641. Vietinbank không chấp nhận bồi thường

(TP) – Hôm qua (25/12), phần tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Huyền Như và đồng phạm diễn ra khá “nóng” khi các bên tham gia tố tụng đều đưa ra các chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình. Phía Vietinbank không chấp nhận quan điểm của VKS buộc ngân hàng này phải bồi thường cho 5 Cty; không đồng ý bồi thường cho ACB và Navibank.

Huyền Như tại phiên tòa ngày 25/12. Ảnh: Việt Văn

Navibank phản bác công tố viên 

Ngay sau khi đại diện VKS bác đơn kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên Navibank về việc yêu cầu Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) bồi thường 200 tỷ đồng, luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Navibank) cho rằng, việc gửi tiền của 4 nhân viên Navibank là hoàn toàn hợp lệ, hợp pháp, vì đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết theo đúng với thoả thuận với Vietinbank, cũng như đúng quy định của pháp luật và của Vietinbank. Hồ sơ cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên phúc thẩm cũng cho thấy rõ, cá nhân Huyền Như không thể thực hiện được việc chuyển đổi số tiền trên thành thẻ tiết kiệm một cách sai trái, rồi sau đó mang các thẻ tiết kiệm “thật về hình thức, giả về bản chất” đó đi cầm cố cho các khoản vay lừa đảo, trái hoàn toàn với thỏa thuận và ý chí của người gửi tiền…

“Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và băn khoăn với đề nghị của đại diện VKS yêu cầu hủy một phần bản án, điều tra theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô, yêu cầu Vietinbank phải bồi thường”.

Luật sư Nguyễn Văn Trung,

người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank

Luật sư Đức trình bày: “Toàn bộ số tiền huy động được của 4 nhân viên Navibank, đã được hạch toán ngay lập tức và đầy đủ vào các tài khoản tiền gửi của khách hàng, vào hệ thống sổ sách, nguồn vốn và tài sản của Vietinbank. Vietinbank cũng đã tính và phải tính toán bảo đảm khả năng chi trả (khả năng thanh khoản) và đã đóng phí bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền này. Hơn thế nữa, 200 tỷ đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank không phải mới gửi, mà là tiền gửi tái tục, vì đã gửi trước đó tại Vietinbank Nhà Bè, rồi mới chuyển về Vietinbank chi nhánh TPHCM, từ số tiền 500 tỷ đồng, đã được tất toán một cách hợp lệ 300 tỷ đồng”.

“Lỗi chuyển đổi sai này hoàn toàn thuộc về Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng gửi tiền theo quy định tại Điều 18 về “Bồi thường thiệt hại”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải “có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho bên liên quan do vi phạm quy định hoặc thoả thuận giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán”, luật sư Đức khẳng định.

Tương tự như đại diện ACB trình bày trong phiên tòa hôm trước (24/12), đại diện Navibank khẳng định, về cơ bản những sai sót của Navibank là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 Cty Phương Đông, An Lộc, SBBS, Hưng Yên và Toàn Cầu; những sai trái của Vietinbank và những gì là sự hợp pháp, hợp lệ đối với 5 Cty trên cũng hoàn toàn giống như trường hợp của Navibank. Tuy nhiên, 5 Cty được VKS xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản của Vietinbank; còn Navibank lại vẫn là… nguyên đơn dân sự. Do đó, Navibank yêu cầu hủy án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như tham ô 200 tỷ đồng, buộc Vietinbank phải bồi thường cho Navibank số tiền này.

Vietinbank “bất ngờ” khi bị VKS đề nghị bồi thường

Trình bày trước HĐXX, luật sư Nguyễn Văn Trung, bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank nói: “Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và băn khoăn với đề nghị của đại diện VKS yêu cầu hủy một phần bản án, điều tra theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô, yêu cầu Vietinbank phải bồi thường”.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc, bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank cho rằng, xét về thủ tục tố tụng, kiến nghị của đại diện VKS là không phù hợp quy định pháp luật. Bởi lẽ, Huyền Như không kháng cáo và VKS không kháng nghị về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tòa án sơ thẩm đã tuyên. Trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra, đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Do vậy, theo luật thì cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo đối với phần đã có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Bắc chỉ ra vụ án này là quan hệ lừa đảo và trong quan hệ lừa đảo, người lừa đảo phải hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt cho người bị lừa đảo; người bị lừa đảo có quyền đòi người lừa đảo phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Vì vậy, theo Vietinbank thì bản án sơ thẩm buộc Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Do đó, Vietinbank cũng không đồng ý bồi thường 1.085 tỷ đồng cho 5 Cty Phương Đông, An Lộc, SBBS, Hưng Yên và Toàn Cầu. Vietinbank không chấp nhận đề nghị của vị đại diện VKS hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô tài sản.

Trong phần tranh tụng, đại diện ACB và Navibank tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải bồi thường thiệt hại về tài sản. Các luật sư bảo vệ Vietinbank đã bác yêu cầu, không chấp nhận. Luật sư Bắc cho rằng, khi thỏa thuận với Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó Phòng Quản lý quỹ ACB về việc huy động tiền với lãi suất cao, Huyền Như đồng ý lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng được trả ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán là 3,8 đến 4,5%/năm và riêng cho Ngọc là 1,5%. Như vậy, “thỏa thuận ngầm” giữa Như và Ngọc trên đây là trái pháp luật.

Luật sư Bắc chỉ ra, việc “thỏa thuận ngầm” này xuất phát từ chủ trương trái pháp luật của HĐQT ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác và được ban lãnh đạo ACB chỉ đạo triển khai thực hiện giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Huyền Như. Do lòng tham “lãi suất” chênh của lãnh đạo ACB, lòng tham “phần trăm” của Huỳnh Thị Bảo Ngọc nên tất cả đã “sập bẫy” Huyền Như. Theo luật sư Bắc, lãnh đạo ACB, Huỳnh Thị Bảo Ngọc và các nhân viên ACB đã vi phạm pháp luật, tắc trách, vô trách nhiệm thực hiện giao dịch bất hợp pháp với Huyền Như. Các sai phạm này đã bị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB.

Còn đối với Navibank, luật sư Trung cho rằng, nếu cắt khúc giao dịch này ra, giữa Navibank và Vietinbank thì làm gì có quan hệ gì mà đòi. Tiền của nhân viên Navibank gửi tại Vietinbank về mặt hình thức không phải là tài sản của họ. Chủ tịch HĐQT Navibank đã xác nhận rằng hợp đồng với 4 nhân viên đã tất toán và chuyển nhượng cho một công ty khác. Mọi thiệt hại nếu có đều cơ bản đã được khắc phục. Các hợp đồng tiền gửi của Navibank hiện thuộc sở hữu của một công ty khác.
Trong ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng của các đại diện 4 Cty Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên và Toàn Cầu. Riêng đại diện Cty SBBS đã tham gia tranh tụng xong.

Văn Minh

————-

Tiền phong (Pháp luật) 26-12-2014:

http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/vietinbank-khong-chap-nhan-boi-thuong-803307.tpo

(438/1.450)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,295