(HHNH) – Ngày 3/2/2015 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý “Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)”.
Tham dự hội thảo có TS Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và đại diện các tổ chức hội viên Hiệp hội trên địa bàn…
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh: Qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), đến nay vẫn còn một số vấn đề đang tranh luận liên quan đến hoạt động ngân hàng, như: hộ gia đình, tổ hợp tác, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản… cần các đại biểu tham gia ý kiến để HHNH tổng hợp và báo cáo.
Được biết, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tại điều 491 quy định: “lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hơn 20 năm trước, khi lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng là khoảng 30 – 60%/năm, thì Bộ luật Dân sự năm 1995 đã quy định, lãi suất cho vay bên ngoài ngân hàng không quá 150% mức đó, tức là khoảng 45% – 90%/năm.
Bộ luật Dân sự năm 2005 đã sửa quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Theo đó từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay không được quá 13,5%/năm. Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, hợp tác xã tín dụng,…) thì lại không bị giới hạn (trừ vài lĩnh vực áp dụng lãi suất ưu đãi). Trên thực tế, mấy năm nay, lãi suất ngân hàng có khi lên đến 30 – 40%, thậm chí 60 – 70%/năm hoặc cao hơn cũng vẫn hợp pháp. Như vậy, lãi suất cho vay phi ngân hàng từ chỗ được phép bằng gấp rưỡi, thì lại bị hạ xuống thấp hơn nhiều so với mức trần lãi suất của ngân hàng.
Khoản 3, Điều 491 về “Lãi suất”, Dự thảo Bộ luật dân sự đã nâng giới hạn từ 150% nói trên lên 200%, nhưng vẫn không hợp lý. Vì như vậy thì từ năm 2010 đến nay, lãi suất cho vay cao nhất cũng không được vượt quá 18%/năm (bằng với mức lãi chậm nộp thuế theo Luật Quản lý thuế), trong khi trên thực tế, giao dịch vay tiền của các tổ chức kinh tế và cá nhân với nhau cao hơn mức này rất nhiều vẫn là hoàn toàn bình thường và rất hợp lý.
Nếu quy định như vậy, thì mức lãi suất cho vay thực tế thông thường trên cả thị trường ngân hàng và phi ngân hàng mấy chục năm nay phần lớn đều trái luật.
Ông Đức nhấn mạnh cả Bộ luật Dân sự hiện hành và Dự thảo Bộ luật đang được lấy ý kiến nhân dân đều chưa xác lập được các mức trần lãi suất trong hạn và quá hạn một cách hợp lý, phù hợp với thực tế, bảo đảm sự công bằng giữa các tổ chức tín dụng và các đối tượng khác.
—————–
Hiệp hội Ngân hàng (Tài chính – Ngân hàng) 04-01-2015:
(416/721)