67. Góp ý Dự thảo 4 Nghị định về Giao dịch đảm bảo.

(ANVI) – Tên Nghị định:

–        Xem xét lại, chọn một trong các tên dưới đây sao cho ngắn gọn nhất:

+       Nghị định về Giao dịch bảo đảm (như quy định hiện hành);

+       Nghị định về Hợp đồng bảo đảm (toàn bộ Dự thảo đều nói về giao dịch nhiều bên, đều có hợp đồng);

+       Nghị định về Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (như Dự thảo).

–        Trường hợp vẫn đặt tên như Dự thảo, thì cũng cần viết tắt là “Giao dịch bảo đảm” hoặc “Hợp đồng bảo đảm” để sử dụng cho ngắn gọn, đơn giản.

  1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1):

–        Dự thảo chỉ hướng dẫn 7 biện pháp bảo đảm trong BLDS.

–        Cần bổ sung các vấn đề:

+       Các giao dịch bảo đảm khác trong Bộ luật Dân sự, như cầm giữ, mua bán chịu chuộc lại tài sản đã bán, tặng cho có điều kiện,….

+       Các giao dịch bảo đảm trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không (đã hoặc chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự).

  1. Thời điểm có hiệu lực (Điều 17):

–        Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực với bên thứ 3 kể từ khi được đăng ký, chứ không phải với hai bên.

–        Mọi hợp đồng đều có hiệu lực từ khi các bên đã thoả thuận xong, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

  1. Tài sản bảo đảm (Điều 19):

–        Dự thảo đã quy định rõ một số tài sản chỉ thực hiện việc thế chấp (không cầm cố). Tuy nhiên, cần xử lý một số trường hợp khó có thể phân biệt được là cầm cố hay thế chấp (chuyển giao hay không chuyển giao tài sản):

+       Cổ phiếu, trái phiếu (ghi danh và vô danh) là cầm cố hay thế chấp (giao nhân giấy tờ ghi danh chỉ là giao nhận giấy tờ ghi nhận quyền tài sản, chứ không phải giao tài sản). Đặc biệt trong trường hợp “Công ty có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu” qdj tại khoản 3, Điều 61, Luật Doanh nghiệp năm 1999 (khoản 4, Điều 87, Luật Doanh nghiệp năm 2005);

+       Khoản 1, Điều 21 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc NHNN “Thẻ tiết kiệm được sử dụng làm tài sản cầm cố tại các TCTD...” (không nhắc đến việc thế chấp, đặt cọc, kỹ quỹ…). Nhưng thẻ tiết kiệm có thể là của chính Ngân hàng nhận bảo đảm hoặc của Ngân hàng khác. Thẻ tiết kiệm dùng để bảo đảm tại chính ngân hàng đó thì đúng là cầm cố, nhưng nếu là thẻ tiết kiệm của ngân hàng khác thì, việc “cầm cố” cũng không giao tài sản ?.

–        Để phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 320 BLDS (Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự): “Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch” và các quy định khác của pháp luật, Dự thảo cần quy định: Tài sản được bảo đảm bao gồm:

+       Tài sản thuộc quyền sở hữu;

+       Quyền sử dụng đất được thế chấp theo quy định của pháp luật đất đai;

+       Tài sản khác được pháp luật cho phép giao dịch bảo đảm.

–        Đồng thời cần chỉ rõ các loại tài sản không được dùng để bảo đảm, bào gồm:

+       Tài sản mà Pháp luật cấm cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, bao gồm:

–        Tài sản đang có tranh chấp[1] về quyền sở hữu (quyền sử dụng đất);

–        Tài sản đang bị Nhà nước kê biên để xử lý (vi phạm hành chính, vụ án, bảo đảm thi hành án,…);

–        Cổ phiếu của tổ chức tín dụng cầm cố tại chính tổ chức tín dụng đó;[2]

–        Tài sản thuộc dự trữ quốc gia;[3]

–        Tài sản mua của người khác, mà bên bán thoả thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn (trong thời hạn không quá 1 năm đối với động sản và không quá 5 năm đối với bất động sản, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào);[4]

–        Giá trị quyền sử dụng rừng được giao cho cộng đồng dân cư thôn;[5]

–        Giá trị quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng tự nhiên, quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng trồng có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng giống không thu tiền sử dụng rừng;[6]

–        Việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;[7]

–        Tài sản là trang thiết bị do Nhà nước giao cho doanh nghiệp công nghiệp để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội;[8]

–                 Tài sản của doanh nghiệp Nhà nước đã cho thuê doanh nghiệp (người thuê doanh nghiệp không được cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, trừ phần đầu tư mới thuộc phần vốn của mình).[9]

+       Tài sản mà Pháp luật cấm kinh doanh, giao dịch, bao gồm:[10]

–        Vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự chuyên dùng của các lực lượng vũ trang;

–        Chất nổ, chất độc, chất phóng xạ;

–        Chất ma tuý;

–        Các hoá chất có tính độc hại mạnh;

–        Các hiện vật thuộc di tích lịch sử, văn hoá, bảo tàng;

–        Các sản phẩm văn hoá phản động, đồi trụy, mê tín, dị đoan hoặc có hại đến giáo dục nhân cách;

–        Các loại pháo;

–        Thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và các loại động vật, thực vật quý hiếm khác cần được bảo vệ;

–        Đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

–        Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài;

–        Các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các loại trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;

–        Một số loại hoá chất, phụ gia, chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng sử dụng cho sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản và dịch vụ thủy sản không được phép sử dụng tại Việt Nam.

+       Tài sản bị hạn chế về quyền sở hữu:

–        Tài sản đang được cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự;

–        Tài sản đang bị cầm giữ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự;[11]

–        Tài sản mua của người khác, mà hai bên mua bán có thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn nhất định sau khi mua bán (bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác);[12]

–        Tài sản được tặng cho, mà bên tặng, cho có yêu cầu (trước hoặc sau khi tặng cho) bên được tặng cho không được dùng để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh;[13]

–        Tài sản là di sản thừa kế theo di chúc, mà người lập di chúc để lại dùng vào việc thờ cúng.[14]

+       Tài sản gắn liền với đất (khi Nhà nước thu hồi đất, người bị thu hồi đất không được bồi thường về tài sản gắn liền với đất):[15]

–        Tài sản gắn liền với đất được tạo ra tại khu vực đất bị thu hồi sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được công bố mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

–        Tài sản gắn liền với đất được tạo ra trước khi có quyết định thu hồi đất mà trái với mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thời điểm xây dựng công trình đó;

–        Tài sản gắn liền với đất bị thu hồi thuộc các trường hợp: Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; đất bị lấn, chiếm; cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn.

+       Quyền sử dụng đất không được thế chấp, bảo lãnh theo quy định của Pháp luật đất đai.

+       Tài sản khác không được cầm cố, thế chấp, bảo lãnh theo quy định của Pháp luật.

–        Điều kiện của một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự:

+       Khoản 1, Điều 324, BLDS: Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

+       Điều 114, Luật Nhà ở (Điều kiện thế chấp nhà ở): Chủ sở hữu nhà ở được thế chấp nhà ở để bảo đảm thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của nhà ở đó lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ nhưng chỉ được thế chấp tại một TCTD. Thế chấp cả nhà và đất thì sao? giá trị nào, cho vay đồng tài trợ.

  1. Đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 25):

–        Không nên quy định bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm ngoài các trường hợp đã chót quy định trong các luật, pháp lệnh.

–        Cần quy định trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm đối với cả trường hợp chưa có Hợp đồng chính hoặc mới chỉ có Hợp đồng nguyên tắc. Việc này là một yêu cầu tất yếu trong giao dịch dân sự, đặc biệt là rất cần thiết đối với các tổ chức tín dụng. Một trong những lý do là, các tổ  chức tín dụng chỉ ký Hợp đồng tín dụng chính thức, khi đã xem xét chắc chắn về bảo đảm tiền vay. Nếu không quy định chung, thì cũng nên quy định riêng đối với bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.

–        Cần quy định cho phép tự nguyện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với biện pháp bảo lãnh (để bảo đảm giá trị pháp lý của biện pháp này, về thực chất cũng gần giống như cầm cố, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai).

  1. Thứ tự ưu tiên thanh toán (Điều 26):

–        Đoạn 1, khoản 3, Điều 26 quy định: “Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tiền gửi thì bên nhận bảo đảm được chuyển giao chứng chỉ tiền gửi và đã hoàn thành việc thông báo cho tổ chức nơi gửi tiền về biện pháp bảo đảm có quyền ưu tiên cao nhất”:

+       Theo khoản 1, Điều 21 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc NHNN “Thẻ tiết kiệm được sử dụng làm tài sản cầm cố tại các TCTD theo các quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay nếu được TCTD đó chấp thuận”.

+       Theo quy định của pháp luật ngân hàng, thì tiền gửi có thể thể hiện bằng thẻ tiết kiệm[16], chứng chỉ tiền gửi (huy động vốn dài hạn)[17] hoặc không có giấy tờ (tiền gửi tài khoản của tổ chức và cá nhân).

–        Đoạn 2, khoản 3, Điều 26 quy định: “Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền đối với phần vốn góp vào doanh nghiệp thì bên nhận bảo đảm được chuyển giao cổ phiếu hoặc giấy tờ chứng nhận quyền đối với phần vốn góp đó có quyền ưu tiên cao nhất.”

+       Điều 27, Luật Doanh nghiệp 1999 (Điều 39, Luật Doanh nghiệp 2005) gọi là: “Giấy chứng nhận phần vốn góp”.

+       Trường hợp việc thế chấp đã được Công ty xác nhận, thì việc giữ cổ phiếu hay “giấy chứng nhận phần vốn góp” không có giá trị, nhất là trường hợp cổ phần chỉ ghi sổ.[18]

–        Phải quy định việc ưu tiên thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh trước các nghĩa vụ không được bảo đảm khác. Nếu không thì việc bảo lãnh hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý.

  1. Người thứ 3 giữ tài sản cầm cố (Điều 28):

–        Người thứ 3 chỉ là quan hệ với một bên nhận cầm cố (bên nhận cầm cố uỷ thác cho bên thứ ba); không liên quan trực tiếp đến bên cầm cố. Nếu liên quan đến đến cả hai bên thì một giao dịch sẽ trùng nhau, vừa là cầm cố, vừa là thế chấp.

–        Do vậy, để tránh nhầm lẫn đó là người thứ 3 giữ tài sản như trong thế chấp, thì không nên quy định trong Nghị định này, hoặc nếu có thì chỉ nhắc đến tại một khoản, chứ không nên quy định riêng trong một Điều (không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ} Vì đó chỉ là quan hệ độc lập giữa bên nhận cầm cố và bên thứ 3. Nếu quy định, thì cũng lại cần nhắc đến “người thứ tư” khác nữa do người thế chấp uỷ thác giữ tài sản trước khi giao cho bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba do hai bên thoả thuận.

  1. Bán, thay thế tài sản cầm cố (Điều 31):

–        Quy định thêm việc rút bớt tài sản (Dự thảo chỉ quy định thay thế, bổ sung).

–        Tương tự là đối với tài sản thế chấp (Điều 39, 40).

  1. Cầm cố tài sản hình thành trong tương lai (Điều 33):

–        Bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai (chưa giao tài sản), thì nên gọi là thế chấp chứ không nên gọi là cầm cố, vì nguyên tắc của cầm cố phải là giao tài sản. Chỉ sau khi giao tài sản thì mới chuyển từ thế chấp sang cầm cố.

–        Cũng có thể coi việc trên là bảo lãnh, tuy nhiên như vậy thì lại trùng lặp với quan hệ thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Và bảo lãnh thì chưa chỉ rõ tài sản, còn thế chấp thì chỉ rõ tài sản.

  1. Quyền bán, thay thế tài sản của bên thế chấp là hàng hoá luân chuyển… (Điều 39):

–        Điều 39 (khoản 3, Điều 349, BLDS) về Quyền của bên thế chấp tài sản: “3. Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.”

–        Cần quy định thêm:

+       Ngoài bán và thay thế còn là sử dụng (lắp ráp, tiêu dùng, đưa vào sản xuất, gia công, chế biến,…).

+       Các bên liên quan có thể thoả thuận các điều kiện quản lý, giám sát việc bán, thay thế sử dụng và số tiền thu được từ việc bán, thay thế, sử dụng tài sản của bên nhận thế chấp (tránh tình trạng quyền bán là đương nhiên, bên nhận thế chấp không thể kiểm soát được). Vấn đề này rất cần được quy định thêm để làm cơ sở pháp lý cho bên nhận cầm cố bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt là các TCTD.

  1. Quyền cho thuê, cho mượn tài sản của bên thế chấp (Điều 41):

–        Cần quy định quyền tương tự của bên nhận thế chấp như trên đối với trường hợp quy định tại Điều 40 (khoản 5, Điều 349, BLDS): Bên thế chấp “Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.”

  1. Xử lý tài sản bảo đảm (Điều 54-71):

–        Khoản 1, Điều 71: “Bộ Công an hướng dẫn cơ quan Công an các cấp thực hiện các biện pháp hỗ trợ bên bảo đảm xử lý tài sản khi bên có nghĩa vụ, bên bảo đảm không thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay như đã thoả thuận.” Chỉ xử lý tài sản bảo đảm tiền vay hay tài sản bảo đảm nói chung? Nếu là tiền vay của các TCTD thì chuyển sang Chương VII.

–        Bổ sung quy định trường hợp tài sản bị tịch thu sung công trong xử phạt hành chính và hình sự: Cơ quan Nhà nước quyết định phát mại, ưu tiên trả nợ có bảo đảm; phần còn lại được xử lý theo quy định của pháp luật.

  1. Thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 72-80):

–         Cần chỉ rõ quyền sử dụng đất không được nhận thế chấp, bảo lãnh:[19]

+       Quyền sử dụng đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

+       (Luật Đất đai không quy định chế độ Nhà nước giao đất ở không thu tiền sử dụng đất đối với cá nhân và hộ gia đình. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại hướng dẫn ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trường hợp: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất”. Trường hợp này vẫn được thế chấp).

+       Quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước.

+       Quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất (chỉ được thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê) từ ngày 01-7-2004 trở đi hoặc thuê trước ngày 01-7-2004, mà thời hạn đã trả trước tiền thuê đất còn lại dưới 5 năm (trừ đối với đất thuê của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Việt kiều);

+       Đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao và các công trình công cộng khác không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.

+       Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền;

+       Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

+       Đất của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.

+       Đất sử dụng không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

+       Đất bị lấn, chiếm; đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.

+       Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế.

+       Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng.

+       Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

+       Quyền sử dụng đất không có đủ các điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định khoản 1, 2 và 5, Điều 50, Luật Đất đai năm 2003.

  1. Biện pháp tín chấp (Điều 88):

–        Chỉ có tố chức CTXH mới làm việc này; vậy trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (Điều 96), thì có được gọi là tín chấp không? Ví dụ, cho vay và có văn bản cam kết sẽ dùng vật tư, hàng hoá, tài sản nói chung của công ty để bảo đảm (không chỉ rõ tài sản), thì chính là tín chấp.

–        Giá trị pháp lý của biện pháp tín chấp đến đâu hay hoàn toàn vô nghĩa?

  1. Một số quy định riêng về bảo đảm tiền vay của TCTD (Điều 94-97):

–        Bảo đảm tiền vay của Ngân hàng theo Nghị định này, ngoài cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và tín chấp như trước, còn cả ký quỹ nữa. Vậy, xem xét chuyển tài sản là tiền sang biện pháp ký quỹ (không cầm cố bằng tiền nữa).

–        Bổ sung nguyên tắc bảo đảm tiền vay (Điều 4 Nghị định 178):

+       “Khách hàng vay được TCTD lựa chọn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, nếu trong quá trình sử dụng vốn vay, TCTD phát hiện khách hàng vay vi phạm cam kết trong hợp đồng tín dụng, thì TCTD có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm bằng tài sản hoặc thu hồi nợ trước hạn”.

+       Có để quy định này không: “Sau khi xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, nếu khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh vẫn chưa thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, thì khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh[20] có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ đã cam kết.”

–        Việc định giá tài sản bảo đảm và mức cho vay:

+       Điều 10, Nghị định 178. Mức cho vay so với giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

+       Việc định giá tài sản bảo đảm (Điều 94): Cần quy định rõ là do các bên thoả thuận theo giá thị trường (có thể đưa vào quy định chung). (Điều 8, Nghị định 178).

–        Việc giữ giấy tờ của tài sản bảo đảm, cần bổ sung:

+       Khoản 2, Điều 12, Nghị định 178 + 85: Đối với tài sản cầm cố, thế chấp là phương tiện vận tải, tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản có giấy chứng nhận đăng ký, TCTD giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký, khách hàng vay khi sử dụng phương tiện được dùng bản sao có chứng nhận của Công chứng Nhà nước và xác nhận của TCTD, nơi nhận cầm cố, thế chấp để lưu hành phương tiện đó trong thời hạn cầm cố, thế chấp. Tổ chức tín dụng chỉ xác nhận vào một bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sau khi đã có chứng nhận của Công chứng Nhà nước. Nếu tài sản cầm cố, thế chấp là tàu bay, tàu biển tham gia hoạt động trên tuyến quốc tế, tổ chức tín dụng giữ bản sao giấy chứng nhận đăng ký có chứng nhận của Công chứng Nhà nước.

+       Quy định nội dung xác nhận của TCTD (Thông tư 07/NHNN).

–        Quy định một Điều về điều kiện cho vay bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay, để khỏi phải có văn bản hướng dẫn riêng (Mục IV, TT 07/NHNN).

–        Việc bán tài sản, Điều 56 chỉ quy định bán đấu giá chung như quy định như Luật Đất đai 1993, 2003 (khoản 2, Điều 58) quy định và TTLT 03 do đó, Ngân hàng rất khó có đấu giá viên để thực hiện chức năng bán đấu giá. Đề nghị cần quy định rõ 2 nội dung:

+       Các TCTD được trực tiếp bán đấu giá tài sản, kể cả nhà đất, không bắt buộc phải thông qua tố chức bán đấu giá;

+       Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua (khoản 2, Điều 71 có nội dung tương tự nhưng chỉ là đề cập chung theo quy định của Pháp luật).

  1. Kết cấu điều khoản:

–        Chỉ ghi “Nghị định về…”, không viết “Nghị định của Chính phủ về…”, vì:

+       Theo đúng Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06-5-2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ Hướng dẫn về thế thức và kỹ thuật trình bày văn bản;

+       Các Nghị định gần đây của Chính phủ cũng không còn viết “Nghị định của Chính phủ” nữa.

–        Bỏ câu dẫn dắt (không thuộc khoản nào trong văn bản có phân thành các khoản, điểm): các điều 44, 54, 55, 56 (điều không hay này có rất nhiều trong Bộ luật Dân sự).

 

  Hà Nội ngày 22, 23 và 24/2/2006

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

                      

[1] Điều 5, Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999.

[2] Khoản 2, Điều 52, Luật Các TCTD năm 1997.

[3] Điều 8, Pháp lệnh Dự trữ quốc gia năm 2004.

[4] Điều 462, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[5] Điều 30, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

[6] Điều 63, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.

[7] Điều 43, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2004.

[8] Điều 6, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003.

[9]    Điều 46, Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10-9-1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

[10] Phụ lục số 2, Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03-3-1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; hàng hoá dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20-8-2002); Điều 3, Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03-02-2000 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 125/2004/NĐ-CP ngày 19-5-2004). Danh mục cụ thể do Chính phủ và các ngành quy định.

[11] Điều 416, Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 36, Bộ lụât Hàng hải năm 2005; Điều xx, Luật Thương mại năm 2005 (Điều 90 Luật 1997);

[12] Điều 461, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[13] Điều 470, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[14] Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[15] Khoản 2, Điều 43, Luật Đất đai năm 2003.

[16] Quy chế về tiền gửi tiết kiệm.

[17] Quy chế Phát hành giấy tờ có giá của TCTD để huy động vốn trong nước, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 04-01-2005 của Thống đốc NHNN.

[18] Khoản 3, Điều 61, Luật Doanh nghiệp năm 1999 (khoản 4, Điều 87, Luật Doanh nghiệp năm 2005).

[19] Điều 43; khoản 2, Điều 109; điểm b, khoản 1, Điều 111; điểm c, khoản 1, Điều 114  và Điều 117, Luật Đất đai năm 2003.

[20] Theo quy định mới, chuyển thành bên thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho người khác.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,935