683. Bảo hiểm Xuân Thành không thể thoái thác trách nhiệm với khách hàng

(TBDN) – Liên quan đến vụ việc công ty cổ phần Hoàng Thịnh (Thanh Hóa) “tố” Bảo hiểm Xuân Thành chây ỳ việc giải quyết thân tàu Hoàng Thịnh 17.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Tuy nhiên, theo công văn trả lời của XTI với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thì do vụ tổn thất tàu không thuộc trách nhiệm bảo hiểm của XTI nên công ty có quyền từ chối bồi thường.

Để làm rõ vấn đề này, PV Thời Báo Doanh Nhân đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam – VIAC), người đã có trên 27 năm kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế – ngân hàng, bảo hiểm.

– Căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vụ việc cùng với kinh nghiệm đã tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực kinh tế – ngân hàng, bảo hiểm. Ông hãy cho biết, bên nào đúng bên nào sai?

– Dựa vào những hồ sơ tôi được xem qua, tôi có thể nhận định như sau:

Thứ nhất: Xét về khía cạnh pháp lý thì chưa xác định rõ được công ty Hoàng Thịnh đúng hay bên công ty bảo hiểm Xuân Thành đúng, bởi quan trọng nhất đối với việc bồi thường tiền bảo hiểm nằm ở chỗ thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực hay không.

Điều 15 về “Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm”, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:

  1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.
    2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm.”

Theo tôi, trong tình huống này thì bên phía Công ty bảo hiểm Xuân Thành (người bảo hiểm) đang ở thế chủ động. Bên phía công ty Hoàng Thịnh (người được bảo hiểm) có nguy cơ bị thiệt hại do người bảo hiểm gửi các công văn chấp thuận, hay công văn yêu cầu cho công ty Hoàng Thịnh đều rất mập mờ, dễ gây hiểu nhầm.

Ví dụ như công văn trả lời số 18/2014/CV-XTI-THO về việc chấp nhận cho công ty Hoàng Thịnh nộp phí bảo hiểm theo đúng điều 4, mục 4.3 (thời hạn thanh toán phí) hợp đồng bảo hiểm số 13/16/01/0703/0001 giữa công ty Hoàng Thịnh và công ty bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa.

Công văn này mập mờ ở chỗ dù đồng ý gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm cho bên người được bảo hiểm, nhưng lại ghi rõ “trong quá trình nộp phí, nếu công ty Hoàng Thịnh nộp chậm phí bảo hiểm thì hiệu lực bảo hiểm sẽ có hiệu lực kể từ ngày công ty Hoàng Thịnh nộp phí. Mọi phát sinh rủi ro trước ngày nộp phí, công ty Hoàng Thịnh chịu hoàn toàn trách nhiệm trước công ty và pháp luật”.

Như vậy, có thể bên công ty Hoàng Thịnh hiểu là không chấp thuận cho công ty Hoàng Thịnh được gia hạn nộp phí bảo hiểm mà chỉ thỏa thuận là nộp phí bảo hiểm từ ngày nào thì bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày đó.

Chính vì thế, dù trong công văn xin gia hạn đóng phí bảo hiểm số 28/03/2014-HT của công ty Hoàng Thịnh có ghi là chậm nhất ngày 15/4/2014 là phải hoàn thành xong phí bảo hiểm kỳ 4, nhưng do hiểu là bên phía bảo hiểm Xuân Thành thỏa thuận nộp phí bảo hiểm từ ngày nào thì bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày đó, cộng với nguồn tài chính khó khăn nên đến ngày 16/4/2014 bên phía công ty Hoàng Thịnh mới hoàn thành việc đóng phí bảo hiểm.

Thứ hai: Công ty Hoàng Thịnh cũng có quyền được hưởng quyền lợi của mình khi đã tham gia hợp đồng bảo hiểm. Bởi theo hợp đồng bảo hiểm tàu Hoàng Thịnh 17 thì số tiền đóng phí chia thành 4 kỳ, trong khi đó bên người đóng phí bảo hiểm đã cơ bản hoàn thành việc đóng phí (hoàn thành ¾ kỳ) chỉ chậm đóng phí kỳ cuối cùng là kỳ 4.

Cán bộ, công nhân viên công ty Hoàng Thịnh có mặt tại trụ sở XTI để đòi thanh toán tiền bảo hiểm hôm 11/2 vừa qua.

Ngoài ra, việc đóng chậm phí bảo hiểm là do khó khăn tài chính, những yếu tố khách quan tác động. Vì thế, bên người bảo hiểm không nên vin vào việc đóng chậm để cố tình thoái thác toàn bộ trách nhiệm. Trong trường hợp này, công ty Hoàng Thịnh có thể dựa vào những điều luật quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đòi hỏi quyền lợi dành cho mình.

– Theo ông trong trường hợp này thì Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)  phải làm gì để trả lại quyền lợi cho khách hàng? 

– Theo ý kiến cá nhân cũng như kinh nghiệm đã nhiều năm theo những vụ việc tương tự như thế này. Tôi cho rằng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) – đơn vị phụ trách chính về lĩnh vực bảo hiểm nên cử người đến thanh kiểm tra các giấy tờ, hồ sơ vụ việc của hai bên cũng như kiểm tra lại toàn bộ quá trình diễn ra sự kiện bảo hiểm (sự cố hỏng tàu Hoàng Thịnh 17) để nhận định rõ xem bên nào đúng, bên nào sai. Sau đó, nhanh chóng giải quyết vụ việc để đảm bảo công bằng cho cả hai bên.

– Với 27 năm kinh nghiệm tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực kinh tế – ngân hàng, bảo hiểm… ông đã gặp những trường hợp như thế này chưa? Và thường thì họ giải quyết như thế nào, thưa ông?

– Từ lúc khởi nghiệp làm Luật sư đến bây giờ khi đảm nhận cương vị Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam, tôi đã gặp nhiều vụ việc tương tự như thế này. Mới nhất, tôi đã tư vấn thành công cho một khách hàng cũng khiếu nại về việc bồi thường cho người được bảo hiểm (bảo hiểm Container) khi nhà bảo hiểm không chịu thanh toán tiền bồi thường.

Tôi có theo dõi, nhiều trường hợp họ đấu tranh đến cùng bằng biện pháp đưa ra tòa xử thắng thua, nhưng đa số là hai bên tự thỏa thuận với nhau có thể là hai bên chịu 50/50 hoặc là 40/60 tùy theo tính chất vụ việc.

Theo tôi, trong tình huống này hai bên nên tự thỏa thuận là mỗi bên chịu thiệt hại một phần. Theo đó, công ty bảo hiểm Xuân Thành nên thanh toán cho bên phía công ty Hoàng Thịnh 50 – 60% tiền bồi thường tàu Hoàng Thịnh vì dù sao bên người đóng bảo hiểm cũng đã cơ bản hoàn thành nghĩa vụ khi đóng được số phí bảo hiểm trước khi xảy ra sự cố.

– Nếu phải đưa nhau ra tòa xử thắng thua thì theo ông bên nào sẽ có lợi hơn?

– Tôi vẫn xin nhắc lại, cả hai bên không nên đưa nhau ra tòa mà tốt nhất mỗi bên chịu thiệt một ít rồi thỏa thuận đi đến thống nhất. Việc phân định thắng thua còn phải dựa vào nhiều tình tiết liên quan khác nữa, nên rất khó khẳng định. Tuy nhiên, nếu bên bán bảo hiểm quá dựa vào lý của mình để từ chối tất cả, thì liệu khách hàng có muốn mua bảo hiểm nữa không? Và bên mua bảo hiểm đã hoàn thành 75% nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm mà vẫn không được hưởng một chút quyền lợi nào thì cũng rất thiệt thòi.

Hơn nữa, việc công ty Hoàng Thịnh đóng chậm bảo hiểm có thể là do văn bản trả lời của công ty bảo hiểm Xuân Thành mập mờ, khó hiểu dẫn đến người đóng phí hiểu sai rồi đóng chậm. Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nghiêng về phía khách hàng khi mà việc hỏng hóc tàu Hoàng Thịnh là do điều kiện khách quan chứ không phải ý muốn chủ quan. Người bảo hiểm (công ty bảo hiểm Xuân Thành) không nên quy kết từng câu chữ trong hợp đồng để thoái thác trách nhiệm với khách hàng.

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!

 “Ngày 18/6/2013, công ty CP Hoàng Thịnh ký hợp đồng bảo hiểm tàu thuyền số: 13/16/01/0703/0001 với công ty bảo hiểm Xuân Thành với nội dung là bảo hiểm cho tàu Hoàng Thịnh 17 trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 18/6/2013 đến ngày 18/6/2014 với tổng số tiền là 310.200.720 đồng.

Thời hạn thanh toán phí được chi ra làm 4 kỳ và công ty Hoàng Thịnh đã đóng đủ 3 kỳ với số tiền là 235.200.700 đồng, còn lại phí kỳ 4 phải thanh toán trước 30/3/2014 với số tiền 75 triệu đồng. Nhưng do khó khăn tài chính nên ngày 28/3/2014 công ty Hoàng Thịnh đã gửi công văn số 28/03/2014-HT về việc xin gia hạn nộp phí bảo hiểm kỳ 4.

Ngày 8/4/2014 công ty bảo hiểm  Xuân Thành đã có công văn trả lời số 18/2014/CV-XTI-THO với nội dung chấp nhận cho công ty Hoàng Thịnh nộp phí bảo hiểm theo đúng điều 4, mục 4.3 (thời hạn thanh toán phí) hợp đồng bảo hiểm số 13/16/01/0703/0001 giữa công ty Hoàng Thịnh và công ty bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa.

Công văn trả lời của XTI cũng nêu rõ: “Công ty bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa chấp nhận cho công ty Hoàng Thịnh nộp phí bảo hiểm theo đúng Điều 4 – mục 4.3 (thời hạn thanh toán phí) hợp đồng bảo hiểm số 13/16/01/0703/0001 giữa công ty Hoàng Thịnh và công ty bảo hiểm Xuân Thành Thanh Hóa ký ngày 18/6/2013. Trong quá trình nộp phí, nếu công ty Hoàng Thịnh nộp chậm phí bảo hiểm thì hiệu lực bảo hiểm sẽ có hiệu lực kể từ ngày công ty Hoàng Thịnh nộp phí. Mọi phát sinh rủi ro trước ngày nộp phí, công ty Hoàng Thịnh chịu hoàn toàn trách nhiệm trước công ty và pháp luật”.

Căn cứ vào công văn trả lời của XTI, ngày 16/4/2014 công ty Hoàng Thịnh đã nộp phí bảo hiểm kỳ 4 với số tiền còn lại là 75 triệu đồng. Khoảng 20 giờ ngày 16/4/2014, tàu biển của công ty Hoàng Thịnh gặp sự cố, phía công ty đã liên hệ với đơn vị bảo hiểm và hoàn tất hồ sơ theo hướng dẫn, giám sát của bảo hiểm và giám định theo nguyên tắc hợp đồng bảo hiểm nhưng không phát hiện tổn thất nào.
Tuy nhiên, ngày 28/4/2014 tàu Hoàng Thinh 17 gặp sự cố hỏng máy chính. Ngay sau khi gặp sự cố, công ty Hoàng Thịnh đã báo với công ty bảo hiểm Xuân Thành và bên phía XTI đã cử đơn vị giám định là  công ty cổ phần giám định Thái Dương đến giám sát và kiểm tra sửa chữa.

Ngày 18/7/2014, cơ quan giám định đã có kết luận cuối cùng về tổn thất của tàu Hoàng Thịnh 17 với chi phí sửa chữa là hơn 600 triệu đồng. Theo kết quả giám định, thì nguyên nhân và tổn thất thực tế tàu Hoàng Thịnh 17 là vào ngày 16/4/2014.

Bên công ty Hoàng Thình cho rằng, thời gian tổn thất tàu nằm trong thỏa thuận hợp đồng bảo hiểm (hợp đồng có hiệu lực từ 16/4) giữa hai bên và công ty bảo hiểm Xuân Thành phải có trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm cho công ty Hoàng Thịnh.

Theo đơn thư khiếu nại của công ty Hoàng Thịnh, từ sau khi máy tàu được sửa chữa xong (7/5/2014) và báo cáo giám định tổn thất của cơ quan giám định đến nay bên phía bảo hiểm Xuân Thành vẫn chưa thanh toán tiền bảo hiểm dù bên phía đối tác đã nhiều lần gửi đơn, thư yêu cầu giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, cho rằng bên phía công ty Hoàng Thịnh đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm kỳ 4 tàu Hoàng Thịnh 17 theo như quy định đã được hai bên ký kết nên công ty XTI đã từ chối bồi thường”.

Hòa Hậu (thực hiện).

———–

Thời báo Doanh nhân (Dòng sự kiện) 22-4-2015:

http://tbdn.com.vn/bao-hiem-xuan-thanh-khong-the-thoai-thac-trach-trach-nhiem-voi-khach-hang-n4718.html

(1.450/2.231)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,454