(VOV.vn) – Giới chuyên gia, những người am hiểu về luật lo ngại rằng tịch thu tài sản công dân là chưa phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tăng mức xử phạt lên cao nhất là tịch thu phương tiện đối với các trường hợp với lái xe say rượu, đi xe máy trên đường cao tốc… vẫn đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Theo thống kê của nhiều trang báo điện tử cho thấy, đa số ý kiến của độc giả thể hiện sự băn khoăn, không đồng tình với đề xuất này, dù đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích. Ngay cả giới chuyên gia, những người am hiểu về luật pháp cũng lo ngại rằng, tịch thu phương tiện – tài sản của công dân như đề xuất là chưa phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Tịch thu phương tiện của lái xe say rượu liệu có phù hợp với pháp luật? (Ảnh: Việt Cường)
Xe là tài sản công dân, tài sản hợp pháp đã được luật pháp bảo hộ. Vì vậy, tịch thu phương tiện giao thông là tài sản của công dân cần phải được bàn luận, xem xét ở góc độ pháp luật. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích, theo luật, chỉ có thể tịch thu tài sản khi chủ sở hữu gây hậu quả nghiêm trọng. Người lái xe vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì không được tịch thu phương tiện.
Ông Bùi Danh Liên cho biết: “Vấn đề chúng tôi không tán thành vì liên quan đến pháp luật. Phương tiện xe máy, ô tô là phương tiện đã được Hiến pháp và Luật Dân sự bảo hộ bằng đăng ký, có đóng lệ phí để xác định quyền sở hữu của người ta. Quyền sở hữu đó là bất khả xâm phạm, trừ trường hợp tài sản đó hình thành từ việc làm ăn phi pháp hoặc gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể đi đến tịch thu”.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, theo pháp luật hiện hành, khi phạm tội hình sự cũng chỉ tịch thu tài sản của người phạm tội, còn tài sản của chủ sở hữu khác không được phép tịch thu. Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội là quan trọng, nhưng cần trên nguyên tắc cơ bản là phải bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của người dân.
Bên cạnh lo ngại trái luật, nhiều ý kiến cho rằng, xử lý thế nào khi người vi phạm không phải là chủ phương tiện mà do thuê, mượn xe, mua xe nhưng chưa chuyển nhượng giấy tờ, hay xe của cơ quan Nhà nước. Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Hiện trường một vụ tai nạn do tài xế say xỉn. (Ảnh: Việt Cường)
Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước”. Theo Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội, mặc dù quy định này có nói đến tịch thu, nhưng cũng chưa thật rõ thế nào là sử dụng trái phép và thế nào là cố ý để người khác sử dụng?
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết: “Điều 126 đã giải quyết tuy nhiên chưa rõ, ví dụ thế nào là sử dụng trái phép, thế nào là cố ý để người khác sử dụng, câu chuyện này cần phải nói rõ hơn vì có người vô ý thì sao? Còn những trường hợp phương tiện được mượn, thuê, thế chấp bị xử lý như thế nào? Đặc biệt trong vấn đề thế chấp, người chủ phương tiện – người vi phạm vẫn đứng tên nhưng mà đang thế chấp ngân hàng thì giải quyết thế nào? Về cơ bản, nội dung đề nghị tịch thu phương tiện không trái Bộ luật Dân sự, không khác biệt Bộ luật Hình sự, nhưng cần cân nhắc có phù hợp với Hiến pháp 2013 hay không. Vấn đề này tôi thấy cũng bế tắc. Có lẽ là Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nên cho ý kiến”.
Cũng không đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện, Luật sư Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp nêu quan điểm, khi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật, cần cân nhắc lợi chỗ nào, hại chỗ nào. Nếu chỉ lấy các con số bao nhiều người chết vì tai nạn giao thông, bao nhiêu trường hợp uống rượu bia gây tai nạn… thì không đủ sức thuyết phục cho đề xuất tịch thu phương tiện.
Bởi chưa biết hiệu quả hạn chế tình trạng uống rượu bia khi lái xe đến đâu, nhưng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, khó xử lý, người dân lại không đồng thuận thì tính khả thi không cao. Bên cạnh việc xem xét đề xuất đó có phù hợp với pháp luật hiện hành hay không.
Luật sư Phan Hữu Thư nhấn mạnh: “Tịch thu 1 cái xe 30 tỷ với 1 cái xe công nông 2 triệu, cũng là phương tiện vi phạm hành chính thôi, thế thì có công bằng không? Tính công bằng ở đây bao gồm cả tính hợp lý của vấn đề nữa. Giả sử như một anh lái xe, trong trường hợp chủ phương tiện của phương tiện 30 tỷ đó không có lỗi, mà anh lái xe có lỗi, tịch thu phương tiện của chủ phương tiện, sau đó anh lái xe gây vi phạm phải bồi thường. Một người chỉ đi làm công thì lấy đâu ra 30 tỷ đề bồi thường”
Như vậy, đề xuất tịch thu phương tiện liệu có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn cuộc sống hay không là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ trước khi quyết định ban hành chính thức. Trong khi đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng mức xử phạt để có sức răn đe, hợp tình, hợp lý và có tính khả thi trong điều kiện thực tế./.
Lưu Huyền/VOV
———————-
VOV.vn (Đời sống) 17-3-2015:
http://vov.vn/doi-song/nhieu-chuyen-gia-phan-bac-de-xuat-tich-thu-phuong-tien-giao-thong-388791.vov
(82/1.216)