657. Vụ gửi tiền nhưng không rút được: Trách nhiệm Agribank ở đâu?

(TT) – Ông Dương Thanh Nghị gửi 400.000 euro tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Q.1, TP.HCM). Vì quá tin tưởng “người của ngân hàng” mà ông Nghị không rút được tiền…

Sổ tiết kiệm của ông Nghị của Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi – Ảnh: Gia Minh

Trong tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp một người dân gửi tiền tiết kiệm mà không rút được tiền.

Theo chia sẻ từ ông  Dương Thanh Nghị, người gửi 400.000 euro vào ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, ông đã đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.

Ông Nghị viết như sau:

Tháng 12-2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, tôi tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư…

Khi tôi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi – là người thường xuyên liên lạc với tôi,  thuyết phục tôi gửi tiền tại ngân hàng) và nhân viên đưa cho tôi ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng – theo lời ông Quang là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền cho tôi đỡ mất thời gian.

Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần ông Quang cũng đề nghị như vậy, tôi không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này tôi cũng ký.

Hoàn tất mọi thủ tục, ông Quang đưa cho tôi sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân tôi cũng như số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, tôi còn đề nghị ông Quang chứng minh cho tôi thấy số tiền 400.000 euro mang tên tôi có trong hệ thống ngân hàng và ông Quang đã mở phần mềm cho tôi xem, tôi thấy đầy đủ thông tin nên tôi yên tâm…

Ngày 5-2-2015, phía Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi có một văn bản gửi cho tôi, nội dung thông báo: “Số sổ AM…713 đứng tên ông Dương Thanh Nghị, số tài khoản …906, số tiền 400.000 euro đang được cầm cố thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi để vay số tiền 10,4 tỉ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra…”.

Ông Bùi Khắc Trung (trưởng phòng kiểm soát nội bộ, Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi):

Tôi xác nhận rằng cuốn sổ ông Nghị giữ đúng là do Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi phát hành. Tuy nhiên, các phôi sổ tiết kiệm là phôi in sẵn, ký khống, do ai đó đã in hai cuốn sổ khác nhau, một sổ giao cho ông Nghị, một sổ dùng thế chấp vay tiền…

GIA MINH ghi

Theo trả lời của đại diện Ngân hàng thì có thể hiểu rằng sổ tiết kiệm ngân hàng giao cho ông Nghị đang lưu giữ là sổ chưa được thế chấp vay tiền, một cuốn sổ khác được mang ra thế chấp vay tiền.

Hàng ngàn bạn đọc băn khoăn về quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo như thế nào khi gửi tiền vào ngân hàng, đặc biệt khi gặp phải trường hợp nêu trên?

Sổ tiết kiệm là bằng chứng chứng minh ngân hàng đã nhận tiền gửi

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Giám đốc Câu lạc bộ pháp chế (Hiệp hội ngân hàng):

Người dân vẫn có thể yên tâm hoàn toàn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nếu lựa chọn đây là kênh đầu tư. Pháp luật hiện hành bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền rất chặt chẽ và quy định trách nhiệm của cả hai bên là người gửi tiền và tổ chức nhận tiền.

Cụ thể, trong Quyết định về quy chế tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng nhà nước quy định tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm (Ngân hàng -PV) phải thanh toán tiền gốc, lãi tiền gửi tiết kiệm đúng hạn và đầy đủ. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

Khi đến giao dịch gửi tiền tiết kiệm tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, khách hàng bình thường không thể biết và không cần biết nhân viên ngân hàng làm gì. Bởi các quy trình nghiệp vụ của ngân hàng, khách hàng là người dân bình thường làm sao biết được. Quan trọng nhất là người gửi tiền đã giao dịch với người có thẩm quyền của ngân hàng.

Người gửi tiền chỉ cần phải lưu ý khi nhận sổ tiết kiệm từ nhân viên ngân hàng là việc phải xem lại ngay những thông tin như số tiền gửi, thời hạn gửi tiền, tên người gửi…

Khi đi rút tiền, người gửi tiền chỉ cần chứng minh được số tiền mình đã gửi bằng quyển sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Đương nhiên ngân hàng phải có trách nhiệm thanh toán số tiền gốc và tiền lãi cho người gửi.

Còn trường hợp người gửi tiền mang sổ tiết kiệm đến mà lại không rút được tiền do đã bị thế chấp thì đặt câu hỏi quy trình kiểm soát nghiệp vụ trong nội bộ của ngân hàng như thế nào?

Ngân hàng không phải là cái chợ mà Ban quản lý chợ không biết các nhân viên làm sai hay đúng quy định.

Nếu nói một Ban quản lý chợ dân sinh phải biết và xử lý được người này bán gian, người kia cân thiếu thì hơi viển vông. Nhưng hoạt động ngân hàng thì khác hoàn toàn, không thể một ai đó trà trộn vào để có thể làm bậy, rút tiền của người gửi ngoại trừ có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng.

LÊ THANH

————

Tuổi trẻ (Kinh tế) 17-3-2015:

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150317/trach-nhiem-agribank-o-dau-vu-gui-tien-nhung-khong-rut-duoc/721595.html

(423/1.035)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,427