693. Chậm trả cổ tức, doanh nghiệp “phải” trả lãi cho nhà đầu tư?

(ĐTCK) – SD7 đã chốt danh sách trả cổ tức 2010 từ 21/2/2012 nhưng đến nay vẫn chưa chi trả cho cổ đông

Trước đây, do chưa có quy định cụ thể về trả cổ tức, nhiều DN có “cớ” để “chây ì” nghĩa vụ với cổ đông. Tuy nhiên, những quy định mới về việc trả cổ tức đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 có khả năng sẽ giảm bớt được tình trạng này.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 có một số quy định cụ thể đối với việc chi trả cổ tức của DN.

Cụ thể, Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

Đối với các DN trả cổ tức không đúng thời hạn, trong kiến nghị mới đây gửi CIEM, nhóm nhà đầu tư tại CTCK VNDS đề xuất, văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (dự thảo Nghị định) cần có quy định cụ thể là trong trường hợp hết 6 tháng, nhưng DN vẫn không trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông theo nghị quyết ĐHCĐ, thì lãi phạt quá hạn tính theo lãi phạt chậm nộp thuế của DN.

Phía nhà đầu tư cho rằng, nếu văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp không hướng dẫn chi tiết quy định về trả cổ tức theo hướng đề xuất như trên, thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ khó được bảo vệ.

Mặc dù đề xuất trên của nhà đầu tư sẽ không được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn Luật với lý do trong số các nội dung mà Luật Doanh nghiệp 2014 giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không có nội dung về trả cổ tức, nhưng với quy định cụ thể về thời hạn trả cổ tức tại Điều 132, Luật Doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho rằng, cổ đông có đủ căn cứ khởi kiện DN, nếu DN vi phạm điều này.

Một trong những giải pháp khác cải thiện tình trạng chây ỳ cổ tức mà Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội vẫn đang thực hiện là cải thiện chất lượng quản trị công ty tại DN đại chúng, đặc biệt là thúc DN nâng cao ý thức trách nhiệm với cổ đông. Điều đáng mừng là mới đây, một DN niêm yết đã công bố chấp nhận phương án trả lãi bằng lãi vay ngắn hạn kể từ ngày phải trả đến ngày thực trả cổ tức.

Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015 ngày 23/4 của CTCP Lilama 45.5 (L44) đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2012 và 2014 sau 5 ngày Nghị quyết ĐHCĐ có hiệu lực; ngày chốt danh sách trong vòng 15 ngày kể từ ngày có thông báo chốt. Việc chi trả cổ tức sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày chốt danh sách.

Nghị quyết cũng ghi rõ, trong trường hợp chi trả không đúng hạn, Công ty sẽ tính lãi suất cho khoản cổ tức trả chậm theo lãi suất tiền vay ngắn hạn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đang áp dụng đối với L44 đến ngày thực trả.

L44 có lẽ là DN niêm yết đầu tiên “hưởng ứng” Luật Doanh nghiệp mới khi nêu rõ kế hoạch chi trả cổ tức, thậm chí L44 còn thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn khi nêu phương án trả lãi suất trong trường hợp chậm.

Trước đây, khá nhiều DN chậm trả cổ tức bằng tiền. Một số DN có “tiền lệ” chậm trả cổ tức như CTCP Sông Đà 4 (SD4), CTCP Sông Đà 3 (SD3)… đã khất trả cổ tức 2010 cho cổ đông sang đến lần thứ 3, lần thứ 4 với lý do chưa cân đối được nguồn tiền. Thậm chí, CTCP Sông Đà 7 (SD7) thực hiện chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2010 từ ngày 21/2/2012 với tỷ lệ 16% nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện chi trả, khiến cổ đông rất bức xúc.

Quy định cụ thể về việc chia cổ tức sẽ giúp phản ánh trung thực hơn tình hình tài chính của DN. Ngoài ra, quy định mới về trả cổ tức cũng tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào cổ phiếu của DN cổ phần. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn một số băn khoăn liên quan đến quy định chi trả cổ tức theo Luật Doanh nghiệp mới.

Chẳng hạn, nếu DN có quyết định trả cổ tức 2014 tại ĐHCĐ thường niên 2015 thì áp dụng thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc họp này hay áp dụng từ mốc 1/7/2015 khi Luật có hiệu lực? Trường hợp cổ tức của các năm 2013 trở về trước đã có Nghị quyết của ĐHCĐ các năm trước mà tới giờ vẫn chưa chốt và trả cổ tức thì có được hồi tố theo luật mới hay không?

Hải Vân

———–

Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 07-5-2015:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/cham-tra-co-tuc-doanh-nghiep-phai-tra-lai-cho-nha-dau-tu-118919.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,801