662. Luật sư: Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

(CFF) – Việc Ngân hàng VPBank tiến hành thu giữ tài sản thế chấp của khách hàng tại Trung Hòa, Hà Nội đang trở thành đề tài rất “nóng”.

Chúng tôi đã phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam – VIAC) về vấn đề này.

Xin Luật sư cho biết những quy định pháp luật hiện hành để Ngân hàng có thể tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng nhằm xử lý nợ xấu?

Theo Điều 63 “Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý” của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm thì: “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”

Việc này cũng đã được hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng tại thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/06/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Liệu Ngân hàng có quyền được tự mình tiến hành việc thu giữ tài sản mà không thông qua việc khởi kiện tại Tòa án hay không thưa Luật sư?

Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã cho phép Ngân hàng với tư cách là Bên nhận bảo đảm được lựa chọn các phương thức xử lý tài sản bảo đảm phù hợp để xử lý thu hồi nợ.

Trong số các phương thức được pháp luật cho phép, Ngân hàng hoàn toàn có quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm và tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ mà không cần thông qua thủ tục khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm, Ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho Bên bảo đảm và Ủy ban nhân dân cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.

Một số ý kiến cho rằng, Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ xấu có thể xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Hiến Pháp. Ý kiến của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Khi đã tự nguyện dùng tài sản thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ nhất định, thì chủ sở hữu đã chấp nhận hạn chế quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó.

Nếu đã làm đúng trình tự, thủ tục thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật thì Ngân hàng không vi phạm quy định đối với việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC)

Các Ngân hàng đang kêu ca là “con nợ được pháp luật hiện hành nuông chiều”? Ý kiến của luật sư về nhận định này?

Các quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm hiện còn nhiều vướng mắc, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của phía chủ nợ nói chung, của các Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt, trình tự, thủ tục khởi kiện, xét xử và thi hành án dân sự quá phức tạp và kéo dài.

Điều đó đã dấn đến những hậu quả rất tai hại cho xã hội, cho các giao dịch tài sản. Vô hình trung pháp luật đã khuyến khích hành vi bội ước, chây ỳ, không tôn trọng pháp luật và cam kết, không thực hiện nghĩa vụ đã tự nguyện thỏa thuận. Thậm chí trong nhiều trường hợp, càng cố thủ, kéo dài thời hạn trả nợ càng tốt…

Luật sư đánh giá thế nào về vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan Công an trong việc hỗ trợ Ngân hàng xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay?

Khoản 5, điều 63 của Nghị đinh số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm đã quy định rõ: “Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

Việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp xử lý nợ xấu để ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng, nếu chính quyền địa phương và Cơ quan Công an thật sự vào cuộc thì kết quả xử lý nợ xấu sẽ chuyển biến rõ rệt

Theo Luật sư, để các Ngân hàng có thể mạnh tay xử lý nợ xấu, đánh tan “cục máu đông” của nền kinh tế, cần phải hoàn thiện và thực thi pháp luật như thế nào?

Theo tôi, cần phải sớm hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, đơn giản và nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm. Và quan trọng nhất là luật phải đặt ra các chế tài trách nhiệm và kinh tế để định hướng hành vi ứng xử của con nợ, càng xử lý tài sản nhanh càng có lợi thay vì ngược lại.

Việc xử lý nợ xấu hiệu quả đòi hỏi sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy việc xử lý tài sản bảo đảm là hoạt động phục vụ kinh doanh của Ngân hàng, nhưng nó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế nên cần phải hết sức được quan tâm. Không chỉ Ngân hàng chịu hậu quả của nợ xấu mà cả nền kinh tế cũng đang phải trả giá.

Lâu nay, việc xử lý nợ nói riêng, xử lý tài sản bảo đảm nói chung còn phụ thuộc quá nhiều vào sự thiện chí của người có tài sản bảo đảm và con nợ. Thậm chí pháp luật hiện hành còn gọi người mắc nợ là “khách nợ”?!? Bao giờ pháp luật còn thiên lệch nhiều về phía bảo vệ người vi phạm cam kết, không thiện chí trả nợ, còn coi “con nợ” là “khách nợ” thù chủ nợ còn tiếp tục “bó tay”, Ngân hàng còn “đứng cho vay, quỳ thu nợ”

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!

—————

CafeF (Tài chính – Ngân hàng) 19-3-2015:

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/luat-su-ngan-hang-co-quyen-thu-giu-tai-san-bao-dam-de-thu-hoi-no-20150319222149932.chn

(1.375/1.375)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,793