(LĐ) – Theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2015 tới thì từ thời điểm 1.7, để thành lập doanh nghiệp (DN) BĐS cần có vốn pháp định 20 tỉ đồng trở lên. Chính vì vậy, chưa có khi nào số lượng DN thuộc lĩnh vực BĐS thành lập mới lại tăng cao như vậy, đặc biệt trong các tháng đầu năm 2015. Nguyên nhân được xác định là để “lách” quy định về vốn pháp định.
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, 2 tháng đầu năm 2015 cả nước có 13.766 DN đăng ký thành lập mới, tăng 26,6% về số DN và 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, BĐS là lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng khoảng 88%.
Trong số DN giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, tạm ngừng hoạt động của cả nước tăng so với năm 2014 thì lĩnh vực kinh doanh BĐS lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể với 18 DN chấm dứt hoạt động kinh doanh (giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái) và số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 147 DN, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, có 81 DN kinh doanh BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 53% so với năm 2014.
Nếu nhìn theo hướng tích cực thì có thể đánh giá đây là sự đột biến, đảo chiều trong bức tranh DN BĐS. Sau một thời gian khá dài rơi vào khủng hoảng, đóng băng, việc các DN BĐS thành lập mới tăng cao được xem là tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực xây dựng, BĐS, mà còn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, theo góc nhìn của một số chuyên gia, luật sư thì đây lại là một chiêu “lách” luật của giới kinh doanh ngành này.
Theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS 2014, khi thành lập DN BĐS thì DN tham gia phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỉ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh thuộc diện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư về đầu tư công, pháp luật đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị; Có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỉ đồng đối với các trường hợp đầu tư dự án không thuộc diện quy định ở trên. “Như vậy, thay vì chỉ cần 6 tỉ đồng vốn pháp định theo luật hiện hành thì nay theo luật mới phải có trên 20 tỉ đồng. Trong bối cảnh thị trường BĐS mới đang phục hồi yếu ớt thì đây thực sự là một vấn đề khó khăn với các DN” – một lãnh đạo Cty giao dịch môi giới BĐS nhận xét.
Trên thực tế, quy định này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các DN trong ngành. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest – hiện DN kinh doanh BĐS tham gia thị trường đang phân ra 2 loại, một là DN đầu tư dự án và hai là DN kinh doanh dịch vụ. Do vậy, không nên trộn lẫn 2 loại DN này để quy định vốn pháp định.”Đối với DN đầu tư dự án thì đã có luật đầu tư điều chỉnh là phải có vốn không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư mới được thực hiện dự án. Vì thế, quy định vốn pháp định là 50 tỉ đồng dựa theo tiêu chí đầu tư dự án thì không có ý nghĩa gì” – ông Hiệp nói.
Tuy vậy, ở góc nhìn luật sư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng không nên quá lo lắng về điều này vì thị trường sẽ quyết định vấn đề, và hiện thị trường thuộc về người mua. Nếu trước đây người ta dễ dàng bán nhà trên giấy thì nay nhà xây xong rồi nhưng người mua còn phải xem chủ đầu tư uy tín như thế nào, chất lượng, giá cả, tiện ích ra sao rồi mới quyết định mua. Bên cạnh đó, chính sách quản lý thị trường BĐS, xây dựng đang ngày càng được hoàn thiện và bài bản, kinh nghiệm quản lý ngày càng chặt chẽ, bản thân các DN BĐS cũng không kinh doanh kiểu “bất chấp”, tranh thủ như trước, hầu hết DN xác định kinh doanh phải có nghề, có vốn, có trình độ, có các điều kiện khác mới dám đầu tư, kinh doanh. Như vậy, việc các DN BĐS thành lập mới tăng cao sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới.
Đức Anh
———–
Lao động (Bất động sản) 06-4-2015:
http://laodong.com.vn/tt-bat-dong-san/von-phap-dinh-hon-20-ti-dong-moi-duoc-kinh-doanh-bds-312885.bld
(179/852)