675. Cần có bộ luật về xử lý nợ xấu

(DĐDN) – Được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu từ ngày 5/4, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch thành viên VAMC cho rằng: “Vẫn chưa đủ và cần một cơ chế, một bộ luật để mua và xử lý nợ xấu… 

Theo ông Hùng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khẳng định Chính phủ và NHNN  kiên quyết  trong việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng. Theo đó, vốn điều lệ của VAMC được tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

– Vậy từ khi hoạt động đến nay, VAMC đã mua được bao nhiêu nợ xấu, thưa ông?

Tính trong năm 2014, VAMC đã mua được 97.698 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD với giá 78.897 tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt 77.705 nghìn tỷ đồng. Tính chung từ khi hoạt động đến thời điểm kể trên, VAMC đã mua được gần 137.005 tỷ đồng nợ gốc của 39 TCTD với giá hơn 111.636 nghìn tỷ đồng; phát hành trái phiếu 108.652 tỷ đồng.

Có thể khẳng định với kết quả đạt được đến thời điểm này, VAMC đã hoàn thành vượt mức kế hoạch mua nợ đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong và  nước từ lâu vẫn cho rằng mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng của một Cty mua bán nợ quy mô quốc gia là quá ít ỏi. Do vậy, lần điều chỉnh vốn điều lệ này được Thủ tướng quyết định trên cơ sở đề nghị của NHNN sau khi đã thỏa thuận với Bộ Tài chính.

Ngoài tăng vốn, VAMC cũng được bổ sung thêm nhiều quyền, cơ chế đặc thù trong quá trình hoạt động và thực hiện mua bán nợ. Theo đó, sau khi thu hồi nợ xấu, VAMC được hưởng một phần tiền theo tỷ lệ do NHNN quy định trên cơ sở số tiền mua bằng trái phiếu đặc biệt trừ đi khoản thu về. Bên cạnh đó, VAMC cũng không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm khi mua lại nợ xấu từ các ngân hàng.

– Ngoài cơ chế đặc thù khi phát hành trái phiếu đặc biệt, VAMC có thể phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá trị thị trường, mở đường cho hoạt động mua bán nợ và tái cấu trúc DN, thưa ông?

Năm 2015, VAMC vẫn đặt quan tâm hàng đầu cho vấn đề thu mua nợ từ các TCTD.

Theo Nghị định mới VAMC được phát hành trái phiếu theo 4 phương thức, gồm: Đấu thầu phát hành; Bảo lãnh phát hành; Đại lý phát hành và Bán trực tiếp. Trái phiếu của VAMC do TCTD nắm giữ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại NHNN .

Ngoài  ra, sau 1 lần bán đấu giá tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo quy định nêu trên không thành thì VAMC được tiếp tục bán tài sản đó thông qua phương thức bán đấu giá hoặc bán tài sản đó trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua, đồng thời thông báo cho bên bảo đảm biết. Trong đó, 3 trường hợp được coi là bán đấu giá không thành gồm: Không có người tham gia đấu giá; Không có người trả giá tại cuộc bán đấu giá; và Các trường hợp bán đấu giá không thành khác theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Theo tôi, đây là những bước đi quyết định để cùng hệ thống ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ về mức 3% trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng nhất là tạo ra hành lang, cơ chế pháp lý cho VAMC thực thi các nhiệm vụ.

Về tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, nếu không có thỏa thuận, VAMC sẽ được bán đấu giá. Theo Nghị định, Bộ Xây dựng sẽ phải có trách nhiệm hướng dẫn để VAMC bán tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư khi có vướng mắc. Tương tự, để hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo dễ dàng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm hướng dẫn cho nhà đầu tư, người trúng đấu giá trên đất của dự án đầu tư.

– Theo NHNN, đến hết quý 2/2015 sẽ xử lý bán hoặc sáp nhập thêm 6 – 7 các TCTD yếu kém, vậy VAMC có vai trò như thế nào trong quá trình này, thưa ông?

Đối với những khoản nợ đủ điều kiện, VAMC tiến hành mua ngay để giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và đưa bớt nợ xấu ra khỏi ngoại bảng của các ngân hàng này. Bên cạnh đó, với những khoản nợ xấu từ các ngân hàng này đã được VAMC mua từ trước, chúng tôi sẽ tập trung quan tâm và ưu tiên xử lý sớm để tránh thêm áp lực cho họ trong quá trình tái cơ cấu.

Năm 2015 là thời điểm các TCTD sẽ phải thực hiện theo Thông tư số 02 của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Từ tháng 4/2015, Quyết định số 780 của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cũng chính thức được dỡ bỏ. Các TCTD phải dần quay trở về đánh giá, phản ánh đúng thực chất, chất lượng từng khoản nợ. Bên cạnh việc định rõ mục tiêu cụ thể cho việc mua, bán nợ, VAMC cũng sẽ dần chuyển sang lộ trình mua bán theo giá thị trường ngay trong năm 2015 này. Cùng với đó, sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh lãi cho khách hàng và phối hợp các TCTD để xử lý cho khách hàng.

Chúng tôi mong muốn làm sao để VAMC trở thành người bạn đồng hành, chia sẻ cùng các TCTD và khách hàng chứ không phải chỉ là một công cụ chỉ có chức năng mua nợ xấu về để bán…

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại.

Năm 2015, VAMC vẫn đặt quan tâm hàng đầu cho vấn đề thu mua nợ từ các TCTD. Theo đó VAMC tiếp tục mua nợ theo mục tiêu đặt ra từ 70 đến 100 nghìn tỷ đồng để đến năm 2016, đưa tổng doanh số nợ mua được lên mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng, sau đó, mới thật sự bắt tay vào xử lý số nợ xấu đã mua.

– Vốn điều lệ hiện tại của VAMC đã được nâng lên 2.000 tỷ đồng, như vậy phần vốn đã được giải quyết. Theo ông điều gì còn khó khăn nhất với VAMC hiện nay?

Vốn đã được nâng lên 2.000 tỷ đồng nhưng  khi phải xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu thì cũng chẳng thấm tháp gì. Vấn đề là chúng tôi mong có các cơ chế luật pháp để VAMC thực thi nhiệm vụ được giao. Do vậy, vốn điều lệ có được nâng lên như đề xuất thì phải kết hợp với các cơ chế luật pháp nữa. Lúc đó, nguồn vốn này được sử dụng như vốn mồi mua khoản nợ theo giá thị trường hoặc tham gia góp vốn tái cấu trúc các khoản nợ …

Hiện nay, trên thế giới, không có quốc gia nào xử lý nợ xấu bằng cơ chế chính sách mà hầu hết đều dùng tiền thật. Hai năm qua, việc triển khai mua nợ xấu bằng trái phiếu, đặc biệt là bước đi đầy nỗ lực nhưng hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc về xử lý tài sản, quyền định đoạt tài sản, bất động sản; tranh chấp, kiện tụng….

Đây là những yếu tố khiến cho các đơn vị chủ nợ như VAMC rất khó khăc khi đòi nợ. Cùng với việc nâng vốn, Nhà nước phải có bộ luật về xử lý nợ xấu để xử lý nợ và cho VAMC “cơ chế” thì mới giải quyết triệt để được xử lý nợ xấu…

– Xin cảm ơn ông!

 

Trao công cụ cho chính các ngân hàng

LS Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Nếu xử lý nợ xấu bằng cách bỏ từ kho này sáng kho khác như hiện nay thì chỉ là làm đẹp sổ sách. Mục tiêu đưa nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ như cách làm hiện nay thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều mà thị trường tài chính thực sự cần là phải tìm được người mua nợ xấu.

Cứ nói là năm 2014 VAMC đã mua gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng. Nhưng trên thực tế, nợ xấu hầu như không bán được. Bởi vì, VAMC chỉ bán được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu, còn các ngân hàng vẫn phải trích 20% dự phòng. Như vậy, nhìn vào sổ sách VAMC chịu đến 90% nợ xấu cho các ngân hàng, các ngân hàng chỉ còn khoảng 10%. Tuy nhiên, thực tế thì lại ngược lại, các ngân hàng vẫn phải treo khoản nợ xấu đó lên. Thậm chí, không ít ngân hàng còn cảm thấy khó xử lý hơn vì mỗi lần muốn xử lý khoản nợ xấu nào thì lại phải thông qua VAMC.

Nếu để bán nợ xấu, VAMC chưa chắc đã bán tốt hơn các ngân hàng. Vấn đề là phải tạo ra thị trường, phải có khách mua nợ xấu. Để khách mua nợ xấu thì hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản, nhìn rộng ra là cả nền kinh tế phải khởi sắc.

Bài học về thị trường bất động sản những năm vừa qua đã cho thấy, khi thị trường xuống đáy thì có cho cũng chẳng ai mua. Đến nay, thị trường bắt đầu nhúc nhích, có kẻ mua, người bán thì sản phẩm mới có giá thực.

VAMC nhìn tổng thể là một cái kho hay “đại lý nợ xấu”. Xếp hàng vào kho chưa phải là xử lý được hàng mà phải là bán ra.

Muốn bán hàng ngoài việc tạo thị trường, mở rộng ra bên ngoài còn nhiều việc khác như tăng chủ động cho các ngân hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa… Cần xác định rằng, công việc xử lý nợ bây giờ mới bắt đầu và phải làm bằng được. Từ việc giải quyết tài sản bảo đảm, định giá các khoản nợ… tất cả đều cần tạo một cơ chế đủ mạnh cho ngay các ngân hàng. Qua đó, hạn chế được tình trạng đẩy các vụ việc sang tố tụng sẽ rất mất thời gian và không đạt hiểu quả.

VAMC sẽ phải tham gia nhiều vào quá trình cơ cấu DN 

Ông Phạm Thanh Quang – nguyên TGĐ Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC):

Trước đây hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC chủ yếu vẫn bơm tiền thông qua “trái phiếu đặc biệt” thế vào nợ xấu để hỗ trợ tính thanh khoản. Dù đã xử lý hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng mấu chốt của việc xử lý nợ xấu này chính là việc trái phiếu đặc biệt được TCTD mang đến NHNN làm vật thế chấp để vay tiền. Như vậy, với những ngân hàng nợ xấu cao thì khi bán nợ cho VAMC họ có thể vay mượn tiền từ NHNN. Những ngân hàng mất khả năng thanh khoản trầm trọng do nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại. Mỗi năm họ chỉ phải trích lập dự phòng 20% nợ xấu trong vòng 5 năm thay vì phải trích lập dự phòng ngay lập tức. Vì vậy, VAMC chủ yếu tập trung vào các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo tốt, ít tham gia vào cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến tốc độ xử lý, chất lượng nợ xấu không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, thực tế bây giờ đã khác, nợ xấu không còn quá đáng lo ngại nữa bởi các doanh nghiệp đang dần hồi phục. Đặc biệt là thị trường bất động sản ấm dần lên đã giải quyết được một phần lượng hàng tồn kho. Các ngân hàng sát nhập cũng góp phần giảm chi phí nâng cao năng lực. Nếu sát nhập được thêm một số ngân hàng nhỏ nữa thì tình hình sẽ còn được cải thiện đáng kể hơn.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 34/2015/NĐ-CP vốn điều lệ của VAMC sẽ được tăng lên 2.000 tỷ đồng thay vì mức 500 tỷ đồng là một bước đi cần thiết, không chỉ tăng năng lực tài chính mà còn đảm bảo VAMC thực hiện đúng vai trò của mình. Bởi Nghị định 34 còn cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Như vậy có thể hình dung, về mặt công cụ và năng lực của VAMC đã được tăng cường nhưng đồng thời cũng đòi hỏi VAMC phải tham gia thực chất hơn nữa vào quá trình xử lý nợ xấu. VAMC sẽ phải tham gia nhiều vào quá trình cơ cấu DN so với trước đây.

Phương Hà thực hiện

———–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Toạ đàm) 10-4-2015:

http://dddn.com.vn/toa-dam/can-co-bo-luat-ve-xu-ly-no-xau-20150408110031910.htm

(460/2.461)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,449