65. Về việc Chủ tịch HĐQT uỷ quyền cho Tổng giám đốc.

Về việc Chủ tịch HĐQT uỷ quyền cho Tổng giám đốc

(TTTC) – Các quy định hiện hành về người đại diện theo pháp luật và việc uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật đối với các Ngân hàng TMCP là một vấn đề phức tạp và gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, có một số ý kiến bàn về vấn đề này chưa đúng với quy định của pháp luật và thực tế, làm cho các Ngân hàng lo ngại khi thực hiện và các cơ quan pháp luật băn khoăn khi giải quyết tranh chấp.

Ví dụ, ý kiến của tác giả Thái Nguyên Toàn (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam) trong bài “Uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án đối với các vụ án kinh tế, dân sự – những vấn đề bất cập”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 7-2002.

Vừa qua, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 22 ngày 15-11-2002 có đăng bài: “Trao đổi ý kiến về điều 37, khoản 3, Luật các TCTD” của L.S Bửu Thuỷ (Ngân hàng TMCP Phương Đông). Trên cơ sở viện dẫn các quy định của pháp luật: “Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP” nhưng “không được đồng thời là Tổng giám đốc” và “Chủ tịch HĐQT không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên HĐQT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”, tác giả bài viết đã  đưa ra một số nhận định chủ yếu như sau:

– Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP được uỷ quyền cho Tổng giám đốc “làm thay Chủ tịch HĐQT, nhân danh Chủ tịch HĐQT”, trong trường hợp Tổng giám đốc là thành viên HĐQT. Tác giả cho rằng việc uỷ quyền trong trường hợp này là đúng pháp luật;

– Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP không được uỷ quyền cho Tổng giám đốc, trong trường hợp Tổng giám đốc không phải là thành viên HĐQT. Từ đó, tác giả cho rằng: Các giao dịch do Tổng giám đốc (là người làm thuê) thực hiện là không có hiệu lực pháp lý và sẽ “dẫn đến những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với người thứ 3 khi xảy ra tranh tụng”;

– Do đó, tác giả đề nghị: “Cho phép Chủ tịch HĐQT được phép uỷ quyền cho người làm Tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình”.

Theo tôi, những ý kiến trên đây là không thoả đáng và chưa đúng về bản chất pháp lý. Tôi xin được trao đổi về các vấn đề trên như sau:

  1. Theo quy định hiện nay của pháp luật, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP có hai tư cách: Là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng và là người đứng đầu cơ quan HĐQT, một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng.

Với tư cách “là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP và được ghi trong Điều lệ Ngân hàng TMCP” theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Quy định về tổ chức và hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP của Nhà nước và nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN ngày 27-8-2001 của Thống đốc NHNN, thì Chủ tịch HĐQT được đương nhiên đại diện hợp pháp cho Ngân hàng trong các giao dịch dân sự, được làm tất cả những gì mà pháp luật quy định đối với người đại diện cho một pháp nhân như: Ký các hợp đồng tín dụng, kinh tế, dân sự, lao động, thoả ước lao động tập thể,… Việc đại diện này không thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT với tư cách là người đứng đầu cơ quan HĐQT. Nếu Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng, thì cũng là người đương nhiên được thực hiện các công việc đó.

Còn đối với tư cách là người đứng đầu cơ quan HĐQT, thì Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP chỉ có những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2, Điều 81, Luật Doanh nghiệp và Điều 17, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN nói trên như sau:

– Thay mặt HĐQT triệu tập và chủ toạ họp Đại hội đồng cổ đông;

– Triệu tập các cuộc họp HĐQT;

– Chuẩn bị nội dung, chương trình và điều khiển các phiên họp để thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT;

– Tổ chức thông qua quyết định của HĐQT dưới các hình thức khác;

– Theo dõi quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT;

– Lập chương trình công tác (kế hoạch hoạt động) và phân công nhiệm vụ của các thành viên HĐQT thực hiện quản trị  hoạt động của Ngân hàng;

– Ký các văn bản xử lý công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT;

– Ký văn bản uỷ quyền cho một trong số thành viên HĐQT đảm nhiệm công việc của mình trong thời gian vắng mặt;

– Thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng TMCP.

Như vậy, các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT đều xuất phát từ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT. Có lẽ chính vì vậy mà nhiệm vụ “đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp nói chung và của Ngân hàng TMCP nói riêng không được các văn bản quy phạm pháp luật đưa vào phần nội dung về các quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT.

  1. Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản trị (quản lý) Ngân hàng, thì Chủ tịch HĐQT chỉ được uỷ quyền cho một trong những thành viên HĐQT, chứ không được uỷ quyền cho Tổng giám đốc, là người điều hành hoạt động hàng ngày của Ngân hàng. Trong trường hợp Chủ tịch HĐQT uỷ quyền cho Tổng giám đốc đồng thời là thành viên HĐQT, thì thực chất là uỷ quyền cho thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, chứ không phải là uỷ quyền cho Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT. Ví dụ, Chủ tịch HĐQT không thể uỷ quyền cho Tổng giám đốc “triệu tập các cuộc họp HĐQT” hay “ký các văn bản xử lý công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT”. Trên thực tế, nếu có việc Tổng giám đốc “làm thay Chủ tịch HĐQT, nhân danh Chủ tịch HĐQT” như tác giả bài viết nói trên nêu ra, thì phải hiểu đó là trường hợp Chủ tịch HĐQT uỷ quyền cho thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Còn nếu không thì việc uỷ quyền đó sẽ là vi phạm Luật Các TCTD, là vô hiệu.

Do đó, quy định: “Chủ tịch và các thành viên khác trong HĐQT không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên HĐQT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” tại khoản 3, Điều 37, Luật Các TCTD; tại khoản 2, Điều 46, Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12-9-2000 của chính phủ Về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại; tại khoản 4, Điều 10, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN nói trên là hoàn toàn hợp lý, không mâu thuẫn với việc Chủ tịch HĐQT uỷ quyền cho Tổng giám đốc (không phải là thành viên HĐQT) làm đại diện hợp pháp cho Ngân hàng trong các quan hệ giao dịch kinh tế, dân sự. Không cần thiết và cũng không thể quy định: “Chủ tịch HĐQT được phép uỷ quyền cho người làm Tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình” như đề nghị ở trên của tác giả Bửu Thuỷ.

  1. Tóm lại, nếu Chủ tịch HĐQT không phải là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP thì không được phép uỷ quyền cho Tổng giám đốc để làm đại diện hợp pháp của Ngân hàng trong các giao dịch dân sự, đồng thời cũng không được phép uỷ quyền cho Tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh Chủ tịch HĐQT.

Theo các quy định hiện nay, thì Tổng giám đốc là người đại diện đương nhiên của Ngân hàng TMCP trong các “quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”. Còn trong những quan hệ pháp luật khác, Tổng giám đốc chỉ là người đại diện hợp pháp khi được Chủ tịch HĐQT uỷ quyền. Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP, thì Chủ tịch HĐQT cần phải uỷ quyền cho Tổng giám đốc để làm đại diện hợp pháp của Ngân hàng trong các giao dịch dân sự (trừ việc “đại diện cho Ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”). Chủ tịch HĐQT hoàn toàn có thể uỷ quyền cho Tổng giám đốc cũng như cho bất cứ người nào khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng. Khi đó, các giao dịch do Tổng giám đốc (dù là hay không phải là thành viên HĐQT) thực hiện theo đúng sự uỷ quyền hợp pháp của Chủ tịch HĐQT đều bảo đảm hiệu lực pháp lý và sẽ không “dẫn đến những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với người thứ 3 khi xảy ra tranh tụng” như nhận xét của tác giả bài viết nói trên.

  1. Tuy nhiên, quy định “Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP và được ghi trong Điều lệ Ngân hàng TMCP” tại khoản 3, Điều 9, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1087/2001/QĐ-NHNN nói trên và tại khoản 5, Điều 54, Mẫu Điều lệ Ngân hàng TMCP của Nhà nước và nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 383/2002/QĐ-NHNN ngày 24-4-2002 của Thống đốc NHNN cần phải được xem xét huỷ bỏ, vì nó không phù hợp với quy định có hiệu lực cao hơn tại khoản 1, Điều 85, Luật Doanh nghiệp năm 1999: “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật, thì Giám đốc (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty”; tại khoản 1, Điều 31, Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 của Chính phủ về Về chế độ tài chính đối với các TCTD: Tổng giám đốc là người ”đại diện pháp nhân của TCTD” và tại ” tại khoản 5, Điều 55, Nghị định số 49/2000/NĐ-CP nói trên: Tổng giám đốc là người “đại diện cho Ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”. Nếu so sánh với quy định về người đại diện theo pháp luật của các Ngân hàng thương mại Nhà nước thì càng thấy rõ điều này: Điều 37, Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995 quy định: “Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là đại diện pháp nhân của doanh nghiệp” và khoản 6, Điều 36, Nghị định số 49/2000/NĐ-CP nói trên quy định: Tổng giám đốc là người “Đại diện cho ngân hàng trong quan hệ quốc tế, tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”. Trong khi đều được quy định như nhau, nhưng cuối cùng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại Nhà nước thì là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng, nhưng Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP thì lại không phải là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng?!

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 01/2003:

#HĐQT #TCTD #NHTM

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,842