687. Cổ đông “ấm ức” vì ngân hàng lỗi hẹn không chia cổ tức

(VN+) – Cổ tức đã là vấn đề gây ra nhiều tranh luận và bức xúc tại nhiều đại hội đồng cổ đông năm nay của các ngân hàng. Ở nhiều đại hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã phải lên tiếng giải thích và trấn an cổ đông vì mức chia cổ tức quá thấp.

Ngân hàng lại lỗi hẹn

Trong mùa Đại hội cổ đông lần này, tại nhiều ngân hàng cổ đông nhỏ lẻ đã có nhiều cảm xúc khác nhau khi nhận cổ tức, có người vui mừng nhưng cũng có những cổ đông đã phải âm thầm chịu đựng khi mấy năm liền chưa được nhận cổ tức.

Về tổng thể, ước tính có khoảng 40% ngân hàng thương mại cổ phần không thể trả cổ tức cho cổ đông hoặc có tỷ lệ cực thấp như trên. Đây được cho là năm “kém cỏi” nhất của hệ thống kể từ kỳ khó khăn bộc lộ suốt năm 2012 đến nay, trong việc đáp ứng mong mỏi của cổ đông.

Mặc dù năm 2014, một số thành viên đã nỗ lực trở lại ở chỉ tiêu lợi nhuận, như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (Southernbank) nhưng đây cũng chính là những trường hợp triền miên không có cổ tức trong nhiều năm qua.

Điển hình là Techcombank đã “khất” cổ tức trong 4 năm qua và vẫn chưa có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông. Nhiều cổ đông đã yêu cầu ban lãnh đạo Techcombank phải nói rõ với họ và bao nhiêu năm nữa mới trả cổ tức hay là vĩnh viễn cổ đông của Techcombank sẽ không được nhận cổ tức?

Thừa nhận mấy năm đây không phải là lần đầu tiên Techcombank gặp phải “phản ứng” của cổ đông. Song ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cho rằng, cổ đông nên nhìn nhận vấn đề cổ tức hài hòa trên nhiều phương diện. Việc lợi nhuận không chia là nhằm vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh, tiếp tục củng cố và phát triển ngân hàng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài của Techcombank.

“Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn ngân hàng phải huy động mọi nguồn lực để giữ các chỉ số an toàn vốn và duy trì phát triển, tái đầu tư dài hạn. Do đó, việc chi trả cổ tức chưa được chúng tôi xem xét đến,” ông Hùng Anh nói.
Thậm chí, người đứng đầu ngân hàng này còn cho biết, dự kiến trong thời gian 3-5 năm tới sẽ tiếp tục không chi trả cổ tức.

Cũng giống như Techcombank, điệp khúc không chia cổ tức của Southernbank (ngân hàng đang chờ sáp nhập vào Sacombank) như năm trước tiếp tục lặp lại khi lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ còn lại khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tỷ lệ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ/vốn điều lệ là 0,03%, theo lãnh đạo SouthernBank là quá thấp. Vì vậy, Ngân hàng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ để hỗ trợ nguồn vốn cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Dự kiến vẫn còn một số ngân hàng không chia cổ tức, chỉ tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 12 ngân hàng thương mại thì có tới 7 ngân hàng không chia cổ tức năm nay.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác mới thành lập vẫn chia nhưng con số rất nhỏ như Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Sài Gòn, BaoVietBank, ABBANK… vì được Ngân hàng Nhà nước xét cho chi trả chỉ từ 1,5%-3,5%.

HDBank và VPBank chia cổ tức bằng cổ phiếu. Một số cổ đông có nguyện vọng được nhận bằng tiền mặt, còn bằng cổ phiếu thì “thiệt thòi”, khi tỷ lệ nhận được thấp hơn nhiều so với lãi gửi tiết kiệm.

Chia cổ tức cao bị “tuýt còi”

Mùa Đại hội đồng cổ đông năm 2015 có thêm một điểm mới. Đó là kể từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ chi trả cổ tức trong ngành ngân hàng.

Tỷ lệ cổ tức của mỗi ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước thông qua cuối cùng dựa trên sự đánh giá của Ngân hàng Nhà nước đối với tình hình tài chính của từng ngân hàng.

Là một trong những ngân hàng khởi động cho mùa Đại hội cổ đông 2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) công bố một năm ăn nên làm ra với mức lợi nhuận sau thuế năm 2014 lên đến 648 tỷ đồng.

Và có lẽ để bù đắp lại cho việc không chia cổ tức trong năm ngoái, năm nay Hội đồng quản trị VIB đề xuất chia cổ tức lên đến 11% bằng tiền mặt (cao hơn cả mức chia cổ tức trong năm 2012 là 10%). Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một văn bản chấp thuận tỷ lệ chi trả cổ tức tối đa trong trường hợp này là 9% mệnh giá và 2% còn lại được đưa vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

VIB không phải là ngân hàng duy nhất chịu sự điều chỉnh về mức cổ tức dự kiến. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng chỉ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ngân hàng này trả cổ tức 6% thay vì 10% như đã thông qua trong Đại hội cổ đông của năm trước.

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) cũng cho biết, ban lãnh đạo muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn nhưng không được chấp thuận và Ngân hàng Nhà nước chỉ cho chia cổ tức thống nhất ở mức 4%.

Chỉ 4%, nhưng mức chi trả của NamABank đã đứng thứ hai nhóm ngân hàng có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh trả cổ tức bằng tiền mặt, tính đến cuối tuần qua.

Dĩ nhiên, cũng có một số thành viên được chi trả cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm, từ 8%-10% nhưng chủ yếu có ở các “ông lớn” quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, BIDV hay một số ngân hàng cổ phần có kết quả kinh doanh khá và ổn định như MB, Sacombank, ACB.

Một trong những lý do đầu tiên để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lại cổ tức đó là mức trích lập hiện nay của các ngân hàng còn quá thấp.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng cần phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh tập trung xử lý nợ xấu, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động. Thậm chí các ngân hàng yếu kém với tỷ lệ nợ xấu cao hoặc những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc sẽ không được phép trả cổ tức.

Trước ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào mức chia cổ tức của ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định không vượt quyền trong việc can thiệp nói trên.

Một số cổ đông nhỏ của các ngân hàng thương mại tỏ ra bức xúc trước việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh vào việc chia cổ tức là điều vô lý.

Đồng cảm với ý kiến của các cổ đông, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, việc can thiệp hành chính của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý, hợp lệ trong những trường hợp cần thiết ví dụ như lãi suất cao quá, mất an toàn, mất khả năng chi trả…

Tuy nhiên, theo luật sư Đức, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể lựa chọn cách khuyến nghị, khuyến cáo hay đề nghị chứ không nên “bắt buộc”, “ép buộc” đối với các tổ chức tín dụng.

Trái ngược với quan điểm của luật sư Đức, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực lại cho rằng, chưa chắc những ngân hàng không chia cổ tức đều là những ngân hàng yếu kém, ngược lại những ngân hàng có đến đâu chia hết đến đó chưa chắc đã phải là ngân hàng phát triển tốt.

“Ở đây, nhà đầu tư cần phải nhìn vào sự phát triển dài hạn của ngân hàng đó, ngân hàng giữ lại lợi nhuận cũng là việc nên làm trong thời điểm hiện nay, chỉ có như vậy thì ngân hàng mới thực sự phát triển bền vững và hội nhập với thế giới,” ông Lực nhấn mạnh./.

Thúy Hà

—————

Vietnam Plus (Tài chính) 23-4-2015:

http://www.vietnamplus.vn/co-dong-am-uc-vi-ngan-hang-loi-hen-khong-chia-co-tuc/319179.vnp

(99/1.528)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426