(DĐDN) – Khi hai Luật Đầu tư và Luật Đất đai vênh nhau, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thì dẫn chiếu một đằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh giải thích một nẻo, phải giải quyết ra sao để tránh tiền lệ xấu? Đây là vụ việc đang gây nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng).
Dự án xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (viết tắt là dự án Formosa do Cty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan là chủ đầu tư với số vốn giai đoạn 1 là 9,9 tỉ USD
Trong kết luận của TTCP mới đây đã chỉ ra sai phạm của Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho Cty Formosa, khi chưa được Chính phủ chấp thuận (Luật Đầu tư 2005 chỉ cho phép tỉnh cấp 50 năm). UBND tỉnh Hà Tĩnh thì dẫn chiếu Luật Đất đai 2003 để nói rằng tỉnh đã làm đúng luật.
Mỗi bên một lý
Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (viết tắt là dự án Formosa) do Cty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan (viết tắt là Cty Formosa) làm chủ đầu tư. Theo kết luận thanh tra, tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 thì thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm.
“Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, TTCP chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm. Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động củadự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến Quốc phòng và an ninh) cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động động dự án sau đầu tư”– kết luận thanh tra chỉ ra.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, mặc dù đã nhiều lần giải trình về nội dung này, nhưng TTCP đã không tiếp thu. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng cần phải có ý kiến trong văn bản của Chính phủ là “cho phép về thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm”. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đây là một quan điểm máy móc.
Tỉnh Hà Tĩnh đã dẫn chiếu, theo quy định tại khoản 3, điều 67 Luật Đất đai 2003, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam “được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm”.
Khoản 3, điều 86, Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 cũng quy định:“Ban quản lý khu kinh tế được giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế là không quá 70 năm”.
Căn cứ vào các điều khoản này, xét bối cảnh dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa có vốn đầu tư lớn, đầu tư vào địa bàn khó khăn và sử dụng nhiều lao động, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc cấp phép 70 năm là không trái các quy định pháp luật, cũng như phù hợp với tình hình thực tế.
Chính phủ quyết
Hộp chỉ chứa chữ. Màu nền, viền, kiểu dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi. |
Mới đây, khi trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, cơ quan này đã tham mưu để Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng thống nhất với kết luận về sai phạm trong việc cấp phép tới 70 năm cho dự án Formosa, nhưng đồng ý bảo lưu thời hạn đã cấp phép này.
Theo ông Nên, sau khi cuộc thanh tra tại Khu kinh tế Vũng Áng kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo sau đó tham mưu cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký 2 công văn, nội dung là hoan nghênh tinh thần làm việc một cách khách quan của TTCP. Theo đó, Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các công việc theo kết luận của thanh tra. Điều đó có nghĩa là Thủ tướng thống nhất cơ bản với những kết luận TTCP đưa ra. Thủ tướng cũng đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc phát hiện trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu” nóng vội, chủ quan và duy ý chí. Tuy vậy, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ KH-ĐT về việc duy trì thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này là 70 năm. Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về việc thực hiện các chính sách theo đúng quy định của pháp luật về thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà đầu tư này.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng khẳng định các sai phạm khác của dự án như chỉ định thầu bất thường với dự án hệ thống cấp nước tại Vũng Áng… đúng như kết luận của TTCP. Nhưng quá trình thanh tra phải đánh giá trên cơ sở các căn cứ pháp luật, điều quan trọng là xem việc đó có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của dự án đó không. Hiện nay Chính phủ có chủ trương bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi các dự án đó vì đời sống, công ăn việc làm cho người dân địa phương.
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên VIAC: Trông đợi vào một quyết định rõ ràng Vụ việc trên tạo ra hai tiền lệ phải xử lý. Thứ nhất về mặt pháp lý, luật pháp có độ vênh giữa hai luật, địa phương có quyền hiểu theo cách của địa phương, trung ương (Thanh tra Chính phủ) có thể hiểu theo cách của trung ương. Nếu như không có một hướng dẫn cụ thể nào thì cả hai bên đều có quyền bảo vệ quan điểm của mình. Do lỗi từ hệ thống pháp luật thì khó có thể xử sai cho đơn vị thực thi vì như vậy họ sẽ bị oan. Tuy nhiên, tiền lệ trong việc xử lý độ vênh của pháp luật mới là điều đáng phải bàn hơn cả. Khi có sự tranh cãi giữa hai bên địa phương và TTCP thì mọi sự quan tâm sẽ được trông đợi vào kết luận của Chính phủ. Chính phủ cần có một thông điệp rõ ràng ai đúng, ai sai. Nếu lỗi ở pháp luật vênh nhau thì kiến nghị để Quốc hội sửa đổi cho thống nhất luật. Trong khi chưa thống nhất các luật thì phải xử lý theo hướng dẫn của một văn bản mang tính pháp lý. Một quyết định rõ ràng sẽ khiến dư luận và các bên không hoang mang. Tiếp đó, Chính phủ nhanh chóng soạn thảo văn bản để trình Quốc hội thông qua để sửa lỗi chưa thống nhất nói trên. |
Bá Tú
————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 14-3-2015:
http://dddn.com.vn/phap-luat/luat-venh–giai-quyet-cach-nao-2015031204111411.htm
(262/1.493)