682. Khống chế cổ tức ngân hàng, NHNN có phạm luật?

(ANTT) – Thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khống chế mức chi trả cổ tức được đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Xung quanh vấn đề này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức –Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng.

Việc tỷ lệ chi trả cổ tức bị khống chế mở mức 4%, khiến nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Nam A Bank bức xúc

Ngày 17/04, tại ĐHĐCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Nam Á năm 2015, ông Ngô Trần Phước Vũ, thành viên HĐQT ngân hàng này cho biết, lãnh đạo Nam A Bank muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn nhưng không được chấp thuận và NHNN chỉ cho chia cổ tức thống nhất ở 4%.

Trước đó, tại đại hội cổ đông của VIB, LienVietPostBank, lãnh đạo những nhà băng này cũng cho biết có việc NHNN hạn chế chi trả cổ tức ở mức 9%.

Thông tin tỷ lệ chi trả cổ tức bị cơ quan quản lý khống chế mức trần đã khiến không ít nhữngnhà đầu tư cảm thấy ức chế.

Chúng tôi đầu tư vào ngân hàng để lấy lợi nhuận nhưng mức lợi nhuận 4% không bằng lãi suất ngân hàng và cũng không bằng mức lạm phát, vậy ban lãnh đạo quản lý nguồn tiền của chúng tôi như thế nào?“; “Chúng tôi đầu tư tiền vào ngân hàng, ngân hàng chia cổ tức cho chúng tôi là việc của chúng tôi với nhau. Việc NHNN can thiệp là điều vô lý vì đây là doanh nghiệp cổ phần và chúng tôi cần NHNN cho biết lý do vì sao, dựa vào luật nào“, nhiều cổ đông nhỏ lẻ của Nam A Bank bức xúc bày tỏ với báo chí.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA).

Theo vị Luật sư có gần 20 năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Pháp chế cho nhiều NHTM này thì động thái khống chế trên của NHNN dựa vào “một cái quy định rất là chung chung, rất là mơ hồ rằng trong trường hợp cần thiết thì có thể can thiệp”; nhưng, “nếu thế thì phải hiểu chặt theo một nguyên tắc chung, đấy là cơ quan nhà nước và các công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép” – ông nói.

 Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng

Theo Luật sư Đức, việc can thiệp hành chính là hợp lý, hợp lệ trong những trường hợp cần thiết ví dụ như lãi suất cao quá, mất an toàn, mất khả năng chi trả,… “Chứ còn bây giờ, nếu hiểu theo cái nghĩa như đang giải thích thì tất tật mọi thứ trên đời đều có thể can thiệp được vào thì nó cũng sẽ không đúng. Trong khi đó; Luật Doanh nghiệp cũng như Luật các TCTD đã quy định rất rõ về việc quyết định chi trả (cổ tức – PV) bao nhiêu, chi trả như thế nào. Việc chi trả cổ tức là thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông”, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng lý giải.

Thêm vào đó, theo ông Đức, nếu như bài bản ra, NHNN vẫn can thiệp nhưng có thể lựa chọn những cách can thiệp hợp tình, hợp lý và bớt “thô bạo” hơn. Cụ thể, thứ nhất, NHNN có thể lựa chọn cách khuyến nghị, khuyến cáo hay đề nghị chứ không nên “bắt buộc”, “ép buộc”; thứ 2 là can thiệp bằng một cách rất đúng luật và cũng rất hợp lý, “ví dụ như là ngân hàng MB hay ngân hàng nào đó, họ hoàn toàn có thể trả cổ tức 12% thì không có cớ gì ép họ trả 9% và ngược lại, có những ngân hàng chỉ trả được 1% thì kể cả muốn 2% cũng không được; vậy, lúc đấy sẽ can thiệp bằng cách gì? Phải nhắc nhở, phải chấn chỉnh rằng ông hạch toán như thế là không đầy đủ, không chính xác, dự phòng trích không hợp lý, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ… thì do đó, buộc người ta phải xem xét. Và trên thực tế, NHNN nắm rất chắc về việc các TCTD trích lập dự phòng đúng hay không, nợ xấu là bao nhiêu, khoản nào có vấn đề… Như vậy, thông qua những biện pháp đó, tình hình sẽ được giải quyết một cách hợp lý, khiến người ta tâm phục khẩu phục; đồng thời, nó không gây ra một cảm giác về sự can thiệp hành chính vào nội bộ doanh nghiệp, can thiệp trái luật và can thiệp sâu quá”.

Luật sư kiêm Trọng tài viên của VIAC cũng khẳng định “sự can thiệp là cần thiết” nhưng “vấn đề là phải can thiệp như thế nào chứ can thiệp như thế này thì tôi thấy là không hợp lý”. Bởi, “nói thật ra, chuyện chi trả cổ tức cao hay thấp nó đâu có ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Suy diễn như thế thì nó quá xa xôi, quá mơ hồ, quá gián tiếp” – ông Đức nói.

Trở lại trường hợp của Nam A Bank, Luật sư Đức cho biết, khi NHNN đã khống chế “trần” cổ tức ở mức 4%, nếu muốn được chia cho các cổ đông nhỏ lẻ ở mức 9% thì ngân hàng phải biết cân đối phù hợp, “ví dụ có 100 tỷ để chia cổ tức chẳng hạn thì thay vì chia đều 4%, ông có thể bên này nâng lên một chút, bên kia hạ đi một chút để tổng số đảm bảo trong giới hạn thì may ra còn có lý”.  

“Tất nhiên, nếu chia như vậy thì về luật nó cũng lại nảy sinh một số vấn đề, bởi luật đã nói rằng các cổ phiếu, cổ phần cổ đông thì quyền lợi như nhau. Tuy nhiên khi mà đại hội đồng cổ đông quyết định thông qua thì vẫn có thể chấp nhận”.

Kết luận vấn đề, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc can thiệp như đã nói của NHNN là hoàn toàn có thể chấp nhận nhưng vấn đề là can thiệp thế nào; “Thay vì chuyện can thiệp quá mức cần thiết, không phù hợp với thẩm quyền và quy định của Luật thì NHNN nên lựa chọn một cách can thiệp gián tiếp, hợp lý và mềm dẻo hơn”, ông nhắc lại.

Liên quan đến việc NHNN can thiệp vào mức chia cổ tức của ngân hàng, phát biểu tại đại hội đồng cổ đông của  Nam Á, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng TPHCM, nói rằng: cơ sở pháp lý để NHNN can thiệp vào việc chia cổ tức của các ngân hàng thương mại là khoản 2, điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quy định nêu rõ: tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, NHNN có thể áp dụng một số số biện pháp xử lý với ngân hàng, trong đó có việc hạn chế chia cổ tức.

Theo đó, ông Dũng khẳng định, NHNN không vượt quyền trong việc can thiệp nói trên. Ngoài ra, trong hai năm gần đây, NHNN có thông tư 02 yêu cầu các ngân hàng triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng nợ xấu, và giữ lại một phần lợi nhuận để đảm bảo nâng cao năng lực tài chính.

Ninh Giang

———–

An ninh Tiền tệ (Tài chính Ngân hàng) 20-4-2015:

http://antt.vn/khong-che-co-tuc-ngan-hang-nhnn-co-pham-luat-018384.html

(820/1.362)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,454