hiện theo cơ chế tách biệt giữa người làm quy hoạch và người tìm, cấp vốn…đã làm nảy sinh cơ chế xin-cho và nhu cầu ảo vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng lớn tới cân đối ngân sách của Nhà nước và nền kinh tế; Nhưng việc địa phương tăng quyền tự quyết, trong khi năng lực cán bộ có hạn và thiếu kiểm soát sự chi phối của các nhóm lợi ích, nhất là địa phương nào đã bỏ cấp HĐND, cũng không thể không gây e ngại…

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

Nguyễn Minh Phong cũng cho biết thêm, nợ công, trách nhiệm cá nhân và chậm triển khai dự án do vướng mắc…là 3 điểm hạn chế lớn nhất cần được khắc phục. “Vấn đề tái cơ cấu đầu tư công hiện nay vẫn còn tồn tại một số những hạn chế lớn cần được khắc phục. Thứ nhất, là vấn đề trách nhiêm cá nhân khi để xảy ra sai phạm trong đầu tư công chưa rõ ràng. Thứ hai, hiện tượng chậm triển khai các dự án đầu tư và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng…đã gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ xây dựng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thứ ba, là nợ công ở nước ta hiện nay đang “kịch trần” gây lo ngại trong dư luận, nếu không có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả thì nợ công khó có thể giảm và làm ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế trong nước”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan tâm là Luật quy hoạch hiện nay chưa có, chất lượng quy hoạch và dự án kế hoạch đầu tư công còn bị buông lỏng, sự phân nhiệm và quy trách nhiệm chưa rõ ràng, quy trình đấu thầu dự án đầu tư công rất chặt chẽ về hình thức, song cũng dễ tạo hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu…cũng dễ dẫn tới tình trạng lãng phí, lạm dụng, tiêu cực, dòng vốn đầu tư công bị lệch hướng và có thể gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Nguyễn Minh Phong còn cho rằng, khi các đạo luật như: Luật DN, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…đã có hiệu lực, thì cần nhanh chóng ban hành những văn bản dưới luật đồng bộ và nhất quán với luật nhằm hướng dẫn và đưa những đạo luật này sớm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Văn Don (thực hiện)

————

Pháp lý (Kinh doanh & Pháp luật Xuân Ất Mùi) 31-01-2015:

http://phaply.net.vn/bai-noi-bat/cai-cach-the-che-kinh-te-can-co-nhu%CC%83ng-do%CC%A3t-pha-trong-nam-2015.html

(1.133/3.004)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,790