643. Xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như: Huyền Như bị đề nghị thêm tội tham ô

(TT) –  Ngay sau khi viện kiểm sát đề nghị thêm tội tham ô đối với bị cáo Huyền Như, luật sư bào chữa cho Huyền Như – cho rằng đề nghị này không có cơ sở.

Trong phiên xử ngày 25-12, viện kiểm sát đề nghị thêm tội tham ô đối với bị cáo Huyền Như – Ảnh: T.T.D.

Trong phiên xử chiều 25-12, ngay sau khi viện kiểm sát đề nghị thêm tội tham ô đối với bị cáo Huyền Như, luật sư Nguyễn Văn Ngoan – bảo vệ quyền và lợi ích của Huyền Như – cho rằng đề nghị không có cơ sở, yêu cầu hủy đề nghị điều tra thêm tội tham ô đối với Huyền Như.

Cũng hôm qua, các luật sư bào chữa cho các bị cáo, bị hại đã có phần tranh luận với nhau.

Theo đó, các luật sư của năm công ty Hưng Yên, Toàn Cầu, SBBS, An Lộc và Phương Đông đều đồng ý với phần quan điểm của đại diện viện kiểm sát cho rằng tiền gửi của các khách hàng này đã vào đến hệ thống của VietinBank và xác định VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt.

VietinBank vi phạm thỏa thuận

VietinBank không phải có trách nhiệm với tiền do Như chiếm đoạt?!

Luật sư Nguyễn Thị Bắc (bảo vệ quyền lợi cho VietinBank) cũng có phần tranh luận lại với viện kiểm sát và các công ty. Bà Bắc phản đối kiến nghị của đại diện viện kiểm sát và khẳng định việc các công ty, ngân hàng gửi tiền vào VietinBank và bị chiếm đoạt hoàn toàn do lỗi của các doanh nghiệp, ngân hàng này và hoàn toàn không phải lỗi của VietinBank. Bà Bắc đề nghị hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, bị hại, bác kiến nghị của viện kiểm sát về việc hủy một phần bản án và bản án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội, đúng tư cách tố tụng của tất cả các bên và “VietinBank không phải có trách nhiệm đối với các khoản tiền mà khách hàng đã bị Huyền Như chiếm đoạt”.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho SBBS) cho rằng VietinBank đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, không gửi kịp thời giấy báo nợ, báo có theo quy định.

Luật sư của SBBS đưa ra bằng chứng: trong giấy đề nghị mở tài khoản ngày 18-5-2011, SBBS và VietinBank đã thỏa thuận VietinBank chi nhánh TP.HCM phải thông tin hằng tháng qua bưu điện cho SBBS biết.

Thực tế, VietinBank không thực hiện trách nhiệm này, vì nếu thực hiện thì SBBS đã phát hiện kịp thời, ngăn chặn và hậu quả sẽ không xảy ra.

Bản án sơ thẩm nhận định: khi Huyền Như thực hiện lệnh chuyển tiền này đi thì VietinBank không biết, vì không biết nên VietinBank không thể thông báo cho SBBS biết.

Luật sư Phương cho rằng cách lập luận của bản án sơ thẩm cho thấy VietinBank đã tự biến mình thành nạn nhân của Huyền Như, là nguyên nhân dẫn đến việc chiếm đoạt tiền của Huyền Như.

Luật sư Phương khẳng định việc cho rằng VietinBank phải trả 210 tỉ đồng cho SBBS là có căn cứ pháp luật.

Tiền huy động từ nhân dân sao gọi là phi pháp?

Theo nhận định của đại diện Viện KSND tối cao tại phiên tòa, NaviBank phải chịu trách nhiệm với việc mất 200 tỉ đồng do nguồn tiền các nhân viên NaviBank gửi vào tài khoản là nguồn tiền phi pháp, các nhân viên này mở tài khoản không phải để sử dụng.

Hành động của các nhân viên này vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi cho NaviBank) trong phần tranh luận tại tòa cho rằng “nhận định của viện kiểm sát là sai”, vì pháp luật chỉ cấm sử dụng tài khoản đối với số tiền có nguồn gốc bất hợp pháp như trộm cướp, tham ô, đánh bạc, mua bán ma túy… chứ không liên quan gì đến tiền của NaviBank huy động từ nhân dân.

Ông Đức cho rằng đó không thể là lý do để buộc NaviBank phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền đã mất, mà tiền này đã được gửi vào VietinBank và VietinBank phải có trách nhiệm hoàn trả cho NaviBank.

“Kiến nghị của viện kiểm sát vi phạm tố tụng”

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như), luật sư Nguyễn Văn Trung (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VietinBank).

Cả hai luật sư này đều cho rằng đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã vi phạm tố tụng khi làm xấu đi tình hình của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như khi Như không kháng cáo với phần hình phạt về tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên.

Luật sư Nguyễn Văn Trung còn nói rằng ông hết sức sửng sốt và ngạc nhiên bởi bản cáo trạng trong vụ án này do Viện KSND tối cao ban hành và đã được Viện KSND TP.HCM thừa ủy quyền giữ quyền công tố, đã ra sức bảo vệ, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm thì đại diện Viện KSND tối cao lại kiến nghị đổi một phần tội danh cho bị cáo Như sang tội tham ô.

“Việc có xem xét đổi tội danh cho bị cáo Như hay không không phải là trách nhiệm của hội đồng xét xử phúc thẩm, mà nếu có thì ở bản án giám đốc thẩm”.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhắc nhở luật sư Trung là hội đồng xét xử đang nghe các ý kiến và chưa có quyết định gì và đề nghị luật sư tập trung vào phần bảo vệ cho VietinBank.

HOÀNG ĐIỆP

—————-

Tuổi trẻ (Pháp luật) 26-12-2014:

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20141226/huyen-nhu-bi-de-nghi-them-toi-tham-o/690615.html

(112/1.045)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,295