66a. Trao đổi về bài “Cầm cố tài sản – Một biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ”.

Trao đổi về bài “Cầm cố tài sản – Một biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ”.

(NN&PL) – Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2-2003 có đăng bài “Cầm cố tài sản – một biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ” của NCV Dương Quỳnh Hoa. Do Tác giả bài viết “Rất mong nhận được sự trao đổi về vấn đề này”, nên tôi xin trao đổi về một số nội dung không đồng tình, nhất là đối với các kiến nghị của tác giả như sau:
  1. Tác giả bài viết cho rằng “phương thức cầm cố có chuyển giao tài sản hầu như không được thực hiện hoặc được thực hiện rất ít trên thực tế” và “trên thực tế không thể thực hiện được việc cầm cố mà bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ, ngay cả trong khi điều kiện môi trường pháp lý về sở hữu tài sản đã hoàn thiện”. Theo tôi, đây là một nhận định hết sức chủ quan, thiếu thực tế và thiếu lô-gíc vì:

Thứ nhất: Trên thực tế, hầu hết việc cầm cố đều gắn liền với việc bàn giao tài sản cho bên nhận cầm cố (hoặc gửi bên thứ ba). Nguyên tắc cầm cố tài sản khác cơ bản với với thế chấp là phải chuyển giao tài sản, còn việc không chuyển giao tài sản chỉ là ngoại tệ (đối với nếu tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc trường hợp các Ngân hàng được phép nhận cầm cố dây chuyền máy móc thiết bị của doanh nghiệp). Nếu thực tế bên cầm cố “hầu như” và “không thể” giao tài sản cho bên nhận cầm cố như y kiến của tác giả, thì đã không tồn tại hàng vạn cửa hàng cầm đồ lâu nay, vì họ không bao giờ cho vay cầm đồ bằng “tín chấp”?!

Thứ hai: Nếu như “điều kiện môi trường pháp lý về sở hữu tài sản” chưa hoàn thiện, thì việc bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố càng cần thiết và càng có ý nghĩa thực tế. Còn nếu như “điều kiện môi trường pháp lý về sở hữu tài sản đã hoàn thiện” thì càng thuận lợi hơn cho việc bên cầm cố giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ.

  1. Tác giả bài viết đề nghị: “sửa đổi các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế về phương thức cầm cố, vì theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì bên cầm cố bắt buộc phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố, việc quy định như vậy là trái với BLDS”. Theo tôi, đây là một đề nghị thiếu chính xác, không thực tế vì:

Thứ nhất: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế chỉ có quy định: “Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có quyền thoả thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế: thế chấp tài sản, cầm cố, bảo lãnh tài sản theo quy định của pháp luật” (Điều 5), mà không hề có quy định nào bắt buộc bên cầm cố “phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố”. Chỉ có Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có quy định như vậy. Tuy nhiên, Điều này đã bị Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm huỷ bỏ cách đây hơn 3 năm.

Thứ hai: Khái niệm về cầm cố tài sản trước kia cũng khác với quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo Bộ luật Hàng hải và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, thì tàu thuỷ và tàu bay là các tài sản vừa có thể dùng để cầm cố lại vừa có thể sử dụng để thế chấp. Còn Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT nói trên thì quy định “Thế chấp tài sản là dùng số động sản, bất động sản hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm tài sản cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết”. Trong khi đó, theo Bộ luật Dân sự, thì chỉ cầm cố động sản (và thế chấp bất động sản). Do vậy, việc Nghị định số 17/HĐBT không quy định bên thế chấp phải giao tài sản thế chấp là động sản cho bên nhận thế chấp về thực chất cũng tương đương với viịec cho phép bên cầm cố không phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố theo quy định của Bộ luật Dân sự.

  1. Tác giả bài viết kiến nghị: “BLDS cũng nên được sửa đổi theo hướng khi cầm cố tài sản, bên cầm cố không phải giao giấy tờ sở hữu cho bên nhận cầm cố mà các bên chỉ cần đến cơ quan đăng ký để đăng ký hợp đồng cầm cố mà thôi”. Theo tôi, đây là một đề nghị đã đi quá xa cả về mặt lý luận và thực tế của Việt Nam, vì:

Thứ nhất: Nếu cầm cố mà bên cầm cố không phải giao tài sản cầm cố, đồng thời cũng không phải giao giấy tờ sở hữu tài sản thì thế chấp cũng sẽ không có lý do gì phải giao tài sản và giấy tờ tài sản, vì tài sản thế chấp còn được quản lý theo một chế độ pháp lý chặt chẽ hơn hẳn tài sản cầm cố. Như vậy, thì dẫn đến hệ quả pháp lý là không cần phải phân biệt giữa cầm cố và thế chấp cho phức tạp, rắc rối; thậm chí cũng không cần quy định về biện pháp đặt cọc, ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai: Đề nghị này đã mâu thuẫn với chính nhận định trước đó của tác giả là: Quy định việc cầm cố phải giao tài sản như hiện nay “thì bên có nghĩa vụ không thể tẩu tán được tài sản”.

  1. Tác giả đề nghị: “sửa đổi Điều 9 và Điều 12, Quy chế thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng về việc quy định giới hạn mức cho vay bằng 70% giá trị tài sản cầm cố vì việc quy định như vậy là trái với quy định của BLDS”. Trước đó, tác giả có giải thích: “BLDS không có khống chế như trên mà linh hoạt hơn rất nhiều, theo đó các bên có thể thoả thuận về giá trị tài sản và hạn mức cho vay”. Đề nghị này không đúng và không cần thiết, vì:

Thứ nhất:Quy chế thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng” mà tác giả nhắc đến chính là Quy chế Thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17-8-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nhưng đáng tiếc, nó cũng đã hết hiệu lực từ 3 năm nay do đã có Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04-4-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29-12-1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng thay thế. Hiện nay, mức cho vay so với giá trị tài sản cầm cố là do các ngân hàng thương mại tự xem xét quyết định.

Thứ hai: Nếu Quy chế trên vẫn còn hiệu lực, thì cũng không có gì trái với quy định của Bộ luật Dân sự, vì chính Điều 329, Bộ luật Dân sự cũng đã chỉ rõ “trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Rõ ràng, giới hạn 70% trước đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính là “quy định khác” của pháp luật. Thay vì pháp luật quy định trực tiếp tỷ lệ thì hiện nay đã giao cho các ngân hàng thương mại quyền chủ động quy định những giới hạn tương tự. Theo tôi, đây là một trong những biện pháp cần thiết và đúng pháp luật để bảo đảm sự an toàn cho hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

  1. Tác giả đề nghị: “sửa đổi quy định về hình thức hợp đồng cầm cố tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế vì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quy định hợp đồng cầm cố bắt buộc phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước trong khi theo BLDS thì việc này lại không mang tính bắt buộc”. Trước đó, tác giả đã nhận định: “Việc quy định như vậy của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế là trái với quy định của BLDS”. Theo tôi, đây cũng là một đề nghị sai pháp luật và thiếu thực tế.

Thứ nhất: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế chỉ có quy định: “Các bên ký kết có quyền yêu cầu làm chứng thư hợp đồng kinh tế tại cơ quan công chứng” (Điều 6), mà không hề có quy định nào bắt buộc hợp đồng cầm cố“phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước” (nay là Công chứng). Vấn đề bắt buộc “hợp đồng cầm cố phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước” chỉ được quy định trong Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 nhưng Điều này cũng đã hết hiệu lực từ tháng 12-1999.

Thứ hai: Nếu Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có quy định bắt buộc phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước, thì cũng không có gì là “trái với quy định của BLDS”(cũng tương tự như quy định tại khoản 2, Điều  29, Bộ luật Hàng hải về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng cầm cố tàu biển) vì Bộ luật Dân sự cũng đã “cho phép” rất rõ ràng tại đoạn 2, Điều 133: “Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được Công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép, thì phải tuân theo các quy định đó”.

  1. Cuối cùng, cầm cố tài sản là một biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm rất nhiều nghĩa vụ khác nhau (cũng như đã ghi trong tiêu đề bài viết của tác giả Dương Quỳnh Hoa), nhưng trong cả bài viết của mình, từ nêu vấn đề, phân tích, đến kiến nghị, tác giả bài viết lại chỉ đề cập đến theo một hướng như là các quy định của pháp luật về cầm cố chỉ để phục vụ cho một mục đích là bảo đảm việc vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và chỉ có trong quan hệ với các ngân hàng.

¶ ¶

Hiện nay, có rất nhiều quy định của pháp luật đang mẫu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, xa rời thực tế và phản lại cuộc sống, nhưng, để góp phần “hoàn hiện các quy định của BLDS về cầm cố tài sản” thì theo tôi, bài viết nói trên có nhiều nội dung cần phải xem lại, nhất là có bốn trên tổng số sáu đề nghị của tác giả là sai lầm, phi thực tế và không chấp nhận được.

—————————————–

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết gửi đăng Tạp chí Nhà nước và Pháp luật

Gửi từ 3-2003, nhưng Tạp chí trả lời là đã chuyển cho tác giả.

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,844