682. Chung tay xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Giới hạn quyền đại diện có quá chặt?

(PLXH) – “Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng đã theo hướng ghi nhận không chỉ vai trò của Tòa án mà còn ghi nhận cả vai trò của trọng tài trong khi đó Dự thảo BLDS chỉ ghi nhận vai trò của Tòa mà không đề cập tới vai trò của trọng tài liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng”, trọng tài viên Đỗ Văn Đại, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC góp ý vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Quy định đại điện theo pháp luật của pháp nhân chưa phù hợp

Khoản 2, Điều 152 về “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân” qui định: “2. Pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật thì mỗi người có quyền đại diện cho pháp nhân phù hợp với quyền, nghĩa vụ của mình; trường hợp điều lệ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền không xác định rõ thẩm quyền của mỗi đại diện theo pháp luật thì giao dịch dân sự đó được coi là thực hiện đúng thẩm quyền.”

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, quy định mỗi người đại diện theo pháp luật có quyền đại diện cho pháp nhân phù hợp với quyền, nghĩa vụ của mình được xác định rõ theo điều lệ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ là một rủi ro pháp lý rất đáng ngại cho các đối tác giao dịch. Vì như vậy thì đồng nghĩa với việc đòi hỏi các đối tác phải biết rõ thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Trong khi không có cơ sở để xác định chắc chắn đâu là điều lệ hiện hành và chính xác của pháp nhân. Đây hoàn toàn là công việc nội bộ của pháp nhân, vì vậy pháp nhân phải chịu trách nhiệm đối với việc xác lập, thực hiện giao dịch của nhân viên mình nói chung, của người đại diện theo pháp luật nói riêng.

Do đó, LS Đức kiến nghị sửa đổi khoản trên như sau: “2. Pháp nhân có nhiều đại diện theo pháp luật thì giao dịch dân sự do bất kỳ người đại diện nào thực hiện đều được coi là đúng thẩm quyền”. Theo LS Đức, Điều 153 quy định “người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền” là việc chỉ đích danh một cá nhân ủy quyền, tuy không sai nhưng không đúng bản chất của vấn đề. Nhất là tại khoản 2 và khoản 3 dưới đó lại đề cập đến việc pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, pháp nhân và các đối tượng khác.

Giới hạn quyền đại diện quá chặt!

Đồng thời quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 155 là không phù hợp với các trường hợp đại diện thường xuyên, liên tục trong pháp nhân, chỉ chấm dứt khi có văn bản khác thay thế hoặc có quy định của pháp luật, không thể hết hạn trong 1 năm. Do đó, LS Đức kiến nghị: “1. Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật.Trường hợp không có văn bản ủy quyền, quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc quy định cụ thể thì thời hạn đại diện được xác định theo các căn cứ sau đây: a) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 1 năm kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện; b) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó; c) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 1 năm kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện, trừ đại diện trong phạm vi pháp nhân.”

Còn tại điểm c, khoản 1, Điều 157 về “Giới hạn quyền đại diện”, LS Đức cho rằng quy định này là quá chặt chẽ, với đồng thời 2 điều kiện “Giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện vì lợi ích của bên được đại diện” và “được người giám sát việc đại diện hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Vì vậy, cần thay chữ “và” bằng chữ “hoặc”, hoặc là tách điểm trên thành 2 điểm khác nhau.

Hội thảo của trung tâm trọng tài quốc tế góp ý vào BLDS (Sửa đổi).    Ảnh: TL

Dự thảo “bỏ quên” qui định về trọng tài?

Đánh giá Dự thảo có sự tiến bộ trong việc cho phép điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh đã thay đổi từ thời điểm hợp đồng được giao kết đến thời điểm thực hiện, nhưng trọng tài viên Đỗ Văn Đại, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC cho rằng, qua đối chiếu với thực tiễn tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm nước ngoài, cần bổ sung thêm quy định về vai trò của trọng tài cũng như trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng điều chỉnh lại hợp đồng.

Cụ thể, ông Đại đề nghị sửa khoản 1 Điều 443 thành: “1. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. Các bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình trong quá trình thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng”.

Tại khoản 3, Điều 443, Dự thảo quy định “Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì tòa án có thể: a) Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do tòa án quyết định; b) Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tùy theo từng trường hợp, tòa án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại”. “Ở đây, Dự thảo cũng chỉ đề cập tới vai trò của Tòa án mà không đề cập tới vai trò của trọng tài. Sự bỏ quên nêu trên sẽ dẫn tới bất cập trong quá trình vận dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài”, ông Đại phân tích.

Theo ông Đại, Điều 6 Luật trọng tài thương mại năm 2010 qui định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Với quy định này, Tòa án sẽ phải từ chối giải quyết khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài nên Tòa án không thể áp dụng các quy định về điều chỉnh lại hợp đồng.

Còn về phía trọng tài, thỏa thuận trọng tài trao cho trọng tài thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên cơ sở khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài”. Tuy nhiên, nếu các quy định của Dự thảo BLDS được thông qua, trọng tài lại không có thẩm quyền điều chỉnh lại hợp đồng vì quy định này chỉ đề cập tới vai trò của Tòa án mà không đề cập tới vai trò của trọng tài. “Điều đó cũng có nghĩa là, với quy định của Dự thảo, khi các bên có thỏa thuận trọng tài (phổ biển trong kinh doanh thương mại), không ai có thẩm quyền giải quyết vấn đề điều chỉnh lại hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi”, ông Đại nói.

Ông Đại cũng dẫn chứng từ Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng. Cụ thể, Điều 6:11 của Bộ nguyên tắc cũng quy định về vấn đề tương tự như Điều 443 Dự thảo BLDS và tại khoản 3 đã quy định “trường hợp các bên không có thỏa thuận trong thời hạn hợp lý, tòa án có thể quyết: (a) chấm dứt hợp đồng ở thời điểm và ở điều kiện mà tòa án ấn định, (b) hay điều chỉnh hợp đồng bằng việc phân bổ giữa các bên một cách công bình những mất mát, lợi nhuận phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh”. Ở đây, điều luật đề cập tới vai trò của “Tòa án” và thuật ngữ “Tòa án” đã được lý giải tại khoản 2 Điều 1:301 theo đó “thuật ngữ Tòa án cũng được áp dụng cho Tòa án trọng tài”. Nói cách khác, chủ thể được can thiệp để điều chỉnh lại hợp đồng không chỉ là Tòa án mà còn có thể cả trọng tài.

Như vậy, theo ông Đại, Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng đã theo hướng ghi nhận không chỉ vai trò của Tòa án mà còn ghi nhận cả vai trò của Trọng tài trong khi đó Dự thảo BLDS chỉ ghi nhận vai trò của Tòa mà không đề cập tới vai trò của trọng tài liên quan đến việc điều chỉnh lại hợp đồng. “Hướng như Dự thảo sẽ tạo ra bất cập khi các bên có thỏa thuận trọng tài như đã trình bày ở trên. Theo chúng tôi, bên cạnh vai trò của Tòa án, Dự thảo cần bổ sung ghi nhận vai trò của trọng tài. Cụ thể, đối với những quy định như nêu trên trong Dự thảo, bên cạnh thuật ngữ “Tòa án”, chúng ta cần bổ sung thêm từ “trọng tài”. Với việc bổ sung như vừa nêu, hai chủ thể này sẽ xác định có tồn tại sự thay đổi hoàn cảnh hay không và, nếu có sự thay đổi hoàn cảnh, cách thức điều chỉnh hợp đồng như thế nào cho thỏa mãn “lẽ công bằng” (đã được Dự thảo ghi nhận) nếu họ không quyết định chấm dứt hợp đồng”, ông Đại góp ý.

Phương Thảo (lược ghi)

——————

Pháp luật & Xã hội (Pháp luật) 26-3-2015:

http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/gioi-han-quyen-dai-dien-co-qua-chat-89018

(695/1.787)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,821