692. Cho ngân sách vay ngoại hối: Tăng giám sát tính hiệu quả

(DĐDN) –  Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với 3 bộ: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. 

ANZ ước tính dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 3,1 tháng nhập khẩu và khá thấp so với một số nền kinh tếnhư Trung Quốc (CH), Đài Loan (TW), Philippines (PH), Singapore (SI)…

Mục đích để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Vậy ở những quốc gia khác dự trữ ngoại hối được dùng vào việc gì và cho ngân sách vay tiền liệu có sinh lời và cần có cơ chế gì chống được rủi ro?

Không vì dự trữ ngoại hối VN còn “mỏng”…

Theo Nghị định số 50/2014/NĐ-CP của Chính phủ, dự trữ ngoại hối Nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của NHNN, bao gồm: dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức (là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho NHNN trực tiếp quản lý); tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại NHNN các nguồn ngoại hối khác.

Theo các chuyên gia, quy mô dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng đối với các nền kinh tế, và sẽ đặc biệt quan trọng hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển. Nếu một quốc gia có nguồn dự trữ quá lớn thì sẽ làm phát sinh chi phí cho việc nắm giữ dự trữ ngoại hối, do lợi nhuận thu được từ đầu tư dự trữ ngoại hối thường thấp hơn chi phí đi vay vốn nước ngoài. Còn nếu quốc gia có một lượng dự trữ quá mỏng sẽ gây tác động tiêu cực tới khả năng thanh toán cũng như an ninh tài chính tiền tệ của mỗi quốc gia.

Năm 2007, ngay sau khi gia nhập WTO, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã liên tục tăng, đạt đỉnh vào tháng 7 năm 2008 khoảng 26 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử. Sau đó, tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước đã khiến cho thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá USD/VND liên tục bị biến động mạnh. Ðể bình ổn thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá USD/VND, bên cạnh những biện pháp chính sách tiền tệ và hành chính, NHNN đã phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường khiến cho quỹ dự trữ ngoại hối giảm xuống mức đáy là 12,58 tỷ vào tháng 1/2011…

Theo công bố của NHNN mới đây, dự trữ ngoại hối quốc gia đạt kỷ lục 35 tỷ USD và được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm nay. “Ðây là tiền đề thuận lợi để duy trì lòng tin về khả năng đảm bảo thanh toán nghĩa vụ nợ nước ngoài của nền kinh tế, khả năng hỗ trợ giá trị của VND, khả năng đảm bảo tài chính của quốc gia góp phần thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài…” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, theo ngân hàng ANZ tại Việt Nam, dù dự trữ ngoại hối liên tục cải thiện trong 3 năm gần đây nhưng mức 35 tỷ USD vẫn là “mỏng” nếu so với các nước trong cùng khu vực. Thống kê của ngân hàng ANZ cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện có thể chịu đựng được khoảng 3,1 tháng nhập khẩu. Trong khi đó, nếu so sánh với các nước ở khu vực, đây là mức thấp nhất, chỉ bằng một nửa của Indonesia, một phần ba của Singapore và một phần tám Trung Quốc.

…mà để lãng phí tài lực

Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Chủ tịch Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng, trọng tài viên VIAC: Về nguyên tắc, Bộ Tài chính quản lý ngân sách nhà nước. Dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Hiểu đơn giản việc ngân sách vay dự trữ ngoại hối chỉ là bỏ từ túi nọ sang túi kia. Hoạt động này trước đây thực ra cũng đã từng được thực hiện. Nhưng lần này, việc vay được Thủ tướng chỉ đạo làm một cách bài bản và công khai minh bạch. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong hoạt động điều hành, quản trị nhà nước đang ngày càng phát triển. Người dân ngày càng được biết, tham gia và giám sát nhiều hơn các hoạt động của nhà nước. Công khai minh bạch cũng tạo sức ép đối với Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ. Đặc biệt, đây là những khoản vay ngắn hạn thì việc chi tiêu vào đâu, trả nợ ra sao càng trở thành một yêu cầu quan trọng.

Còn theo TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, việc yêu cầu các Bộ ngành chức năng đề xuất cơ chế cho vay ngân sách từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia thoạt nghe có vẻ sẽ gây sốc, vì quỹ dự trữ ngoại hối VN còn “mỏng”, và yêu cầu quan trọng là cần phải làm dày thêm.

NHNN cần có cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại mua để tăng nguồn kiều hối thu hút vào ngân hàng và bán cho NHNN.

Nhưng bên cạnh đó cũng cần có tư duy “thoáng” rằng: Bản chất của Quỹ ngoại hối quốc gia là không bất động. Nó có thể biến động dày lên hay mỏng đi. Và việc để bất động, “dự trữ”, ngoài ý nghĩa cơ bản như sự đảm bảo cần thiết cho niềm tin ổn định của đồng nội tệ, còn là sự đảm bảo cho niềm tin của đối tác làm ăn cùng VN. Song chính vì không “bất động” và mặc dù là dự trữ, nên vẫn có thể xây dựng một cơ chế chung, linh hoat, không để “lãng phí” tài lực. Vì vậy, nên xác định không chỉ là chuyện “cho vay ngân sách”, mà cần được đặt một tầm nhìn cao hơn, phổ quát hơn là Đề án Quản lí Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia – như vậy mọi chuyện sẽ rõ ràng, trong đó cho vay chỉ là một phần trong đề án, việc cho vay từ đó cũng không gây “sốc”, nếu chúng ta thực lực và thực có cơ chế cho vay.

Ông Hiển cho rằng, có một số điểm mà cơ chế cho vay, khi xây dựng, cần được quan tâm để đảm bảo tránh chuyện dùng “tiền túi trái sử dụng cho túi phải” và không hiệu quả cho nền kinh tế, cũng gây rủi ro cho dự trữ ngoại hối, là:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế cho vay đảm bảo theo cơ chế thị trường, đáp ứng nguyên tắc bù trừ rủi ro, tức người (Chính phủ) sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để chi cho ngân sách phải có kế hoạch đảm bảo khoản vay gần như loại trừ rùi ro, (theo xác suất thấp nhất), có nguồn thu cụ thể rõ ràng, ổn định. Theo đó, danh mục các đề án, mục sử dụng mà ngân sách sẽ dùng khoản vay nợ quỹ dự trữ  để chi phải được quy định rõ, phải có tiêu tiêu chí đó là những đề án, khoản chi ngân sách nào thì được dùng nguồn vốn vay đó. Quy định bao gồm hạn mức vay, hạn mức chi là bao nhiêu, thời gian trả nợ, mức lãi (nếu có)… Nên xác định chỉ những dự án có giá trị lớn với nền kinh tế, có thể cần vốn “mồi”/ đối ứng trước mắt để khởi động… mới được sử dụng nguồn vốn vay từ quỹ dự trữ, không phải sử dụng vốn vay từ quỹ dự trữ ngoại hối để trả nợ;

Thứ hai, cơ chế cho vay cũng cần bao gồm cơ chế giám sát giải ngân, sử dụng khoản vay;

Thứ ba, Đề án quản lí Quỹ dự trữ ngoại cũng cần có quy định rõ ở mức độ nào (bao nhiêu tuần/ tháng nhập khẩu trở lên) thì cơ quan quản lí có thể đề xuất cho vay một phần (và một phần là bao nhiêu cũng cần có nghiên cứu cụ thể) từ quỹ. Nên lưu ý đây là mấu chốt để tránh lạm dụng “rỗng” quỹ dự trữ ngoại hối và không chủ động được trong đảm bảo chính sách tiền tệ khi có biến động bất ngờ.

Thách thức tăng quy mô ngoại hối

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN:

Để đảm bảo an ninh tiền tệ và hỗ trợ cho ngân sách quốc gia cần tăng được quy mô của quỹ dự trữ ngoại hối. Đây là việc làm rất cần thiết nhưng cũng là một thách thức đối với VN, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ðể làm được điều này, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Cải thiện cán cân thương mại và kiểm soát cán cân vãng lai… Lấy xuất nhập khẩu là thước đo quan trọng về mức độ mở cửa của nền kinh tế, đồng thời điều này cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quy mô dự trữ ngoại hối của quốc gia đó.

Một quốc gia có cán cân thương mại càng thặng dư thì khả năng tích luỹ ngoại hối càng cao. Hiện NHNN thường xuyên kiểm soát được sự biến động của cán cân vãng lai làm cơ sở cho các quyết định dự trữ cũng như can thiệp trên thị trường.

Do vậy, các cơ quan Bộ, ngành cần xây dựng một cơ chế đồng bộ nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mở rộng quan hệ thương mại với nước ngoài, nâng cao uy tín của VN trên trường quốc tế để qua đó thúc đẩy trao đổi thương mại với các quốc gia. Đồng thời để gia tăng quĩ ngoại hối cho quốc gia, VN cần có nhiều biện pháp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua có sự gia tăng đáng kể, các tổ chức nước ngoài đã cam kết đầu tư vào Việt Nam với số tiền ngày càng cao, qua đó khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng trên thực tế, số vốn giải ngân trên số vốn cam kết vẫn ở mức thấp, nguồn vốn ODA giải ngân hàng năm chỉ đạt khoảng 50% cam kết.

Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hành lang pháp lý tiếp tục thu hút thêm các nguồn vốn vào VN, góp phần mở rộng quy mô dự trữ ngoại hối.

Giám sát tính hiệu quả của các khoản vay

TS Cao Sỹ Kiêm – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Nguyên thống đốc NHNN:

Việc ngân sách nhà nước vay dự trữ ngoại hối có thể được cho là phù hợp với Luật Ngân sách trong một số trường hợp nhưng phải thực hiện một cách chặt chẽ. Bởi vì theo Luật Ngân sách, khi có lý do chính đáng đáp ứng yêu cầu đột suất thì ngân sách nhà nước có thể được vay từ dự trữ ngoại hối. Trong trường hợp này lý do giảm thu từ xuất khẩu dầu thô 30% được cho là bất khả kháng. Ngoài ra, lý do giảm thu thuế vì các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực cũng được cho là chính đáng.

Tuy nhiên, việc vay này phải được Chính phủ giải trình và ấn định thời gian trả đầy đủ trong năm ngân sách. Thời hạn tối đa của khoản vay trên là 12 tháng. Đây thực tế chỉ là những khoản vay ngắn hạn, do đó tất cả các điều kiện phải chặt chẽ. Tôi đồng tình với hoạt động này của Chính phủ. Nhưng tôi cũng đề nghị Chính phủ giải trình xem khoản vay đó được sử dụng vào việc gì. Qua đó, Quốc hội cũng như nhân dân có thể giám sát tính hiệu quả của các khoản vay.

Cần đa dạng hóa cơ cấu ngoại tệ

Ông Cấn Văn Lực – Thành viên HĐQT Ngân hàng BIDV:

Trước khi cho ngân sách quốc gia vay tiền cần đa dạng hóa cơ cấu ngoại tệ trong thanh toán và dự trữ ngoại hối để góp phần giảm thiểu những tổn thất và rủi ro cho các DN nói riêng và bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ. Việc đa dạng hóa tiền tệ trong thanh toán và dự trữ quốc tế cũng giúp cho nền kinh tế, và chính sách tiền tệ độc lập hơn. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, không phải dự trữ càng nhiều ngoại hối càng tốt. Việc tích luỹ quá nhiều ngoại hối có thể làm phát sinh thêm nhiều loại chi phí. Mặc dù thiệt hại từ việc mở rộng dự trữ ngoại hối của VN là chưa thể hiện, nhưng NHNN VN cần phải có tính toán cụ thể để xác định khối lượng dự trữ ngoại hối vừa đảm bảo đủ lớn, an toàn, vừa tạo hiệu quả cao cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ chế điều hành tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn để điều chuyển quĩ bình ổn tỷ giá và giá vàng sang quĩ dự trữ ngoại hối, đáp ứng nhu cầu thanh toán và trả nợ. Ðồng thời NHNN cần công bố công khai các số liệu cụ thể về dự trữ ngoại hối, cơ cấu dự trữ ngoại hối trên các phương tiện thông tin (cung cấp cho IMF) để các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư nước ngoài và nhân dân có thông tin chính xác về dự trữ ngoại hối của VN…

 

Mỹ Bá Phương

———–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính – Ngân hàng) 07-5-2015:

http://dddn.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/cho-ngan-sach-vay-ngoai-hoi-tang-giam-sat-tinh-hieu-qua-20150506093115600.htm

(185/2.451)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,459