684. Ngân hàng và 1.001 rủi ro mất tiền qua giao dịch viên

(ĐTCK) – Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trong số hàng trăm nghìn nhân viên ngân hàng, thì chỉ có nhân viên của bộ phận tín dụng dễ gặp rủi ro nhất, dễ… đi tù nhất.

Tại lớp học, hầu hết giao dịch viên quan tâm đến vấn đề rào chắn rủi ro pháp lý cho bản thân khi nhận được “lệnh tắt” từ sếp

Bài 1: Giao dịch viên và rủi ro trách nhiệm pháp lý

Nhà quản lý trong ngân hàng cũng chú ý và phòng tránh rủi ro mất tiền qua tín dụng viên. Ít ai ngờ, bộ phận giao dịch, với những cô giao dịch viên xinh xắn không liên quan đến việc cho vay, cũng tiềm ẩn rủi ro mất vốn cho ngân hàng.

Một số ngân hàng đã phải nhìn nhận lại mức độ rủi ro mất tiền qua cửa giao dịch viên và tăng cường đào tạo pháp lý cho khối nhân viên này, nhằm hạn chế nguy cơ mất vốn từ đây.

Nguy cơ chưa được nhìn nhận đúng mức

Ghi nhận của phóng viên qua lớp đào tạo Chuyên gia pháp lý Teller ngân hàng của Công ty Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng (BankTraining) cho thấy, hầu hết các giao dịch viên của một ngân hàng cổ phần tham gia khóa học này cho rằng, rủi ro lớn nhất trong nghề nghiệp của họ chỉ là đền tiền. Nếu có sơ sót, nhầm lẫn, dẫn đến thiếu vài trăm nghìn, vài triệu đồng hay nặng nề hơn là vài chục triệu đồng thì cắn răng, âm thầm bù tiền vào. Bởi nếu để các bộ phận chức năng phát hiện thì nhân viên đó có nguy cơ bị cho thôi việc, trong khi tiền thì vẫn phải đền. Không có giao dịch viên nào nghĩ tới khả năng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi thực tế cho thấy, không ít giao dịch viên đã phải hầu tòa sau vành móng ngựa.

Đơn cử, vụ án Lê Minh Hằng, Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn của Ngân hàng Oceanbank đã làm giả 39 hồ sơ cầm cố thẻ tiết kiệm để rút ra 61 tỷ đồng của ngân hàng này. Ngoài bị cáo chính, 3 nhân viên khác của Phòng giao dịch, trong đó có một giao dịch viên, bị cáo buộc là đồng phạm với Hằng. Mặc dù giao dịch viên Trịnh Thị Thanh Thủy (SN 1985) không được tư lợi một đồng từ khoản tiền mà Hằng rút ra, nhưng do làm trái quy trình theo lệnh sếp nên vẫn bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 – 7 năm tù giam.

Hay như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, có tới 2/3 trong số 23 cán bộ ngân hàng đứng trước vành móng ngựa bị truy tố, điều tra, xét xử và kết án phạm tội vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. Quá nửa trong số đó là các cán bộ giao dịch viên ngân hàng. Chỉ riêng Vietinbank đã có 5 giao dịch viên phải hầu tòa trong đại án này.

Hàng loạt vụ án tương tự đã khiến lãnh đạo ngân hàng và cả giao dịch viên giật mình, phải nhìn lại rủi ro với bộ phận giao dịch viên. Với lãnh đạo ngân hàng là rủi ro mất vốn, còn với giao dịch viên là rủi ro pháp lý.

1.001 rủi ro pháp lý…

Luật sư Trương Thanh Đức, giảng viên của lớp học nêu trên nhấn mạnh, có nhiều vấn đề từ pháp lý khách hàng, pháp lý giao dịch, pháp lý trách nhiệm… như những bẫy ngầm dưới chân giao dịch viên. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn phức tạp, thiếu đồng bộ, thừa ngoại lệ thì nhiều khi những vấn đề căn bản nhất cũng khiến người ta phải lúng túng.

Chẳng hạn, giao dịch viên nào cũng có thể chắc chắn khách hàng của ngân hàng chỉ có 2 loại, cá nhân và pháp nhân. Xác định khách hàng cá nhân dường như có vẻ rất đơn giản khi một người đến giao dịch dưới danh nghĩa của chính họ. Nhưng doanh nghiệp tư nhân là cá nhân hay pháp nhân? Một tập đoàn, theo định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp, là một nhóm các công ty và một nhóm các công ty thì không phải là pháp nhân, do đó, tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Vậy Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Hòa Phát có phải là pháp nhân?

“Điều khiến người ta hoang mang nhất, lo ngại nhất, dễ gặp rủi ro nhất chính là những ngoại lệ. Có những tập đoàn nhưng không phải là tập đoàn, mà chính là CTCP như Bảo Việt, Hòa Phát… Có những công ty mang tên công ty, nhưng thực chất chỉ là một chi nhánh, một nhà máy. Ví dụ, Công ty Giấy Tissue Sông Đuống thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam, tuy tên là “Công ty” nhưng thực chất không có tư cách pháp nhân, mà bản chất là Nhà máy của Tổng công ty Giấy Việt Nam”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đó là chưa kể đến hàng loạt vấn đề pháp lý có liên quan đến giao dịch ngân hàng như tài sản chung của hai vợ chồng, vấn đề thừa kế, thẩm quyền ký kết giao dịch, chủ tài khoản, giao dịch với khách hàng đặc biệt (người khiếm thị, trẻ vị thành niên).

Tại lớp học, hầu hết các giao dịch viên quan tâm đến vấn đề rào chắn rủi ro pháp lý cho bản thân khi nhận được “lệnh tắt” từ sếp. Các giao dịch viên cho biết, tình huống sếp nhờ tất toán một khoản tiền gửi của người quen nào đó, khách hàng “VIP” nào đó, rút tiền mặt trước rồi bổ sung chứng từ sau là rất phổ biến. Đây cũng là tình huống đẩy các giao dịch viên vào… tù nhiều nhất.

Ngân hàng là nơi có tiền, rất nhiều tiền. Bởi thế, ngân hàng cũng là đích ngắm cho tội phạm. Và cơ bản, dù là tội phạm tính toán tấn công ngân hàng từ góc độ nào, nghiệp vụ nào thì cuối cùng, tiền vẫn phải qua giao dịch viên trước khi ra ngoài. Trước thực tế này, các ngân hàng dường như đã phải đánh giá lại vai trò, nguy cơ từ giao dịch viên trong mục tiêu chung là đảm bảo nguồn vốn ngân hàng an toàn và ngày càng phát triển.

Bài 2: Khi giao dịch viên phạm tội vi phạm quy định cho vay

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Ba sico

Giao dịch viên là lực lượng nhân sự chiếm số đông, bình quân tới 30% tổng số lượng nhân sự của ngành ngân hàng. Họ có mặt tại các địa điểm kinh doanh của ngân hàng và hàng ngày tiếp xúc với khách hàng. Rất nhiều vụ án đã làm lộ diện yếu tố ngân hàng mất vốn không vì giao dịch viên tư lợi, mà do họ không nắm được các rủi ro pháp lý khi tác nghiệp. Được hiểu những yếu tố nhận diện pháp lý về khách hàng, được trang bị kỹ năng xử lý giao dịch bất thường đúng với pháp luật, được biết những bài học pháp lý nghiệp vụ thực tế để tích lũy kinh nghiệm, phòng chống rủi ro… đó là quyền lợi chính đáng cho giao dịch viên. Họ là bộ mặt của ngành ngân hàng, cũng được coi là người giữ túi tiền của ngân hàng. Khi giao dịch viên biết sợ, biết phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp, là lúc ngân hàng cũng sẽ yên tâm vì đã có những chiếc khiên pháp lý vững chắc bảo vệ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cổ đông của một ngân hàng

Bỏ vốn vào ngân hàng, tôi rất buồn lòng khi thỉnh thoảng lại đọc thấy thông tin một số cán bộ ngành ngân hàng bị bắt vì lừa đảo, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đạo đức của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng yếu kém, gây ra thất thoát lớn cho các ngân hàng, khiến cổ đông bức xúc. Tôi cho rằng, ban lãnh đạo các ngân hàng phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế rủi ro liên quan đến vấn đề này. Phải lập ra các quy định nội bộ, rào chắn để ngăn chặn sớm các hành vi tiêu cực, dễ gây thất thoát cho ngân hàng. Không thể vì ngại cho danh tiếng của ngân hàng mà xử lý nhẹ tay các vụ việc vi phạm. Phải làm thật quyết liệt, xử lý mạnh tay các vụ việc.

Hồng Sơn

—————

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 30-3-2015:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/ngan-hang-va-1001-rui-ro-mat-tien-qua-giao-dich-vien-115441.html

(291/1.504)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.425. Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ...

Nhận thưởng Tết Ất Tỵ 2025 sẽ bị trừ thuế thu nhập cá nhân ra...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,388