(ĐSP) – Phí phạt trả nợ trước hạn là quy định phù hợp với thực tế nhưng việc mập mờ thông tin về khoản phí này tại một số ngân hàng đã khiến nhiều khách hàng bức xúc
Phí phạt trả nợ trước hạn là gì?
Người đi vay phải trả phí trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn là quy định phù hợp với thực tế vì khi cho khách hàng vay, ngân hàng đã cân đối nguồn vốn huy động của mình cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay. Đồng thời, trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, ngân hàng cũng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà họ đã huy động để cho khách hàng vay. Do vậy, việc thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết nhằm bù đắp những khoản chi phí phát sinh, những rủi ro về lãi suất, cân đối nguồn vốn do khách hàng trả nợ trước hạn.
Choáng vì phí phạt
Vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng, thời hạn gần 9 năm với lãi suất ưu đãi, sau 5 tháng chị Tuyền cần bán gấp căn nhà là tài sản thế chấp nên xin tất toán trước hạn. Ngân hàng thông báo phạt 248 triệu đồng.
Ngoài khoản phí trên, chị Tuyền ở TP HCM còn phải trả lại phần chênh lệch do ưu đãi lãi suất, tương đương gần 38 triệu đồng, nâng tổng số tiền cần phải thanh toán cho việc trả nợ trước hạn của chị lên gần 286 triệu đồng.
Phải trả lại tiền ưu đãi lãi suất, chị Tuyền không có ý kiến vì điều này đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Nhưng chị thấy sốc vì khoản phí trả nợ trước hạn, hợp đồng quy định chung chung, không đưa ra công thức tính cụ thể. “Ngay trước lúc ký hợp đồng, tôi có thắc mắc về điều khoản này nhưng cán bộ tín dụng của ngân hàng không giải thích rõ ràng mà cứ bảo là sẽ tính theo quy định. Ở tư thế người đi vay tiền, tôi đành phải nhanh chóng ký vào hợp đồng”, khách hàng này trần tình.
“Tôi đã yêu cầu ngân hàng cung cấp văn bản về cách tính phí trả nợ trước hạn trên, nhưng họ từ chối với lý do đây là công văn nội bộ không cung cấp được mặc dù tôi đang là khách hàng có liên quan trực tiếp. Chưa kể, khi làm hồ sơ vay tôi chỉ được nhân viên tư vấn là mức đóng phí trả trước hạn chỉ bằng 1,6% nhân với số dư nợ còn lại”, chị nói.Khi chị trả trước hạn cho khoản dư nợ gốc 2,777 tỷ đồng vào ngày 24/7 (tức khoảng 5 tháng sau ngày giải ngân), ngân hàng đã tính phí trả nợ trước hạn theo công thức: 40% x (lãi suất cho vay hiện tại-lãi suất huy động tiết kiệm tại ngày trả nợ) x số tiền trả nợ trước hạn x số ngày trả nợ trước hạn/360. Với công thức này, chị Tuyền phải trả hơn 248 triệu đồng, tương đương gần 9% dư nợ gốc.
1.1.1.1 Nhiều khách hàng thấy sốc vì khoản phí trả nợ trước hạn, hợp đồng quy định chung chung, không đưa ra công thức tính cụ thể. |
Chị Tuyền không thấy thỏa đáng với cách giải quyết của ngân hàng. Khi không đồng ý với số phí trả nợ trước hạn quá cao như trên, chị được phía ngân hàng hướng dẫn làm đơn miễn giảm. Sau đó, chị được giảm 50% phí trả nợ trước hạn, tức chỉ còn đóng khoảng 162 triệu đồng. “Quyết định này cũng chỉ được nhân viên truyền đạt bằng miệng chứ không có văn bản nào. Tôi e rằng, với cách làm việc như thế này rất dễ dẫn đến những quyết định cảm tính, tiêu cực”, chị chia sẻ.
Những trường hợp như chị Tuyền không hề hiếm. Đứng ở vị thế của người đi vay tiền, khách hàng thường muốn nhanh chóng ký vào hợp đồng tín dụng để mau được việc. Chính vì vậy không ít người vô tình chỉ kiểm tra qua loa hoặc không hỏi kỹ quy định phí phạt trả nợ trước hạn, dẫn đến cách tính phí không rõ ràng, mập mờ hoặc quá cao.
Thông thường, trong các hợp đồng tín dụng đều có quy định về việc trả nợ trước hạn. Khi khách hàng muốn tất toán trước thời hạn nghĩa là đã “phá vỡ” hợp đồng ký kết.
Thống đốc ngân hàng nói gì?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc thu phí trả nợ trước hạn được quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 và Thông tư số 05-2011/TT-NHNN ngày 10-3-2011. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức phí phải trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
Quy định này là phù hợp với thực tế. Vì khi cho vay, tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động của mình (bao gồm tiền gửi của tổ chức, cá nhân, nguồn vốn đi vay và các nguồn vốn khác) cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay. Đồng thời, trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn tín dụng đã huy động để cho khách hàng vay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay. Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15-1-2014, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật. Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ các khoản phí quy định tại Thông tư số 05/2011.
“Vì vậy, trường hợp tổ chức tín dụng áp dụng mức phí trả nợ trước hạn cao, không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, đề nghị cử tri phản ánh ngay và cung cấp thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn để có ý kiến đề nghị tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét áp dụng mức phí hợp lý” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị.
Cách tính phí trả nợ trước hạn phải được niêm yết rõ ràng, công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ và trên website của ngân hàng. (Ảnh minh họa). |
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đến từ Hiệp hội Ngân hàng,Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nguyên nhân gây bức xúc trong việc ngân hàng thu phí trả nợ trước hạn nằm ở việc mập mờ thông tin.
Trong thực tế, rất ít ngân hàng nêu cụ thể vấn đề này trong hợp đồng. Các ngân hàng chỉ nêu chung chung là mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dung theo quy định của ngân hàng. Hoặc có nêu thu 5% hay 8% trên tổng dư nợ còn lại hoặc trên tổng số tiền trả trước hạn thì khách hàng cũng không thể hình dung được chi phí phát sinh khi trả nợ trước hạn nếu nhân viên tín dụng không tư vấn kỹ.
Luật bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu vấn đề này phải nói rõ, có phụ lục kèm theo nhưng hầu hết các ngân hàng không thực hiện đúng, gây khó khăn cho người vay vốn.
Phản ánh ngay nếu bị ép phí cao
Trên thực tế, một số ngân hàng còn sử dụng tùy tiện mức phí phạt trả nợ trước hạn để tối đa hóa các nguồn thu trong lúc kinh doanh đang gặp khó khăn. Mức phạt phí trả nợ trước hạn có thể lên tới 8 – 9% trên số dư nợ gốc còn lại.
Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân khiến người vay phản ứng là do trước khi ký kết hợp đồng tín dụng, người vay không nắm bắt được cách thức tính toán, tỷ lệ phạt, mức phạt trả nợ trước hạn là bao nhiêu? Trên thực tế, rất ít ngân hàng nêu cụ thể vấn đề này trong hợp đồng vay vốn, chỉ nêu chung chung, không rõ ràng, mập mờ kiểu như “mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dung theo quy định của ngân hàng”.
Chính vì vậy, đến khi trả nợ, khách hàng mới tá hỏa khi số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Mới đây thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã lên tiếng khuyến nghị “nếu TCTD tính phí trả nợ trước hạn quá cao, người dân cần phản ánh ngay để tính toán, điều chỉnh”.
Nhằm bảo vệ người đi vay, NHNN nên quy định các khoản phí trả nợ phải được thông báo rõ, cụ thể, có phụ lục kèm theo hợp đồng để khách hàng biết trước khi vay vốn. Đối với ngân hàng, các chi phí liên quan đến việc trả nợ trước hạn, cán bộ tư vấn phải có trách nhiệm cung cấp, giải thích đầy đủ các thông tin để đảm bảo khách hàng có thể so sánh, đánh giá các khoản phí có phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình trước khi quyết định vay vốn.
Cách tính phí trả nợ trước hạn phải được niêm yết rõ ràng, công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ và trên website của ngân hàng. Có như vậy, khách hàng mới tin tưởng, an tâm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
———–
Đời sống & Pháp luật (Sự kiện) 09-4-2015:
http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/choang-vang-vi-phi-tra-no-ngan-hang-truoc-han-a90386.html
(159/1.744)