(TBNH) – Tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, nhất là khi hoạt động SXKD của DN vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng thực tế vẫn cần và có thể đạt ở mức cao hơn.
Tín dụng vẫn là nguồn vốn quan trong đối với nhiều DN |
Có thể đạt hoặc vượt mục tiêu đặt ra
Nhiều dự báo của cả các tổ chức trong nước và nước ngoài gần đây đều khẳng định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ cải thiện hơn năm 2014 và sẽ đạt quanh mức 6-6,2%. Theo đó, tăng trưởng khoảng 13-15% như mục tiêu NHNN đưa ra cho năm nay là phù hợp. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể còn cao hơn đôi chút nếu sức cầu cải thiện hơn và các yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng khác được giải quyết.
“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% là khả thi vì 3 lý do chính. Thứ nhất, kinh tế kỳ vọng khởi sắc hơn. Thứ hai, những quyết sách về tín dụng của những năm trước đã và đang được tháo gỡ dần, như gói 30 nghìn tỷ đồng, gói liên kết 4 nhà, nợ xấu được giải quyết nhanh hơn, tín dụng cho BĐS khởi sắc, những cú huých mới khi các hiệp định thương mại có hiệu lực… Thứ ba, mặt bằng lãi suất đã thấp hơn năm ngoái và vẫn còn dư địa giảm thêm nữa (tùy vào lạm phát)” – TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích.
Nhìn vào tính chu kỳ cũng như sức ép của thị trường, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng, khi đáy đã được xác lập trong một thời gian dài thì vấn đề tín dụng tăng trở lại là điều có thể dự đoán được. “Tôi tin tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tăng nhanh hơn, thậm chí có thể lên tới 20%. Chúng ta có thể thấy dấu hiệu qua tính chu kỳ, qua xu thế tăng nhanh hơn của tín dụng 6 tháng cuối năm 2014, qua việc giá dầu ở mức rất thấp đang giúp chi phí sản xuất và kích thích tiêu dùng, hay qua sự ấm lên đôi chút của thị trường bất động sản…”, luật sư Đức nói.
Tuy nhiên, để tăng trưởng tín dụng thực sự được cả về số lượng và chất lượng thì có nhiều thách thức đã và đang cần tiếp tục giải quyết. Bởi vẫn còn nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tín dụng ra nền kinh tế khó khăn. Trong đó, bên cạnh yếu tố chủ yếu là sức cầu yếu thì một trong những nguyên nhân là nợ xấu và những vướng mắc trong giải quyết nợ xấu. Theo TS. Lực, xử lý nợ xấu hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, đặt biệt liên quan đến vấn đề xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) và phát triển thị trường mua bán nợ.
Giải quyết nút thắt nợ xấu
Trong đó, với xử lý TSĐB đã có tiến triển với Thông tư liên tịch số 16. Theo đó, quyền hạn đã tăng lên một chút ít với bên nhận TSĐB (tức bên ngân hàng). Cụ thể, trong trường hợp người đi vay, bên thế chấp TSĐB không hợp tác thì trong vòng một thời gian nhất định, các ngân hàng sẽ được phép bán TSĐB đó ra. Và nếu lần đầu tiên không bán được thì được phép giảm giá để bán tiếp. Thông tư này có hiệu lực từ tháng 7/2014 và các ngân hàng cũng bắt đầu xử lý theo hướng đó nhưng rõ ràng để chính sách đó đi vào cuộc sống thì không phải làm được ngay.
Bên cạnh đó, tính thanh khoản của cho các TSĐB đó cũng là vấn đề bởi nhiều khi, ngân hàng muốn bán cũng chưa chắc đã bán. Tuy nhiên TS. Lực tin tưởng, thị trường luôn có người cần mua. Trong thời điểm hiện nay, điều cốt yếu là các TSĐB đó phải đảm bảo là ở những vị trí thuận lợi (với bất động sản), không có vướng mắc về mặt pháp lý và còn giá trị (những TSĐB không phải là BĐS) thì sẽ dễ chuyển nhượng được hơn.
Thực tế trong năm 2014 cho thấy, trong tổng số nợ xấu đã được xử lý, nợ xấu được tổ chức tín dụng tự xử lý bằng dự phòng rủi ro, qua phát mại tài sản để thu hồi nợ đã chiếm tới 30%.
Về vấn đề thị trường mua bán nợ, theo TS. Lực, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét cho phép VAMC bán nợ ra theo giá thị trường. Song để xác định được giá trị bán ra thì cần phải định giá được tài sản đó. Mà muốn làm được điều này thì theo TS. Lực, rất cần các tổ chức định giá độc lập vào cuộc. Bên cạnh đó, VAMC cần được phép bán tài sản đó cho bất kỳ đối tượng nào, dù trong nước hay nước ngoài. VAMC cũng cần được trao thêm quyền năng là được phép bán đi mà “không phải xin phép bên này, bên kia”…
Còn để XLNX, dù bằng cách nào thì cuối cùng cũng phải quay trở lại câu chuyện thị trường. “Chính phủ cần tác động làm sao để thị trường mua bán tốt, phát triển tốt, chuẩn mực thì tự dưng mọi chuyện khác sẽ đâu vào đấy hết”, Luật sư Đức tin tưởng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nỗ lực của một mình ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu thôi là chưa đủ bởi nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế nên cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức 3% vào cuối năm 2015 thì sự phối hợp, vào cuộc của các Bộ, ngành trong triển khai các nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đơn cử, việc tái cơ cấu DNNN nhanh thì các DN sẽ có cơ hội phục hồi và có khả năng quay lại trả nợ. Còn tái cơ cấu đầu tư công được triển khai quyết liệt hơn, đặc biệt là vấn đề nợ đọng cơ bản cũng sẽ giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Đỗ Lê
————
Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 14-02-2015:
http://thoibaonganhang.vn/giam-no-xau-de-thuc-day-tin-dung.html
(178/1.145)