679. Xung quanh đề xuất bán cổ phần cảng biển, sân bay, đường cao tốc: Công khai, minh bạch và có khung pháp lý đầy đủ để tài sản nhà nước không bị thất thoát

(PL) – Thời gian qua, vấn đề bán cổ phần cảng biển, sân bay, đường cao tốc… cho các Tập đoàn tư nhân đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Dư luận nhiều người ủng hộ chủ trương vì thời gian dài nhiều DNNN làm ăn kém hiệu quả cần đột phá trong cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên, dư luận lo ngại, khi chuyển nhượng cổ phần nếu không tính đúng, tính đủ thì rất dễ gây thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời, số tiền thu được từ việc bán cổ phần này sẽ được sử dụng như thế nào và ai giám sát?… Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Biện pháp nào để tài sản Nhà nước không bị thất thoát?

Phóng viên: Thời gian qua, “làn sóng” các nhà đầu tư tư nhân dồn dập đề nghị được mua cổ phần cảng biển, đường cao tốc, sân bay… đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào về “làn sóng” mới này?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức: Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lại quan tâm đến cổ phần của các DN cảng biển, đường cao tốc, sân bay… bởi họ đã nhìn ra những “điểm nghẽn” làm hạn chế khả năng sinh lời của những công trình hạ tầng khi thuộc sở hữu Nhà nước 100%. Đó là sự thiếu vốn để tái đầu tư, mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, phần mềm, yếu kém về quản trị và điều hành DN, cũng như yếu kém về marketing, kết nối và khai thác thị trường… Sau khi rót thêm vốn, trang bị mô hình quản lý hiện đại… chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho DNTN trong tương lai. Khi đó, không những thu lợi nhuận đều đều từ hoạt động của các công trình này mà họ còn có khả năng thu lời lớn hơn khi bán lại phần vốn trong các dự án sau một thời gian nhất định, do giá trị công trình đã tăng lên nhờ tình hình kinh doanh thuận lợi hơn. Do vậy, có thể nói rằng khả năng sinh lợi là yếu tố chính thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân.

Theo ông, việc bán cổ phần như vậy thì nhà nước được và mất những gì?

Tất nhiên, trong việc chuyển nhượng cổ phần như vậy, đều có cái được và mất. Cái được đầu tiên là nhà nước có nguồn vốn để tái đầu tư vào những lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm khác để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cái mất, nếu chúng ta không đánh giá đúng tài sản thì rất dễ bán tài sản với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Đứng trước xu hướng chuyển dịch cơ cấu sở hữu mới này, theo ông, nhà nước cần đề ra những biện pháp gì để không bị thất thoát tài sản?

Tôi cho rằng, nhà nước cần phải thận trọng trong việc lựa chọn những biện pháp để làm sao bán tài sản bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên là nhà nước – nhà đầu tư. Biện pháp đầu tiên cần phải làm đó chính là bước đánh giá, thẩm định giá trị tài sản sao cho đúng, cho đủ bởi một đơn vị độc lập và có đủ năng lực. Đây là khâu cực kỳ quan trọng, nếu khâu đánh giá, thẩm định giá trị tài sản không tốt thì rất dễ bán với giá rẻ và làm thất thoát tài sản của nhà nước. Sau đó, mới tiến hành mời thầu và tổ chức đấu thầu công khai nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính và kinh doanh… để vận hành tài sản đó làm sao để phát huy hết những thế mạnh vốn có và đem lại lợi ích không chỉ cho riêng DN mà còn cho cả nhà nước và người dân. Nhà nước cần phải công bố công khai cả quá trình đánh giá, thẩm định giá trị và đấu thầu để nhân dân biết và giám sát.

Khẩn trương bổ khuyết cơ chế, pháp luật để quản lý, giám sát

Một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, hiện nay khung pháp lý để quản lý tài sản cho từng loại hạ tầng chưa có hoặc có thì chưa thống nhất thì việc bán một số cơ sở hạ tầng thì liệu có tránh được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm không, thưa ông?

Đúng là hiện khung pháp lý cho vấn đề này chưa đầy đủ, theo tôi được biết, hiện nay khung pháp lý mới chỉ có quy định về quản lý, sử dụng và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, còn quy định chuyển nhượng hạ tầng giao thông đường hàng không đang chờ xây dựng. Việc ban hành các quy định thì cần có thời gian, theo đúng quy trình, thủ tục, chứ không thể làm trong ngày một, ngày hai được. Còn việc có lợi ích nhóm, hay lợi ích cá nhân hay không thì khó có thể đưa ra câu trả lời trong lúc này. Bởi, cái quan trọng nhất vẫn là giá trị tài sản, nếu giá trị tài sản đó được nhà nước đem bán đúng với giá trị thực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn có được vào việc tái đầu tư cho các lĩnh vực khác thì rõ ràng không thể nói là có lợi ích gì trong đó cả, còn khi anh bán tài sản dưới giá trị thực thì dư luận có lý do để nghi ngờ. Chính vì thế, điều quan trọng chính là phải công khai thông tin tài sản để nhân dân giám sát, chuyên gia, nhà khoa học góp ý. Nếu trong quá trình bán tài sản đó, có sai sót thì cần xử lý nghiêm và thông tin để dư luận và nhân dân cùng biết. Đó sẽ là cách để các nhóm lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm không có cơ hội để thu lợi bất chính từ việc bán những tài sản nhà nước này.

Việc chúng ta thiếu hẳn bộ khung pháp lý rõ ràng điều chỉnh những vấn đề phát sinh mới này dễ dẫn đến tiêu cực. Ông nghĩ sao về điều này? Những tai hại mà nền kinh tế có thể phải gánh chịu là gì, thưa ông?

Việc bán cổ phần, bán quyền khai thác đang có xu hướng diễn ra trên diện rộng. Nhưng đến nay mới chỉ có lĩnh vực hàng hải là có Nghị định 21/2012 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, trong đó quy định cụ thể việc bán quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển (từng phần hoặc toàn bộ). Ở lĩnh vực đường bộ thì có Nghị định 108/2009 và Nghị định 15/2015 của Chính phủ áp dụng cho các dự án PPP (hợp tác công – tư) song còn một số hạn chế, bất cập. Chính vì thế, việc bán cổ phần như vậy cần hết sức thận trọng, nếu nhà nước không chọn được DN đủ năng lực về nhân lực, tài chính, quản trị… thì hoạt động của các cảng biển, sân bay, đường cao tốc sẽ không hiệu quả và làm ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Nhưng đó mới chỉ xét về mặt kinh tế, còn dưới góc độ về an ninh quốc phòng, an ninh xã hội… thì sao thưa ông?

Tôi nghĩ, trước khi có ý định chuyển nhượng cổ phần của DNNN nào thì vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh xã hội là điều được nhà nước đặc biệt quan tâm và thận trọng. Phần nào trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng thì nhà nước sẽ không bao giờ chuyển nhượng hay bán cổ phần cả. Nhà nước chỉ bán phần khai thác, sử dụng, vận hành công trình, hạ tầng, tài sản, còn phần cấp phép, thu thuế, xuất nhập cảnh, kiểm soát an ninh,.. thì các cơ quan chức năng của Nhà nước vẫn chịu trách nhiệm. Những gì mà nhà nước không bắt buộc hay không cần thiết phải nắm giữ thì nên bán để tập trung vào những lĩnh vực cần có vai trò quản lý, điều tiết, tham gia của nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh cho các DN. Như vậy, tôi nghĩ việc chuyển nhượng cổ phần này chỉ dưới hình thức chuyển quyền khai thác, định đoạt phần tài sản kinh doanh, chứ không phải “mua đứt, bán đoạn” toàn bộ một công trình, dự án.

Một vấn đề khác cũng làm dư luận lo lắng, trước đây, số tiền khổng lồ có được từ quá trình cổ phần hóa DNNN chưa được thống kê cụ thể và hiệu quả sử dụng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu lần này nếu bán cổ phần cảng biển, sân bay, đường cao tốc… cho tư nhân thì số tiền thu được, theo ông phải quản lý, sử dụng như thế nào cho hiệu quả?

Việc thu chi tài sản của Nhà nước trong trường hợp này đều phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng chỉ như thế thì chưa đủ. Việc bán những tài sản dạng này cần có thêm cơ chế giám sát, thông tin công khai, minh bạch. Ví như: Tiền này anh chi vào việc gì, hết bao nhiêu? Mục đích để làm gì…? Rồi thông tin để nhân dân cũng biết, cùng giám sát. Tôi cho rằng, khi chúng ta chi tiền vào đúng mục đích, đúng cái cần làm thì nhân dân sẽ ủng hộ.

Cảng Hải Phòng (ảnh: internet)

 

Vừa qua, trên 1 số diễn đàn báo chí có đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nhiều đại gia Việt đang giàu nhanh, siêu giàu… nhưng lại đặt ra sự lo lắng về sự giàu có này lại không xuất phát từ khoa học công nghệ hay tạo ra sản phẩm… mà giàu từ bất động sản, khai thác tài nguyên, giàu từ buôn lậu… Từ thực tế này, nếu tài sản nhà nước đem bán không tính đúng, tính đủ thì sẽ giúp các Tập đoàn tư nhân đã giàu, lại càng giàu hơn. Ý kiến ông ra sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam có rất nhiều đại gia giàu nhanh vừa đáng mừng, lại vừa đáng lo. Mừng vì sau 30 năm đất nước đổi mới, Việt Nam đã thay “da đổi thịt”, từ một nước nghèo, lạc hậu đã vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, tốc độ phát triển kinh tế tương đối cao. Vì vậy, Việt Nam đã có nhiều đại gia giàu có là điều đương nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những đại gia giàu có này thì một bộ phận người dân vẫn còn rất nghèo, đó là sự phân hóa giàu nghèo không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển như: Mỹ, Đức, Canada… cũng phải đối mặt với vấn đề này. Còn các đại gia Việt không phải giàu vì khoa học công nghệ hay các sản phẩm do chính mình sản xuất ra… để đóng góp tương xứng cho xã hội thì lại do nhiều yếu tố. Không thể phủ nhận lý do giàu nhanh do họ đã tranh thủ chớp được những cơ hội chênh lệch siêu lợi nhuận trong giai đoạn đất nước chuyển đổi, hội nhập. Hệ thống luật pháp quá nhiều bất cập, cơ chế ưu đãi quá lớn của nhà nước để thu hút đầu tư,… chính là những nguyên nhân khiến cho một số người phất lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, chính những đại gia Việt này đã tạo rất nhiều công ăn việc làm cho lao động và đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế của Việt Nam.

Còn việc lo ngại việc bán tài sản nhà nước thì sẽ giúp các Tập đoàn tư nhân đã giàu, lại càng giàu hơn thì chỉ là cảm tính. Ai mua được tài sản không quan trọng bằng việc nó được bán với giá nào và mang lại hiệu quả cao hay thấp. Đã bán tài sản nhà nước, tức là cổ phần hoá, tư nhân hoá, nếu không phải là tư bản trong nước thì cũng vào tay tư bản nước ngoài. Không nên tư duy, nhà nước lại cứ phải bán tài sản cho doanh nghiệp nhà nước. Như vậy thì không có ý nghĩa và tác dụng thật sự, lâu dài. Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Don (thực hiện)

———–

Pháp lý (Diễn đàn) 13-4-2015:

http://phaply.net.vn/dien-dan/doi-thoai/xung-quanh-de-xuat-ban-co-phan-cang-bien-san-bay-duong-cao-toc-cong-khai-minh-bach-va-co-khung-phap-ly-day-du-de-tai-san-nha-nuoc-khong-bi-that-thoat.html

(2.272/2.272)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,449