687. Thay tù bằng tiền – Tại sao không?

(DĐDN) –  Không nên lo lắng giảm hình phạt thì xã hội sẽ loạn hơn. Xã hội càng phát triển thì con người càng có nhiều cái để mất, càng phải tự hạn chế làm sai, làm liều. LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên VIAC cho rằng, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cần đặt trong quy luật phát triển chung.

– Bắt đầu từ quy định mới trong dự thảo về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, tại nhiều phiên thảo luận  trên nhiều diễn đàn, trong đó có cả các đại biểu Quốc hội lo ngại quy định này là vi Hiến. Theo ông, lo ngại này có đúng không?

Trước tiên phải nói rằng, khi phát triển kinh tế đang là nội dung quan trọng hàng đầu thì mọi quy định từ pháp luật, chính sách đến điều hành đều phải xoay quanh việc hỗ trợ hoạt động này. Quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chính là việc tạo thêm những hành lang, những trật tự giúp cho hoạt động kinh tế bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Nhìn ở góc độ pháp nhân là tổ chức kinh tế có thể thấy, đây là một thực thể họ cũng có thể vi phạm pháp luật và trong nhiều trường hợp phải là pháp nhân mới có thể vi phạm được như xuất khẩu trái phép… Bên cạnh đó, với nhiều tội, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự từng cá nhân đang hoạt động trong một pháp nhân là làm chưa đến tận cùng của vấn đề. Bởi vì, chỉ khi trách nhiệm của pháp nhân bị truy cứu thì bản chất vi phạm hay phạm tội của từng thành viên mới được làm rõ. Đơn cử như tội sản xuất và buôn bán hàng giả. Phải có người tổ chức, người sản xuất, người bán hàng… Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không chỉ giúp các cơ quan xử lý đúng bản chất của vụ việc mà còn tạo thuận lợi trong quá trình điều tra.

– Theo tinh thần của Dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi sẽ mở rộng hình phạt tiền và thu hẹp hình phạt tù đối với các tội kinh tế. Ông thấy có điểm nào chưa đúng với tinh thần này không?

Nền kinh tế thị trường luôn vận động và phát triển một cách nhanh chóng. Có những việc mà các nhà đầu tư kinh doanh cứ thế mà làm. Bởi vì, bản chất của pháp luật Việt Nam là cho phép mọi người làm những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua, một số người vẫn bị xử tội vì những điều mà pháp luật còn chưa rõ ràng. Người dân thì ngơ ngác chưa biết đó là loại tội phạm gì? Ví dụ, có những giám đốc ngân hàng, hay cán bộ có chức vụ trong ngân hàng phải đến khi xử mới biết là mình bị phạm tội gì. Ấy vậy mà họ vẫn bị ghép tội “cố ý làm trái”.

Tôi cho rằng, những tội phạm về kinh tế thì cần áp dụng nhiều hơn nữa hình phạt tiền. Ngoài hình phạt thời gian và tính mạng, con người hiện này cũng có nhiều thứ khác như tài sản hay uy tín… Đây là những thứ cũng có thể dùng làm hình phạt, vừa có lợi cho xã hội mà vẫn có tính chất răn đe. Điều quan trọng là nếu phạt tiền thì phải phạt thật nặng, có thể thấp nhất cùng gấp hai đến ba lần thiệt hại mà họ đã gây ra. Chỉ có như vậy, người phạm tội mới thấy sợ và không dám vi phạm nữa.

Dự thảo Bộ luật có quy định, quy tiền thành tù đối với cả những tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy tiền thành tù cũng không phải là cái gì xa lạ đối với chúng ta. Rất nhiều quốc gia tiên tiến đã áp dụng thành công, tại sao chúng ta thì không? Chúng ta không những phải làm, mà làm thật triệt để. Quan trọng hơn, hình phạt thì phải thực tế chứ không nên theo kiểu án “trên trời”, không bao giờ có thể thực hiện được như rất nhiều bản án hiện nay.

– Nhiều tội danh trong dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã giảm từ tử hình xuống tù chung thân. Như vậy, mức hình phạt của Bộ luật nhìn tổng thể đã giảm xuống. Ông thấy quy định như vậy có đúng với xu hướng phát triển của xã hội và hội nhập không?

Giảm hình phạt tử hình đương nhiên là một xu hướng phát triển chung cả toàn xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, còn người có nhiều thứ để mất và nhiều thứ có thể trở thành hình phạt hơn thì hình phạt cũng đa dạng và mức độ khắc nghiệt của hình phạt cũng giảm dần. Đây là một lẽ rất tự nhiên.

Nhưng chỉ có điều, hình phạt tù cũng cần công bằng hơn. Tôi cho rằng, tư duy của những người soạn thảo và xây dựng dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi nói riêng, pháp luật nói chung vẫn mang nặng dấu ấn của hệ thống pháp luật tại các nước Đông Âu. Trước kia thì phạt tù cao nhất cũng chỉ bó cứng trong 20 năm tù rồi đến tù chung thân, nay tăng lên 30 tù và tù chung thân. Quy định như vậy sẽ tạo ra sự mất công bằng. Mức độ phạm tội khác nhau cũng chỉ giới hạn trong một khung.

Tôi đề xuất phương án cộng dồn các bản án như nhiều nước phát triển vẫn đang làm. Một người có thể bị phạt tới 60 – 70 mươi năm hay cả trăm năm tù. Đây không phải là những bản án không có khả năng thi hành mà nó là mức án đúng với tội danh. Ngoài những mức phạt tù như vậy, hệ thống pháp luật vẫn có những quy định về giảm án, ân xá, đặc xá… Tôi không đồng tình với quy định tù chung thân không giảm án như trong dự thảo.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Bá Tú thực hiện

———–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 25-4-2015:

http://dddn.com.vn/phap-luat/thay-tu-bang-tien-tai-sao-khong-20150424033829981.htm

(1.111/1.111)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,459