(ANTT) – Lợi dụng quy định lỏng lẻo cũng như công tác thẩm định, giám sát thiếu chặt chẽ của các ngân hàng, không ít đối tượng đã “mượn danh” đơn vị chấp nhận thẻ để đi “rút tiền thuê”.
“Sinh kế” mới: Dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng
Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có trên 79 triệu thẻ (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước) do 52 tổ chức phát hành, cùng với đó, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là 15.931 máy. Như vậy, so với con số thống kê trên 76 triệu thẻ các loại (gần 70 triệu thẻ ghi nợ, hơn 3 triệu thẻ tín dụng và 3,2 triệu thẻ trả trước) vào cuối quý III, thì chỉ trong 2 tháng 10 và 11 của năm 2014, số lượng thẻ đã “phình” thêm gần 3 triệu chiếc. Đáng chú ý, theo một thống kê của Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia (Banknetvn), chỉ có 50% tổng số thẻ thực tế hoạt động trong gần 80 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành.
Số lượng thẻ ngân hàng tăng trưởng chóng mặt, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đa dạng hóa nhưng rõ ràng thói quen sử dụng tiền mặt trong dẫn vẫn chưa có nhiều cải biến, khi mà theo các thống kê 80% các giao dịch trên ATM vẫn chỉ đơn thuần là để “rút tiền”. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt qua ATM thường gia tăng mạnh, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng
Tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có tổng cộng 167.943 máy POS
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích nhiều chiều cho cả đơn vị chấp nhận thẻ cũng như khách hàngthì “ẩn tàng” trong mỗi chiếc máy POS hiện đại, thuận tiện, đơn giản và nhanh chóng là không ít những nguy cơ.
Theo tìm hiểu của phóng viên ANTT.VN , hiện nay, đại đa số các ngân hàng đều yêu cầu một kiều kiện lắp đặt máy POS khá đơn giản. Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có địa điểm kinh doanh và đăng ký kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam đều có thể đăng ký làm đơn vị chấp nhận thẻ; và mỗi đơn vị chấp nhận thẻ cũng chỉ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ cực kỳ “giản tiện” bao gồm: bản sao Giấy đăng ký kinh doanh, bản sao giấy tờ tùy thân (CMTND, hộ chiếu, hộ khẩu) của chủ đơn vị chấp nhận thẻ.
Với những điều kiện và thủ tục rất “thoáng” nêu trên, ngoài việc giúp máy POS nhanh chóng phủ rộng từ trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng đến các tiệm tạp hóa, cửa hàng, hộ kinh doanh thì phương tiện chấp nhận thanh toán hiện đại ấy cũng mở ra một “sinh kế” mới: Dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng. Thế nhưng tại sao lại có dịch vụ “rút tiền qua thẻ tín dụng”?
Tiểu xảo công khai
Về mặt nguyên tắc, POS (Point of Sale) là các máy chấp nhận thanh toán thẻ, tức là chỉ được sử dụng để thanh toán trong các giao dịch mua bán hàng hóa chứ hoàn toàn không phải là một điểm rút tiền mặt hợp pháp khi mà chỉ có ngân hàng hoặc các đơn vị được cấp phép thực hiện rút tiền mặt tại quầy mới được cung cấp dịch vụ này.
Tuy nhiên, trên thực tế, lợi dụng quy định lỏng lẻo cũng như công tác thẩm định, giám sát thiếu sát sao của các ngân hàng, không ít đối tượng đã “mượn danh” đơn vị chấp nhận thẻ để đi “rút tiền thuê”.
Lách vào các “điểm khó” của việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua các quầy giao dịch hoặc cây ATM như: phí rút tiền cao (4% giá trị tính trên tổng số tiền rút), bị tính lãi ngay tại thời điểm rút tiền (lãi suất khá cao, có thể lên đến 25%/năm), số tiền rút bị hạn chế (một tháng chỉ rút được 50% giá trị hạn mức thẻ, một ngày rút không quá 7-10 triệu), bị nhân viên ngân hàng liên lạc xác minh, giám sát nếu rút số lượng lớn…; thông qua việc lập “khống” giao dịch hàng hóa (khối lượng lớn, giá trị cao), các đối tượng “rút tiền thuê” có thể ứng cấp cho chủ thẻ toàn bộ giá trị hạn mức thẻ ngay lập tức dưới dạng tiền mặt (đơn vị chấp nhận thẻ cũng sẽ được ngân hàng lắp POS chuyển thanh toán trong ngày) với chi phí thấp hơn rất nhiều so với phí rút tiền tại cây ATM, đồng thời, khoản tiền rút (hệ thống ghi nhận là khoản thanh toán mua hàng) sẽ không bị tính lãi cho đến ngày thanh toán cuối cùng (thường là 45 ngày).
Trong vai một người muốn rút tiền từ thẻ tín dụng, phóng viên ANTT.VN đã liên lạc với một người đàn ông tên Thủy qua số điện thoại 01235046xxx để tìm hiểu, theo đó, người đàn ông này chào giá “rút tiền thuê” đối với các khoản rút từ 10-30.000.000 đồng là 3%, từ 30-100.000.000 đồng là 2,8%, từ 100.000.000 đồng trở lên là 2,5%; đồng thời, “mời” phóng viên qua một địa chỉ trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) để tiến hành giao dịch.
Không chỉ có vậy, người đàn ông này còn sẵn sàng cung cấp cả dịch vụ đáo nợ thẻ tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, cụ thể: “Đến ngày đến hạn phải nộp tiền vào ngân hàng, bạn mang thẻ qua chỗ chúng tôi, bạn sẽ được chi trước khoản tiền để bạn trả vào ngân hàng, việc này tránh cho bạn phải chịu lãi cao từ ngân hàng khi bạn chưa có ngay tiền để nộp. Phí là 3%”.
So sánh với mức phí quy định cho hoạt động thanh toán qua POS mà phần đông các ngân hàng đang áp dụng hiện nay là 2% thì với mỗi 1.000.000 đồng “rút thuê”, các đối tượng sẽ được hưởng lợi từ 5-10.000 đồng.
Những nguy cơ “ẩn tàng”
Chia sẻ với ANTT.VN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, trong trường hợp trên chủ thẻ và các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đã không thực hiện đúng điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng sử dụng thẻ cũng như quy định sử dụng POS.
“Với việc ghi nhận khống việc bán hàng, các điểm POS rõ ràng đã vi phạm Luật Kế toán. Cùng với đó là một khả năng rất lớn về gian lận trong việc nộp thuế, vì nếu ghi nhận đúng việc bán hàng, kể cả việc bán khống, thì sẽ phải liên quan đến việc nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ có không nộp hoặc chỉ nộp một phần, nên họ mới dễ dàng chấp nhận việc bán khống như vậy” vị Luật sư nhiều năm đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại các Ngân hàng thương mại nhận định.
Bên cạnh đó, theo một cán bộ ngân hàng nhiều thâm niên thì hiện nay trên thị trường có không ít những đối tượng đã và đang lợi dụng khe hở quy trình cũng như sự thiếu trách nhiệm của một số nhân viên quan hệ khách hàng để giả mạo hồ sơ, mở hàng loạt thẻ tín dụng hạn mức cao tại nhiều ngân hàng khác nhau và lách qua các POS “trá hình” rút tiền mặt số lượng lớn.
Thử hình dung, trong một giai đoạn mà các tổ chức tín dụng đang đua nhau “bành trướng” thị phần, chỉ tiêu doanh số khủng khiếp thường trực “áp” chặt lên mỗi nhân viên và khi mà mỗi khách hàng “hồ sơ đẹp” luôn là đối tượng được cả đống ngân hàng o bế như hiện nay thì việc một khách hàng sở hữu tới cả chục thẻ tín dụng hạn mức cả trăm triệu đồng mỗi thẻ đang là chuyện không hề hiếm. Nếu chủ thẻ đó là một người tốt và có trách nhiệm với từng khoản chi, vay của mình thì không có gì để nói nhưng ngược lại, nếu khách hàng “sộp” đó lại có dụng tâm không tốt thì rõ ràng nguy cơ nợ xấu lên đến cả tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng là nhãn tiền.
Thậm chí, một chủ thẻ chân chính với điều kiện rút tiền quá dễ dàng qua POS trá hình như hiện nay cũng “tiềm tàng” khả năng không nhỏ để trở thành chủ nhân của một khoản nợ dưới tiêu chuẩn bởi thu nhập tương lai luôn ẩn chứa những bất thường.
Gõ cụm từ “rut tien the tin dung”, trong vòng 0,27 giây công cụ tìm kiếm google đã cho ra 175.000 kết quả , trong đó đa phần là các trang chào mời dịch vụ “rút tiền thuê” được làm SEO cẩn thận cũng như đăng ký quảng cáo dài ngày để thu hút khách hàng, không ít trang còn kiêm luôn cả việc mở thẻ cho những người có nhu cầu. Đó là chưa kể tới việc, rút tiền mặt qua POS trá hình chắc chắn cũng tiềm ẩn không ít những nguy cơ khác như bảo mật thông tin cá nhân, đánh cắp tài khoản, làm giả thẻ rút tiền bất hợp pháp…
Rõ ràng câu chuyện “cà” thẻ thanh toán qua các Point of Sale chẳng hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ!
N.G
—————
An ninh Tiền tệ (Tài chính – Ngân hàng) 26-01-2015:
http://antt.vn/nguy-co-an-tang-trong-nhung-may-pos-tra-hinh-016405.html
(187/1.787)