661. Lãi như ‘tín dụng đen’: Đua nhau cho vay chặt chém

(VNN) –  Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn, lãi suất chặt chém, mang lại lợi nhuận cao khiến nhiều ngân hàng tìm cách nhảy vào lãnh địa này để tìm kiếm lợi nhuận khủng.

Miếng bánh 10 tỷ đô

Tại Việt Nam, tín dụng tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, dịch vụ này được dự báo ngày càng phát triển mạnh do nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao. Ước tính, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) trong thời gian tới.

Đây chính là miếng bánh mà nhiều DN và NH đang tập trung kiếm lợi. Hiện tại, trên thị trường có khoảng 20 công ty tài chính đang hoạt động như: PPF (Home Credit), Prudential VN, HDFinance, FE Credit… Những công ty đang “phủ sóng” tới hàng nghìn cửa hàng bán xe máy, các siêu thị điện máy… trên cả nước để cho vay tiêu dùng.

Mới đây, NHNN đã chấp thuận chủ trương cho Maritime Bank mua lại Công ty tài chính Dệt may, Công ty tài chính Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và Techcombank mua lại công ty tài chính Hóa Chất, VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF)… nhằm tấn công mạnh hơn vào phân khúc tín dụng cá nhân,cho vay tiêu dùng.

Việc ra đời các công ty tài chính và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đã lấp đầy khoảng trống nhu cầu vay tiêu dùng mà NH bỏ ngỏ. Các công ty này đang cho vay những khách hàng không đủ điều kiện để vay NH. Thông thường, những khách hàng chỉ có thể vay mượn người thân, hoặc tham gia “tín dụng đen”. Nay công ty tài chính phát triển, các đối tượng này có cơ hội vay vốn và thị trường vốn dần được minh bạch hóa.

Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn, lãi suất chặt chém, mang lại lợi nhuận cao

Đặc biệt, vay tiêu dùng qua công ty tài chính có thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có giấy tờ tùy thân, đi làm hưởng lương, hoặc tự kinh doanh… đều có thể được vay. Theo đó, một người có việc làm thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, có thể được vay tối đa tới 500 triệu đồng trong thời gian 60 tháng. Với nhiều người có nhu cầu vay tiền mà không thể tiếp vốn ngân hàng thì có thể dễ dàng vay từ các công ty tài chính.

Điều này đang giúp cho một lượng lớn người có nhu cầu vay tiền tiếp cận tín dụng minh bạch. Đồng thời, nó giúp đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Tuy nhiên, vớ lãi suất cho vay cao tới gần 100%, gấp 10 lần lãi suất NH đang khiến nhiều người cho rằng các công ty tài chính cho vay cũng không khác “tín dụng đen” là bao.

Trên thực tế, có công ty cho khách hàng vay với lãi suất mức 0,9%/tháng, tính theo dư nợ ban đầu, hoặc 1,75%/tháng, theo dư nợ giảm dần, tương đương với khoảng 21%/năm. Nhưng rất ít khách hàng có thể vay được với lãi suất này. Phải là những khách hàng có khả năng trả nợ cao, rủi ro khoản vay thấp. Còn như đã nói, vay tín chấp chủ yếu là người có công việc không ổn định, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được khả năng trả nợ dài hạn, nên hầu hết phải chịu mức lãi suất rất cao.

Lãi khủng như tín dụng đen?

Áp mức lãi suất cao hàng đầu trên thị trường hiện nay có khi lên đến 70% đến trên 80%/năm.và rất nhiều khoản lên tới 60%.

Nhiều ngân hàng tìm cách nhảy vào lãnh địa vay tiêu dùng để tìm kiếm lợi nhuận khủng.

Lý giải về cho vay lãi suất cao, đại diện một công ty tài chính cho biết, vì chi phí huy động vốn vô cùng đắt đỏ. Khác với ngân hàng, các công ty tài chính không được huy động lãi suất 7-8% từ dân cư, nguồn vốn sử dụng chủ yếu vay lại từ các nhà băng trong nước và thế giới. Hơn nữa vì cho vay tín chấp, các khoản vay không lớn, chỉ từ 20-40 triệu đồng nên chi phí bộ máy và thủ tục khá tốn kém và cồng kềnh. Công ty tài chính vẫn phải trích lập dự phòng các khoản cho vay như ngân hàng. Nên buộc phải cho vay cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia và luật sư vẫn gọi mức lãi suất từ 50%/năm trở lên là phản cảm. Cao như vậy chẳng khác nào đi vay lãi ngày. Tính theo cách tính của “tín dụng đen” thì chi phí vay cũng khoảng 1.500- 2.000 đồng/ngày trên một triệu đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI gọi đây là mức lãi “kinh khủng”, bởi nó gấp cả chục lần lãi cho vay của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Đức, quy định trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 rằng họ có thể tự thỏa thuận lãi suất, nên chẳng thể làm gì được cho dù có bất bình.

Cũng vì có ít công ty tham gia trong khi nhu cầu thị trường lớn, nên chỉ trong thời gian ngắn, các công ty tài chính đã chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Các công ty tài chính cho biết, hiện có hàng nghìn khách hàng mới ký hợp đồng vay vốn mỗi tháng. Hầu hết các công ty đều có từ 300.000 khách hàng trở lên, thậm chí có công ty hiện có tới 1,5 triệu khách hàng.

Dù hoạt động trên thị trường “ngách” với các khoản vay nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng do áp dụng mức lãi suất “trên trời”, lợi nhuận thu về của một số công ty tài chính “ăn đứt” nhiều ngân hàng bề thế. Dù rất hiếm các công ty tài chính công bố lợi nhuận nhưng con số ngàn tỷ đã được nhắc đến.

Mặc dù nợ xấu của các công ty tài chính khá cao, đều ở mức trên 5%, thậm chí có công ty tới 30%, nhưng không có chuyện các DN này thua lỗ. Nhận định từ giới tài chính cho rằng, cho vay tiêu dùng, lợi nhuận hiện nay thấp nhất cũng ở mức 8-10%/năm, còn lại đều rất cao, không có nghề kinh doanh nào lại phát sinh tỷ suất lợi nhuận cao như vậy.

Trần Thủy

————

Vietnamnet (Kinh tế) 19-3-2015:

http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/226352/lai-nhu–tin-dung-den—dua-nhau-cho-vay-chat-chem.html

(68/1.131)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426