(TN) – Không chỉ bày ra “ma trận” phí, không ít ngân hàng đang tận dụng mọi “chiêu trò”, kẽ hở để ăn chặn, móc túi người dùng thẻ.
Minh họa: DAD |
Với lợi thế công nghệ, kinh nghiệm bán lẻ, các ngân hàng (NH) ANZ, HSBC… hay tổ chức phát hành thẻ lớn Visa, Master đang chiếm lĩnh thị trường thẻ VN. Đáng nói là một số NH tận dụng tối đa các kẽ hở, chiêu trò gây thiệt hại quyền lợi của khách hàng.
“Ăn chặn” phí duy trì tài khoản
Chị Q. (Hà Nội) phản ánh, ngày 20.3 chị có mở một tài khoản giao dịch ở NH A. Trước khi mở, nhân viên NH thông báo phải duy trì số dư trung bình hằng tháng tối thiểu tính trên tất cả các tài khoản (tổng số dư) 50 triệu đồng hoặc 2.500 USD, nếu không sẽ bị trừ 200.000 đồng. Sợ bị trừ tiền nên chị Q. phải nạp ngay 50 triệu đồng vào tài khoản. Thế nhưng, đến chiều 7.4 tin nhắn điện thoại vẫn thông báo trừ 200.000 đồng khi số dư tài khoản của chị vẫn đủ 50 triệu. Khi gọi điện cho nhân viên để khiếu nại, chị được giải thích nguyên nhân trừ vì mỗi tháng khách hàng phải trả 200.000 đồng phí duy trì tài khoản. “Thế tức là cứ khách hàng nào mở tài khoản là sẽ bị thu 200.000 đồng, trừ các khách hàng mở đúng ngày 1 của tháng. Rõ ràng là ăn chặn của khách hàng còn gì nữa. Từ lúc mở tài khoản tôi luôn duy trì số dư 50 triệu thế mà còn bị ăn chặn 200.000 đồng”, chị Q. bức xúc.
|
Số tiền ít nhưng không bằng lòng với cách cung cấp dịch vụ của NH, chị Q. tiếp tục khiếu nại qua tổng đài, cho rằng thẻ mình mở mới được hơn 10 ngày, chưa được 1 tháng, không thể tùy tiện tính toán rồi tự động trừ tiền như vậy. “Nhân viên nói sẽ báo cáo sếp trường hợp này. Tôi bức xúc truy tới cùng thì sau đó họ hứa sẽ trả lại tiền. Thật quá vô lý”, chị Q. phản ánh.
Anh N.X.V (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết mở thẻ tín dụng Visa hạng vàng tại HSBC. Hằng tháng vẫn thanh toán đều đặn số dư, nhưng có 1 tháng đi công tác bị quá hạn 1 ngày, lập tức toàn bộ hơn 50 triệu đồng số dư trong tài khoản anh đã chi tiêu trong tháng bị biến thành khoản vay với lãi suất lên tới gần 30%/năm. Chưa hết, anh còn phải trả thêm chi phí chậm thanh toán bằng 4% khoản nợ tối thiểu.
So với mặt bằng lãi suất huy động bình quân 4 – 5%/năm, lãi suất cho vay hơn 10%/năm hiện nay, anh V. chua xót: “Tháng nào tôi cũng phải trả cả lãi và tiền chậm nộp hơn 1,2 triệu đồng. Phạt khách hàng khủng khiếp thế này thì ai dám dùng thẻ tín dụng nữa”.
Khách hàng đang phải chịu nhiều loại phí vô lý khi dùng thẻ tín dụng – Ảnh: Anh Vũ |
Lãi phạt “cắt cổ”
Nhìn vào biểu phí công bố hiện nay tại một số NH không ít khách hàng choáng váng.
Tại ANZ, mức phí sao kê tài khoản được tính theo trang như: sao kê trong vòng 12 tháng 20.000 đồng hoặc 1 USD/trang; trước 12 tháng 40.000 đồng hoặc 10 USD/trang. Tiếp đến dịch vụ xác nhận số dư hoặc thông tin tài khoản 200.000 đồng hoặc 10 USD trong vòng 2 ngày làm việc. Muốn nhanh hơn, tức trong vòng 1 ngày làm việc 300.000 đồng hoặc 15 USD. Tra soát giao dịch tài khoản 300.000 đồng hoặc 15 USD. Báo có/báo nợ nhận tại NH 20.000 đồng hoặc 1 USD/trang…
Tại HSBC biểu phí cũng thông báo rõ nếu không thanh toán số dư trên tài khoản trước ngày đáo hạn mỗi tháng, toàn bộ số này sẽ bị phạt lãi suất. Cụ thể: thẻ Visa Bạch kim 27,8%/năm, thẻ Visa Vàng 28%/năm và Bạch kim 31,2%/năm.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế NH (thuộc Hiệp hội NH VN), Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho biết, bản thân ông cũng đã từng là nạn nhân của các nhà băng khi sử dụng thẻ tín dụng. “Một loạt các loại phí và lãi suất cao chót vót không giống ở đâu mà họ cũng ban hành. Tôi mở được một thời gian cũng phải đóng thẻ lại”, luật sư Đức nói. Liên quan đến vụ NH A. thu phí 200.000 đồng của chị Q, theo luật sư Đức, NH đã cố tình bởi việc trừ tiền duy trì phải đủ 30 ngày và tính từ ngày khách hàng mở thẻ là 20.3 chứ không phải tính từ đầu tháng. “Nếu họ không trả tiền có thể khiếu nại lên NHNN, thậm chí khởi kiện ra tòa”, ông Đức khẳng định.
Trong khi đó, một lãnh đạo NH thương mại cổ phần tại Hà Nội thừa nhận, hiện nay các NH thường đưa ra biểu phí nhưng lại không bao gồm các khoản phí có thể phát sinh. Rất nhiều các dịch vụ không được nêu tại biểu phí sẽ được cung cấp với mức phí tương ứng được thông báo tại thời điểm có yêu cầu. “Các NH có điều luật riêng nhưng không bao giờ thông báo cụ thể chi tiết cho khách hàng. Điều này rất cấm kỵ đối với các quốc gia phát triển vì nó liên quan đến sự công khai, minh bạch và quyền lợi thiết thân của khách hàng”, lãnh đạo này nói.
Anh Vũ
———–
Thanh niên (Kinh tế) 13-4-2015:
http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/ngan-hang-moc-tui-nguoi-dung-the-551154.html
(148/1.046)