68. Hiểu sai các quy định trong lĩnh vực ngân hàng – Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế.

Hiểu sai các quy định trong lĩnh vực ngân hàng – Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế.

(TCTM) – Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, trong đó nguyên nhân sâu xa là chế độ ta đã không thừa nhận nền kinh tế hàng hoá – thị trường trong một thời gian quá dài. Bài viết này chỉ đề cập đến một trong những nguyên nhân là, do hiểu sai các quy định về kinh tế, trong đó có quy định thuộc về lĩnh vực Ngân hàng.

Trên báo chí mấy năm gần đây, xuất hiện khá nhiều tin, bài của nhiều tác giả, nhận xét về việc áp dụng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Ngân hàng một cách thiếu cơ sở pháp lý. Khi có những hành vi cho thấy dấu hiệu xâm phạm, thất thoát tài sản, lại có nhận định đó là vi phạm pháp luật, thì dễ dẫn đến nguy cơ xử lý hình sự các quan hệ kinh tế.

Dưới đây là một số vấn đề thiếu chính xác, rất dễ dẫn đến nguy cơ quy chụp vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” hoặc tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

1. Đánh giá không chính xác về tính chất sở hữu của các Ngân hàng cổ phần:
  • Tạp chí Ngân hàng số chuyên đề tháng 6-1999 với chủ đề “Tăng cường phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng”, trong bài “Trách nhiệm của ban lãnh đạo các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong các vụ xảy ra thất thoát tài sản dưới góc độ sở hữu”, PGS, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Yêm (Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Phòng chống Ma tuý) đã viết: “Ban lãnh đạo các Ngân hàng thương mại cổ phần và Ngân hàng liên doanh được Nhà nước giao thực hiện quyền sở hữu tài sản thể hiện trên 3 mặt: quyền sở hữu, quyền định đoạt, quyền sử dụng đối với các tài sản (chủ yếu là tiền, vàng…)”. Như vậy, dưới con mắt của tác giả này, thì dường như các Ngân hàng cổ phần và liên doanh đều là doanh nghiệp Nhà nước, quản lý tài sản của Nhà nước (?!). Vậy, nếu xảy ra sai phạm, thất thoát thì chắc chắn sẽ bị xử lý khắt khe hơn lẽ thường.
  • Cũng Tạp chí Ngân hàng số chuyên đề nói trên, trong bài “Bàn về tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực hoạt động của ngân hàng”, Thạc sỹ Trần Đình Khiếu (Giảng viên Trường Đại học Cảnh sát) đã viết: “Ngân hàng cổ phần là hầu bao chứa tài sản của Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước chịu, lãi thì một số người chia nhau, các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thì thua lỗ, công nhân không có công ăn việc làm, Ban giám đốc đưa tiền đi góp cổ phần, đây là một hình thức rút tiền Nhà nước một tình trạng đáng báo động”. Nói như vậy thì khác nào bảo Ngân hàng cổ phần là Ngân hàng quốc doanh, nơi giữ hầu bao của Nhà nước, là nơi chuyên rửa tiền bẩn cho các quan chức, rồi góp vốn vào Ngân hàng cổ phần thì coi như mất (!?). Và như vậy, thì đáng bị xử lý hình sự hơn là việc xử lý kinh tế.
2. Đánh giá không chính xác về việc nhận tài sản bảo đảm tiền vay:
  • Tác giả Phan Lê (Hà Nội) trong bài “Một số nguyên nhân chính dễ dẫn đến nợ khó đòi cho các ngân hàng thương mại”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 11, tháng 11-2001 đã viết: Ngân hàng không được nhận tài sản của đảng làm tài sản bảo đảm tiền vay, vì là tài sản pháp luật cấm thế chấp, do: “Luật pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Tài sản của Đảng cộng sản Việt Nam là bất khả xâm phạm. Chi nhánh VCB – thành phố Hồ Chí Minh cho Tamexco vay, đã xiết nợ là khách sạn Đồi Sao và một số nhà là tài sản của Ban tài chính quản trị, Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý. Bởi vậy, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác việc Chi nhánh VCB thành phố Hồ Chí Minh xiết nợ tài sản đó”. Trong vụ án này, việc nhận thế chấp không được công nhận là do thủ tục, do thẩm quyền thế chấp không đúng pháp luật, chứ không phải do đó là tài sản cấm thế chấp. Tài sản của đảng hay là của ai đi chăng nữa, thì cũng là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
  • Nghiên cứu viên Dương Quỳnh Hoa, trong bài “Cầm cố tài sản – một biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ” đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2-2003 đã đề nghị: “sửa đổi các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế về phương thức cầm cố, vì theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì bên cầm cố bắt buộc phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố, việc quy định như vậy là trái với Bộ luật Dân sự”. Theo tôi, đây là một đề nghị thiếu chính xác, vì:
    • Thứ nhất: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế chỉ có quy định: “Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có quyền thoả thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế: thế chấp tài sản, cầm cố, bảo lãnh tài sản theo quy định của pháp luật” (Điều 5), mà không hề có quy định nào bắt buộc bên cầm cố “phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố”. Chỉ có Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có quy định như vậy. Tuy nhiên, Điều này đã bị Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm huỷ bỏ cách đó hơn 3 năm.
    • Thứ hai: Khái niệm về cầm cố tài sản trước kia cũng khác với quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo Bộ luật Hàng hải năm 1990 và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991, thì tàu thuỷ và tàu bay là các tài sản vừa có thể dùng để cầm cố lại vừa có thể dùng để thế chấp. Còn Điều 2, Nghị định số 17/HĐBT nói trên thì quy định “Thế chấp tài sản là dùng số động sản, bất động sản hoặc giá trị tài sản khác thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm tài sản cho việc thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết”. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự phân biệt rõ hai khái niệm cầm cố động sảnthế chấp bất động sản và bên cầm cố có thể không phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố (nếu tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu). Do vậy, việc Nghị định số 17/HĐBT (chứ không phải là Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế) có quy định, phải giao tài sản cầm cố, nhưng không phải giao tài sản thế chấp (bao gồm cả động sản), về thực chất cũng giống với quy định của Bộ luật Dân sự về một số trường hợp không cần giao tài sản cầm cố là động sản.
  • Cũng trong bài viết nói trên, tác giả Dương Quỳnh Hoa đã đề nghị: “sửa đổi Điều 9 và Điều 12, Quy chế thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng về việc quy định giới hạn mức cho vay bằng 70% giá trị tài sản cầm cố vì việc quy định như vậy là trái với quy định của Bộ luật Dân sự”. Đây cũng là một đề nghị thiếu chính xác, vì:
    • Thứ nhất: Quy chế Thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17-8-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hết hiệu lực từ 3 năm trước khi có đề nghị này, do đã có Thông tư số 06/2000/TT-NHNN1 ngày 04-4-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29-12-1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng) thay thế.
    • Thứ hai: Nếu Quy chế trên vẫn còn hiệu lực, thì giới hạn 70% trước đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho lĩnh vực Ngân hàng cũng hoàn toàn không có gì trái với Bộ luật Dân sự. Thay vì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trực tiếp, thì hiện nay đã giao cho các ngân hàng thương mại quyền chủ động quy định những giới hạn tương tự. Theo tôi, đây là một trong những biện pháp cần thiết và đúng pháp luật để bảo đảm sự an toàn cho hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
3. Đánh giá không chính xác về yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm tiền vay:
  • Mục Giải đáp pháp luật, Báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 10-8-2000 đã viết: Theo Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 03-7-1996 của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp Hướng dẫn về thủ tục cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản… thì “Hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh phải có chứng nhận của công chứng Nhà nước đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu và tài sản không đăng ký quyền sở hữu nhưng có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên”. Ngày 21-9-2001, ông Cao Thắng, Chánh Toà Kinh tế- Toà án Nhân dân Tối cao cũng khẳng định như vậy tại lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tại Học viện Ngân hàng. Trong khi đó, quy định về việc phải công chứng nói trên đã hết hiệu lực từ sau khi có Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29-12-1999 của Chính phủ về Bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
  • Mục Giải đáp pháp luật của Báo Pháp luật ngày 13-11-2000 và tác giả Trần Ngọc Minh (Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP HCM) trong tập Tài liệu Hội thảo “Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động Ngân hàng ở Việt Nam trong điều kiện thực hiện Hiệp định thương mại Việt Mỹ và hội nhập”, diễn ra tại Hà Nội ngày 02-8-2002 đã viết: Theo các Điều 346, 347, 359 của Bộ luật Dân sự, Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 về Giao dịch bảo đảm và Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10-3-2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, thì “việc thế chấp tài sản phải có chứng thực của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền thì mới là hợp pháp”. Thực ra, các văn bản trên không hề quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cầm cố, thế chấp. Việc công chứng hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh được quy định tại các văn bản khác, đó là tại Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự năm 1991; tại Bộ luật Hàng hải năm 1991 (đối với tàu biển); tại Điều 2, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-01-1990 của Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và tại Quy chế Thế chấp, cầm cố và bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17-8-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhưng Bộ luật Dân sự đã thay thế Pháp lệnh Hợp đồng dân sự; sau đó Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19-11-1999 và Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29-12-1999 nói trên đã bãi bỏ Điều 2, Nghị định số 17-HĐBT và Quyết định số 217/QĐ-NHNN. Do đó, chỉ có cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tàu biển là phải công chứng, chứng thực (theo Bộ luật Hàng hải), còn các giao dịch bảo đảm khác đều không bắt buộc.
  • Cũng tác giả Dương Quỳnh Hoa trong bài “Cầm cố tài sản – một biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ” nói trên đã đề nghị: “sửa đổi quy định về hình thức hợp đồng cầm cố tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế vì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quy định hợp đồng cầm cố bắt buộc phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước trong khi theo BLDS thì việc này lại không mang tính bắt buộc”. Trước đó, tác giả đã nhận định: “Việc quy định như vậy của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế là trái với quy định của BLDS”. Đây cũng là một đề nghị sai pháp luật. Ngoài lý do như đã phân tích ở trên, còn có hai lý do dưới đây:
    • Thứ nhất: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế chỉ có quy định: “Các bên ký kết có quyền yêu cầu làm chứng thư hợp đồng kinh tế tại cơ quan công chứng” (Điều 6), mà không hề có quy định nào bắt buộc hợp đồng cầm cố“phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước”.
    • Thứ hai: Nếu Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có quy định bắt buộc phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước, thì cũng không có gì là “trái với quy định của BLDS”(cũng tương tự như quy định tại khoản 2, Điều 29, Bộ luật Hàng hải về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng cầm cố tàu biển) vì Bộ luật Dân sự cũng đã “cho phép” rất rõ ràng tại đoạn 2, Điều 133: “Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải được Công chứng nhà nước chứng nhận, được chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép, thì phải tuân theo các quy định đó”.
  • Tác giả Hiếu Hạnh, trong bài “Cần hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch bảo đảm” đăng trên Báo Pháp luật ngày 27-11-2003 cũng đã viết: Một số quy định về cầm cố, thế chấp, bảo lãnh trong Nghị định số 17/HĐBT ngày 16-01-1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 mâu thuẫn với các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, như: Buộc bên nhận cầm cố phải giữ tài sản cầm cố, hợp đồng cầm cố bắt buộc phải có chứng nhận của Công chứng. Nhưng như phân tích ở trên, ở đây không hề có sự mâu thuẫn, vì Nghị định điều chỉnh về vấn đề này đã hết hiệu lực từ lâu rồi.
4. Đánh giá không chính xác về quyền ưu tiên thanh toán nợ của các Ngân hàng:
  • Tác giả Lê Anh Tuấn, (Cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp) trong bài viết “Bảo đảm thanh toán nợ cho người nhận thế chấp tài sản trong thi hành án dân sự“, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 2, tháng 1-1999 thì cho rằng: Ngân hàng không được ưu tiên thanh toán nợ đối với các khoản nợ có tài sản bảo đảm, vì: “Tài sản thế chấp cho Ngân hàng cũng phải được nhập chung vào khối tài sản còn lại của doanh nghiệp và thanh toán theo thứ tự quy định tại Điều 39, Luật Phá sản doanh nghiệp”. Tác giả nhận định như vậy, thì khác nào biến khoản nợ có bảo đảm thành nợ không có bảo đảm. Tác giả đã không căn cứ vào những quy định khác của Luật Phá sản doanh nghiệp, theo đó chủ nợ có tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh được ưu tiên thanh toán trước tất cả các khoản nợ khác.
5. Đánh giá không chính xác về vấn đề uỷ quyền của Ngân hàng:
  • Luật Trịnh Ngọc Khánh (Trưởng Ban Thư ký – Pháp chế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong bài “Về người được quyền nhân danh NHNo & PTNT VN ký kết Hợp đồng kinh tế và tham gia tố tụng” trên Tạp chí Ngân hàng số 5, tháng 5-2000, đã viết: Tổng Giám đốc không được uỷ quyền cho Giám đốc Chi nhánh để Giám đốc uỷ quyền lại cho Phó Giám đốc ký Hợp đồng tín dụng, vì pháp luật Hợp đồng kinh tế không có chế định uỷ quyền lại, do đó Tổng Giám đốc phải uỷ quyền trực tiếp cho từng chức danh. Nói như vậy, thì rất nhiều Hợp đồng tín dụng bị vô hiệu vì không được uỷ quyền đúng pháp luật. Nếu trường hợp, Hợp đồng tín dụng cụ thể được xác định là một Hợp đồng kinh tế và ở trong thời điểm trước khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực thì đúng là như vậy. Nhưng Hợp đồng tín dụng lại có thể là Hợp đồng kinh tế hoặc có thể là Hợp đồng dân sự, nên nhận định này là không chính xác. Và đặc biệt, từ ngày 1-7-1996 trở đi, thì quy định về uỷ quyền của Bộ luật Dân sự (một văn bản pháp luật nền tảng cho các giao dịch kinh tế, dân sự), mặc nhiên được áp dụng cho cả các Hợp đồng kinh tế.
  • Tác giả Thái Nguyên Toàn (Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam), trong bài “Uỷ quyền tham gia tố tụng tại Toà án đối với các vụ án kinh tế, dân sự – Những vấn đề bất cập” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 7-2002, đã viết: Việc Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam uỷ quyền tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng cho Giám đốc, Phó Giám đốc các Chi nhánh, Trưởng phòng Chi nhánh cấp 1, Trưởng Phòng Giao dịch và chuyên viên pháp chế, chế độ “là việc uỷ quyền tràn lan không đúng theo quy định của pháp luật”. Vì người đứng đầu cơ quan chỉ được uỷ quyền cho “cấp phó có quyền năng pháp lý sau mình”. Nếu như vậy, thì chẳng lẽ lâu nay, các Ngân hàng đều làm sai và các cơ quan pháp luật vẫn chấp nhận việc uỷ quyền sai pháp luật? Thực ra, tác giả đã vô cớ hạn chế phạm vi uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đi ngược lại quy định của Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, Tổng Giám đốc Ngân hàng được uỷ quyền cho bất kỳ người nào, kể cả người ngoài Ngân hàng.
6. Đánh giá không đúng về tính chất pháp lý của Hợp đồng tín dụng:
  • Tác giả Vĩnh Thái (Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Thọ), trong bài “Về giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng ngân hàng” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 19, tháng 9-1998 và Luật sư Phạm Thanh Bình (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) giải đáp pháp luật trên Thời báo Ngân hàng số 55, ngày 8-12-1998 đã viết: “Cá nhân có đăng ký kinh doanh mà không phải là doanh nghiệp tư nhân (theo quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân) thì dù họ có ký hợp đồng với mục đích sản xuất kinh doanh thì đó cũng chỉ là Hợp đồng dân sự chứ không phải là Hợp đồng kinh tế”. Điều này chỉ đúng trong một giai đoạn ngắn, từ sau khi có Công văn số 442/KHXX ngày 18-7-1994 và Công văn số 11/KHXX ngày 23-01-1996 của Toà án Nhân dân Tối cao (giải thích cá nhân có đăng ký kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân). Còn trước đó, Thông tư số 11/TT-TTKT ngày 23-5-1992 của Trọng tài Kinh tế Nhà nước và sau đó là Thông tư liên tịch số 04/TTLT/TA-VKS ngày 26-8-1996 của Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khẳng định: Cá nhân có đăng ký kinh doanh được hiểu là bao gồm cả cá nhân có giấy phép kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể);
  • Tạp chí Ngân hàng số 14, tháng 7-1998, có bài “Hợp đồng tín dụng: Kinh tế hay dân sự?“, tác giả Mai Anh đã viết: Trước kia “Hợp đồng tín dụng được liệt vào nhóm Hợp đồng kinh tế”. Còn từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực thì “Với mục 4, chương II: “Hợp đồng vay tài sản”, Bộ luật Dân sự đã mặc nhiên công nhận Hợp đồng tín dụng là một Hợp đồng dân sự“. Ngược lại, Luật Trịnh Ngọc Khánh trong bài “Về người được quyền nhân danh Ngân hàng NHNo & PTNT VN ký kết Hợp đồng kinh tế và tham gia tố tụng” nói trên, thì lại cho rằng: Hợp đồng tín dụng có “bản chất pháp lý là Hợp đồng kinh tế.

Theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, nay là Bộ luật Dân sự, thì chưa bao giờ Hợp đồng tín dụng chỉ là Hợp đồng kinh tế và ngược lại, cũng không thể cho rằng Hợp đồng tín dụng chỉ là Hợp đồng dân sự. Tuỳ theo từng đối tượng khách hàng và mục đích vay vốn mà Hợp đồng tín dụng có thể là Hợp đồng kinh tế hay Hợp đồng dân sự.

Việc áp dụng pháp luật để xem xét, xử lý sẽ bị sai lầm, nếu trong những trường hợp thông thường nhất đã không xác định được Hợp đồng tín dụng là Hợp đồng kinh tế hay là Hợp đồng dân sự.

***

Quan điểm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn trên báo chí đã thiếu chính xác như thế, thì trên thực tế, chắc chắn còn xảy ra sự nhầm lẫn phổ biến hơn nữa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành động hình sự hoá quan hệ kinh tế.


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài đã được Tạp chí Thương mại (Bộ Thương mại) đăng số 25/7-2004 và Thông tin Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) đăng số 6+7/2004 (đều tự lấy):

Bài viết tham gia Hội thảo hình sự hoá quan hệ kinh tế dân sư do Bộ Tư pháp tổ chức

Hà Nội 01-2004

(3.894)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,855