675. Có thể sẽ luật hóa khái niệm sở hữu toàn dân

(KTSG) – Khái niệm còn gây nhiều tranh cãi lâu nay là “sở hữu toàn dân” đã lần đầu tiên được luật hóa trong bản dự thảo mới nhất của Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Ảnh TG

Theo Mục 2, Điều 213 về Hình thức sở hữu trong Dự thảo, sở hữu toàn dân được định nghĩa là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác, và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Điều 224 của dự thảo giải thích rõ hơn, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất quản lý và đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Dự thảo cũng quy định một số điều bổ sung về tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước; hay giao cho cơ quan nhà nước; hay các tổ chức chính trị – xã hội; cũng như quyền của tổ chức, cá nhân được sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Tất cả những quy định này không có trong Bộ luật dân sự hiện hành.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc hội thảo về dự luật này do Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 17-3 tại Hà Nội, luật sư Trương Thanh Đức thừa nhận là ông “không hiểu” định nghĩa này.

Sở hữu toàn dân chỉ là một trong 3 khái niệm về hình thức sở hữu được cô đọng lại trong Điều 213 của Dự thảo. Hai hình thức sở hữu khác là sở hữu riêng (là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân); và sở hữu chung (là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản).

Như vậy, Điều 213 trong dự thảo mới nhất này đã rút gọn rất nhiều khái niệm về hình thức sở hữu quy định trong Điều 172 của Bộ luật Dân sự 2005 hiện hành.

Điều 172 này, dù không đưa ra khái niệm sở hữu toàn dân, nhưng lại căn cứ vào đó để quy định 6 hình thức sở hữu, bao gồm: (1) sở hữu nhà nước; (2) sở hữu tập thể; (3) sở hữu tư nhân; (4) sở hữu chung; (5) sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; (6) sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Trong tài liệu gửi đến hội thảo, luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cho rằng, việc phân chia hình thức sở hữu dựa vào tính chất, chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể như vậy là không hợp lý, cần phải thay đổi.

Ông cho rằng, trên thực tế ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có 3 hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung.

Trong khi đó, tiến sỹ Vũ Thị Hồng Yến, khoa Pháp luật Dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội nhận xét, theo Hiến pháp và Luật Đất đai 2013 thì đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân và Nhà nước chỉ là đại diện để thực hiện các quyền đối với đất đai.

Trong tài liệu gửi đến hội thảo, bà Yến cho rằng, các chủ thể khác có quyền sử dụng đất; và đặt vấn đề: “vậy quyền sử dụng đất có được coi là một loại vật quyền khác và phải được áp dụng các nguyên tắc của vật quyền?”.

Bà Yến phân tích, nếu ghi nhận quyền sử dụng đất là một loại vật quyền thì phải quy định rõ nội dung của vật quyền đó. Bà kiến nghị, nếu quan điểm của nhà lập pháp muốn tăng cường việc bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng đất thì nên coi đó là vật quyền, việc xây dựng và sở hữu các công trình xây dựng trên đất cũng cần được bảo vệ và cần cân nhắc khi coi quyền sử dụng đất là một vật quyền.

Tuy nhiên, bà Yến nhận xét, Dự thảo hiện không có quy định quyền sử dụng đất là quyền như thế nào, tức chưa chỉ rõ bản chất pháp lý của quyền sử dụng đất là gì? Chỉ có khoản 3 của Điều 132 quy định: “Quyền sử dụng đất được quy định trong Bộ luật này và Luật Đất đai”. Tiếp đó, trong mục 6 phần thứ ba của Dự thảo có quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.

Bà cho rằng, xâu chuỗi các quy định trên có thể nhận thấy nhà làm luật đang quy định về quyền sở hữu quyền sử dụng đất. Điều này còn nhiều quan điểm trái chiều.

Tư Hoàng

————-

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Sự kiện) 18-3-2015:

http://www.thesaigontimes.vn/127737/Co-the-se-luat-hoa-khai-niem-so-huu-toan-dan.html

(54/929)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.425. Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ...

Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ thuế thu nhập cá nhân ra...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,386