(CL) – Trong phần tranh luận tại phiên tòa, tất cả các luật sư đều tập trung phân tích, làm rõ về hành vi chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như…
Chiều nay 29/12, phiên tòa phúc thẩm “đại án” Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần đối đáp.
Phản biện lại ý kiến bảo vệ của các luật sư bảo vệ cho VietinBank, luật sư Trần Minh Hải bảo vệ cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) đã tập trung phân tích và đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý chứng minh cho 7 luận điểm mà các luật sư đồng nghiệp bảo vệ VietinBank đưa ra.
Theo đó, luật sư Hải tập trung phản biện về luận điểm ORS thay đổi nội dung kháng cáo vượt phạm vi xem xét cấp phúc thẩm; về “tài khoản thanh toán” và “tài khoản tiền gửi” không phải là một; về tiền vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng là coi như khách hàng đã mất tiền vào tay tội phạm dẫn dụ lừa đảo; về quy kết những khách hàng gửi tiền ở đây cho thuê, cho mượn tài khoản; về các giao dịch trước khi gửi tiền giữa khách hàng gửi tiền và các ngân hàng có vốn là vi phạm pháp luật; về việc cho rằng tiền gửi của khách hàng là tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp; về việc cho rằng khách hàng phải chịu trách nhiệm mất tiền vì có lỗi khi vi phạm trách nhiệm…
Sau khi phân tích và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Hải đồng ý với quan điểm của đại diện VKS và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của ORS.
Trong phần đối đáp, luật sư Trương Thanh Đức bảo vệ cho NaviBank cho rằng, 10 luận điểm của các luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho VietinBank đưa ra là không có căn cứ. Theo đó, luật sư Đức tập trung phân tích và đưa ra ý kiến phản biện về nguồn gốc của tiền gửi; về thoả thuận ngầm lãi suất; về việc bịt mắt khách hàng; về việc sập bẫy lừa đảo; về việc theo dõi tài khoản; về việc tiền vay của ai?; về việc khấu trừ tiền gửi; về việc tiền bị chiếm đoạt; về thẩm quyền của Huyền Như; về trách nhiệm với tiền gửi.
Bên cạnh đó, luật sư Đức cho rằng, kết luận của đại diện VKS khi phân tích về các giao dịch hợp pháp, hợp lệ của 5 công ty và về trách nhiệm của VietinBank đối với tiền gửi của khách hàng là đúng đắn, chính xác, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đầy đủ, chặt chẽ, thuyết phục.
Theo luật sư Đức, các tình tiết pháp lý về mở tài khoản thanh toán và gửi tiền tại VietinBank của nhân viên NaviBank hoàn toàn giống 5 công ty. Tuy nhiên, đại diện VKS khi nhận định về NaviBank lại trái ngược 180 độ, đảo lộn tất cả đối với phần tiền gửi của 4 nhân viên NaviBank. Luật sư Đức đề nghị HĐXX xem xét về tính đối nghịch này.
Các bị cáo trong phiên tòa chiều 29/12
Luật sư Lưu Văn Tám bảo vệ cho ACB cũng đồng ý quan điểm của đại diện VKS khi cho rằng, hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với 5 công ty có dấu hiệu tham ô tài sản. Tuy nhiên, khi nhận định về hành vi chiếm đoạt tiền của ACB thì đại diện VKS cho rằng đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Tám, không thể với cùng một sự việc, với các yếu tố cấu thành tội phạm như nhau, do cùng một chủ thể; xâm phạm cùng một khách thể; có hành vi, thủ đoạn khách quan giống hệt nhau; với ý thức chiếm đoạt, động cơ, mục đích về mặt chủ quan y như nhau, thì không thể cho hai kết quả khác nhau, với hai tội danh khác nhau được. Do đó, luật sư Tám cho rằng, Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản của VietinBank.
Tương tự, khi phản biện lại ý kiến của đại diện VKS, các luật sư bảo vệ cho VietinBank, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên bảo vệ cho ACB tập trung phân tích về chủ trương trả mức lãi suất vượt trần; về cho vay trái pháp luật; về vi phạm các quy định về kiểm soát chứng từ giao dịch, kế toán; về các sai sót của ACB; về việc xác định mối quan hệ nhân quả… Đặc biệt, luật sư Uyên nhấn mạnh về tính thật giả trong giao dịch của vụ án đã bị đảo lộn; về vật chứng của vụ án vẫn chưa được thu hồi làm rõ…
Sau khi phân tích và đưa ra chứng cứ, cơ sở pháp lý chứng minh để phản biện lại ý kiến của đại diện VKS, các luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho VietinBank, luật sư bào chữa cho bị cáo Như, các luật sư bảo vệ cho ACB đề nghị HĐXX tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, phần có liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như để xác định lại tội danh, trách nhiệm bồi thường của các bên đương sự trong vụ án.
Lẽ ra, phiên tòa sẽ dành cho các luật sư bảo vệ cho VietinBank thực hiện phần đối đáp của mình. Tuy nhiên, thời gian làm việc còn lại không nhiều, HĐXX đã chuyển sang buổi làm việc sáng mai, dành cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận.
Phiên tòa tiếp tục với các ý kiến đối đáp của các luật sư bảo vệ cho các bị cáo khác.
Phản biện lại ý kiến của đại diện VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn cho rằng, hành vi phạm tội của Tuấn là trái với chức năng kinh doanh chứ không phải là kinh doanh trái phép. Việc bị cáo Tuấn đem tiền ký hợp đồng ủy thác đầu tư không phải là hành vi cho vay mà là việc đem tiền của công ty đi gửi ngân hàng khi chưa dùng đến. Đây là việc làm hoàn toàn an toàn và được nhà nước khuyến khích nhưng không may là bị Như lừa đảo.
Luật sư Thiệp cho rằng, việc đầu tư là không sai, việc gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi là không sai, nếu sai là người ban hành chủ trương. Phạm Anh Tuấn chỉ là thực hiện chủ trương. Đó mới là bản chất như VKS không nhìn nhận là vấn đề cần xem xét để đánh giá mức độ sai phạm.
Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cũng phân tích về sự bất hợp lý trong tính toán về số tiền lãi hơn 72 tỷ đồng; về các tình tiết giảm nhẹ; về việc đại diện VKS không đề cập đến việc hủy lệnh kê biên trong kháng cáo…
Tranh luận với ý kiến của đại diện VKS, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho bị cáo Huỳnh Trung Chí nhắc lại trong bài bào chữa đã đồng tình một số vấn đề mà các luật sư đồng nghiệp đã nêu về các qui định về trách nhiệm hình sự, động cơ, mục đích, nhân thân đối với nhóm tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Luật sư Phúc thừa nhận những sai sót của bị cáo Chí. Tuy nhiên, luật sư Phúc cho rằng, hành vi phạm tội của bi cáo Chí cũng xuất phát từ các sai sót, thiếu trách nhiệm của nhân viên ACB. Luật sư Phúc đề nghị cá thể hóa trách nhiệm bị cáo đối với các bị cáo trong việc xác định số tiền thiệt hại 718 tỷ cuả ACB, trong đó có khoản tiền bị cáo bị quy kết là 239 tỷ đồng.
Luật sư Phúc cho rằng, có nhiều tác nhân gây thiệt hại: Hành vi lừa đảo của Như là yếu tố quyết định, kế đến là sai phạm của HĐQT của ACB, lỗi của 17 nhân viên ACB và còn lại là của nhân viên VietinBank để dẫn tới thiệt hại. Trong chuỗi hành vi này do nhiều người gây ra, bị cáo Chí chỉ là vô ý, vì quá tin tưởng nên góp một phần.
Sau khi phân tích, viện dẫn cơ sở pháp lý và đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo mức thấp nhất theo quy định của pháp luật.
—————–
Công lý (Pháp đình) 29-12-2014:
(242/1.510)