650. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân: Dân biết – dân bàn – dân quyết

(DĐDN) –  Trưng cầu ý dân là việc khẳng định quyền làm chủ trực tiếp của người dân đối với các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, do chưa được thể chế hóa cụ thể trong luật nên việc trưng cầu ý dân vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.

Vừa qua có nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia mà chúng ta chỉ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân chứ không trưng cầu ý dân

UB Thường vụ Quốc hội (QH) vừa đưa ra thảo luận lần đầu tiên về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra như: Khi nào trưng cầu ý dân? Nội dung trưng cầu ý dân là gì? Ai là người đề nghị trưng cầu ý dân? Chủ thể quyết định thời điểm, thời gian và nội dung, xử lý sau khi trưng cầu ý dân? chủ thể công nhận kết quả trưng cầu ý dân?…

Thể hiện ý chí nhân dân

Để nói về mục tiêu chính của dự thảo luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trưng cầu ý dân thì phải đúng là ý dân – người dân được độc lập, tự chủ, thể hiện chính kiến bằng lá phiếu. Do đó, công tác tổ chức phải đảm bảo lá phiếu không bị tác động.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, việc trưng cầu ý dân là cơ sở để QH quyết định một vấn đề quan trọng nào đó. Kết quả trưng cầu ý dân cần công khai, minh bạch trước QH để đại biểu QH có thông tin tham khảo trước khi bỏ phiếu. Cũng theo Chủ tịch QH, cần xác định rõ loại việc đưa ra trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân, những vấn đề nào được trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước hay khu vực.

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đã chỉ ra, việc đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân khi tham gia công việc của nhà nước. Tuy nhiên, xác định cụ thể việc này là rất khó, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước tại mỗi thời điểm và quyền của quốc hội. Mặt khác, Hiến pháp và Luật tổ chức QH cũng chỉ quy định thẩm quyền QH quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định cụ thể việc nào phải trưng cầu.

Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 1 như dự thảo là chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu. Đó là vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào đó, tùy vào yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, luật cần quy định tiêu chí cụ thể vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung rất khó thực hiện. Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề quốc gia đại sự, không nên trưng cầu ý dân những vấn đề mang tính khu vực, cục bộ.

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nội dung đưa ra trưng cầu ý dân còn quá chung chung: Dự thảo nói là các vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng theo Hiến pháp, đó là tất cả các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội… Vậy những vấn đề như hôn nhân đồng tính, gia nhập TPP… có trưng cầu không? Ông Giàu đề nghị, cần quy định rõ hơn tại dự thảo, báo chí được tham gia vào quá trình kiểm phiếu để giám sát kết quả trưng cầu ý dân.

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, dự thảo Luật trình 2 phương án: Phương án 1 gồm Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 bao gồm các chủ thể như phương án 1, mở rộng thêm Mặt trận Tổ quốc. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức QH, đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như Phương án 1 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lại cho rằng, nên cân nhắc quy định cá nhân đề nghị trưng cầu ý dân tại dự thảo. Theo ông Sơn, không nên quy định chủ thể được đề nghị trưng cầu ý dân là cá nhân do đây là vấn đề rất nhạy cảm và cần phải giải trình thuyết phục. Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, để cá nhân có quyền đề xuất trưng cầu ý dân, dù chức vụ đến đâu cũng không hay, vì có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị. Chỉ nên quy định chủ thể được đề nghị trưng cầu ý dân là tập thể.

Đòi hỏi thực tiễn

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, bởi quyền trưng cầu ý dân đã được Hiến pháp quy định và cũng là đòi hỏi trong thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trên thế giới đã có 167 quốc gia có Luật Trưng cầu ý dân.

Việc sớm có Luật Trưng cầu ý dân đang là một yêu cầu manh tích cấp bách.

Trên thế giới, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại, rất nhiều nước đã ban hành luật Trưng cầu ý dân. Đơn cử như một quốc gia lân cận là Philippines đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. Hiến pháp Philippines chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung thông qua trưng cầu ý dân cấp quốc gia. Trưng cầu ý dân cấp địa phương quyết định việc thay đổi địa giới hành chính khu tự trị, tỉnh, thành phố, thị trấn, làng xã, bao gồm tạo mới, sáp nhập, nâng cấp các đơn vị quản lý địa phương…

Đối với các quốc gia ở Châu Âu, Hiến pháp Áo quy định 2 loại trưng cầu ý dân ở cấp liên bang: bắt buộc, có tính ràng buộc, phải thực hiện (như quyết định việc có hay không bãi chức tổng thống trước khi hết nhiệm kỳ, thay đổi toàn diện hiến pháp). Áo đã trưng cầu dạng không bắt buộc đối với vấn đề điện hạt nhân (năm 1978) và cưỡng bách tòng quân (năm 2013).

Còn ở Đan Mạch, sau khi một luật được Quốc hội thông qua, 1/3 số nghị sĩ có thể yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân (không áp dụng với luật liên quan chi tiêu, sung công). Đan Mạch trưng cầu ý dân mỗi khi có hiệp ước mới của Liên minh châu Âu được phê chuẩn.

Lần trưng cầu ý dân đầu tiên ở Costa Rica diễn ra vào ngày 7/10/2007, nhằm tán thành hoặc phản đối hiệp định thương mại tự do với Trung Mỹ, Dominica và Mỹ. Kết quả là 51,62% tán thành. Đến nay, đây vẫn là hiệp định thương mại tự do duy nhất trên thế giới được phê chuẩn thông qua trưng cầu ý dân.

Tờ trình của cơ quan soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân của VN đã nêu rõ, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân dù đã được hiến định.

Chính vì vậy, việc sớm có Luật Trưng cầu ý dân đang là một yêu cầu manh tính cấp bách. Từ người dân đến nghị trường đều rất mong mỏi một dự thảo Luật Trưng cầu ý dân hoàn chỉnh sẽ được thông qua vào kỳ họp QH cuối năm 2015.

Không quy định vấn đề giám sát trong Luật trưng cầu ý dân


Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội:

Có ý kiến cho rằng có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do QH quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định như xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một vùng lãnh thổ, việc trao những thẩm quyền đặc biệt cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, ở biên giới, hải đảo. Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp, đề nghị dự thảo luật cần quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc nhưng trong một số trường hợp cũng có thể tiến hành ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính nhất định.

Đối với quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong giám sát trưng cầu ý dân, để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Tuy nhiên, thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của QH, Luật tổ chức HĐND và UBND.  Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả pháp luật về trưng cầu ý dân. Vì vậy, đề nghị không quy định vấn đề giám sát trong Luật trưng cầu ý dân để tránh trùng lặp.

Mở rộng về đối tượng

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Tất cả các Hiến pháp từ 1946 đến nay đều quy định quyền lực thuộc về nhân dân. Như vậy, việc nhân dân quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia đã được hiến định. Luật Trưng cầu ý dân chỉ là văn bản thể chế hóa hiến pháp. Do đó, Luật cần quy định thật cụ thể những vấn đề gì cần phải trưng cầu ý dân. Nhìn chung, luật càng chi tiết càng tốt, chỉ những vấn đề gì mới phát sinh mà luật không lường hết được thì giao cho Quốc hội quyết định có trưng cầu ý dân hay không.

Nói tới việc ai có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân, theo tôi nên mở rộng hơn các đối tượng không nhất thiết cứ phải tổ chức mới được phép đề nghị trưng cầu ý dân. Từ cá nhân những vị lãnh đạo đất nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch mặt trận tổ quốc… đều có thể đề nghị lên Quốc hội hoặc UB thường vụ Quốc hội trưng cầu ý dân. Thậm chí đối với những vấn đề liên quan đến địa phương hoặc tổ chức trưng cầu ý dân tại địa phương thì cấp thấp hơn tương đương cũng có thể đề xuất trưng cầu ý dân.

Việc trưng cầu ý dân là hình thức thể hiện quyền dân chủ đối với VN nói riêng và các quốc gia tiên tiến nói chung. Do vậy, từ các nội dung cần trưng cầu ý dân đến đối tượng đề nghị trưng cầu ý dân càng mở rộng, càng thể hiện tinh thần xã hội dân chủ. Vấn đề là tổ chức trưng cầu ý dân thế nào cho tốt, cho hiệu quả. Quốc hội là cơ quan dân cử phải có trách nhiệm từ giám sát đến tổ chức và công bố kết quả một cách công khai, minh bạch. Quy trình về công bố kết quả trưng cầu, hay giám sát hoạt động tổ chức cần được luật hóa và có sự giám sát của cộng đồng, của truyền thông. Làm tốt khâu tổ chức, việc trưng cầu ý dân sẽ trở thành một hoạt động thường xuyên, thuận lợi và hiệu quả đúng như kỳ vọng.

Bá Tú

————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Toạ đàm) 06-3-2015:

http://dddn.com.vn/toa-dam/du-thao-luat-trung-cau-y-dan-dan-biet-dan-ban-dan-quyet-201503040434083.htm

(401/2.357)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426