699. Cư dân tòa nhà Keangnam lo bị bỏ rơi

(TP) – Trước thông tin tòa nhà Keangnam (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thể bị lừa bán cho quỹ đầu tư Qatar với giá 800 triệu USD và Tập đoàn Keangnam tuyên bố phá sản, nhiều cư dân tá hỏa vác đơn kêu cứu khắp nơi để đòi lại gần 200 tỷ tiền quỹ bảo trì đã nộp.

Trung bình người dân phải bỏ đến 8-11 tỷ đồng để mua một căn hộ tại Keangnam, giờ còn “mua” thêm nỗi lo mất tiền quỹ bảo trì. Ảnh: Như Ý.

Nhà giàu cũng khóc

Năm 2008, đỉnh điểm cơn sốt đất, tòa nhà Keangnam được bán với giá 3.000 USD/m2. Như vậy, trung bình, mỗi căn hộ có giá từ 8 – 11 tỷ đồng tùy vào diện tích. Nhiều khách hàng phải trả tiền chênh vài trăm triệu đồng để chọn được căn ưng ý. Sau hơn 4 năm đi vào sử dụng, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư liên tục căng thẳng liên quan đến phí bảo trì căn hộ.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng ban Quản trị nhà chung cư Keangnam nói rằng, Ban Quản trị ước tính, với tổng số 922 căn hộ, tiền quỹ bảo trì tòa nhà lên đến 185 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi).  “Theo Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, sau khi đưa nhà chung cư vào sử dụng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao cho Ban Quản trị số tiền quỹ bảo trì để phục vụ công tác bảo trì, duy tu tòa nhà. Nhưng 4 năm từ ngày có Ban Quản trị, Keangnam chưa hoàn trả số tiền này”, ông Cẩn nói.

Theo ông Cẩn, từ cuối năm 2012 đến nay, Ban Quản trị đã 11 lần làm việc với Công ty TNHH MTV Keangnam Vina qua văn bản, đề nghị làm rõ các thông tin liên quan về quỹ bảo trì tòa nhà và yêu cầu phía Keangnam chuyển lại toàn bộ quỹ cho Ban Quản trị hoặc làm thủ tục để Ban đồng sở hữu tài khoản quỹ bảo trì tại ngân hàng. Tuy nhiên, phía Keangnam Vina chỉ phúc đáp lại bốn lần. Lần phúc đáp gần nhất ngày 27/3/2015, phía Keangnam Vina thông báo tổng quỹ bảo trì tính đến ngày 27/3/2015 là hơn 125 tỷ đồng (đã bao gồm phần lãi suất ngân hàng); phần đã sử dụng là 1,7 tỷ đồng. Còn lại hơn 123 tỷ đồng, Keangnam Vina sẽ trả 5 tỷ đồng/tháng, từ nay đến năm 2039. Phương án này của Keangnam Vina không được cư dân ủng hộ do số tiền trả hàng năm còn thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Trước những thông tin lừa bán tòa Keangnam Việt Nam, Tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản khiến nhiều cư dân ở tòa nhà Keangnam Hà Nội như “ngồi trên lửa”. Ông Cẩn đại diện Ban Quản trị tòa nhà đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo gấp UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% đúng quy định. Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam phá sản, Chính phủ chỉ chấp nhận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam Hà Nội khoản phí bảo trì này.

Ông Trần Xuân Trạch, cư dân tòa nhà, chia sẻ: “Bỏ ra gần 7 tỷ đồng về sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam nhưng hơn 4 năm nay, cư dân ở đây quá khổ khi phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến chủ đầu tư như: phí dịch vụ, gửi xe. Đặc biệt, quỹ bảo trì của cư dân đang bị chủ đầu tư chiếm dụng và có nguy cơ không đòi được”. Chị Thúy Hiền bức xúc: “Căn hộ tôi có diện tích 118m2, lúc mua giá 2.580 USD/m2 và nhiều loại tiền đóng khác nhưng dịch vụ tại chung cư cao cấp này kém. Vệ sinh công cộng tại toà nhà bẩn, hành lang luôn bám đầy bụi. Tôi không nghĩ chủ đầu tư nước ngoài lại làm ăn thiếu chuyên nghiệp đến vậy”.

Cơ quan chức năng “bỏ rơi” cư dân?

Theo ông Cẩn, Trưởng Ban đại diện tòa nhà Keangnam, Ban Quản trị gửi 2 công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội để yêu cầu chính quyền vào cuộc giúp cư dân. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến chỉ đạo nào. Cư dân đang “đơn phương độc mã” trong việc đòi lại quyền lợi.

Về những rủi ro của khách hàng tại tòa Keangnam, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, cho biết, hiện luật có nhiều kẽ hở chủ đầu tư lợi dụng. Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của người mua nhà, với tư cách là bên yếu thế trong giao dịch với các Cty kinh doanh bất động sản. Theo ông Đức, gần 200 tỷ đồng tiền phí bảo trì chung cư là khoản tiền mà chủ đầu tư đang nợ người mua nhà. Nếu Cty phá sản, cư dân có nguy cơ mất số tiền đó. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, khoản nợ này không thuộc vào khoản nợ được ưu tiên trả trước các khoản nợ khác. Đây cũng là một sự hạn chế bảo vệ người mua nhà chung cư của Luật Nhà ở năm 2006 cũng như luật mới có hiệu lực từ  1/7/2015.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Vũ Minh Thảo, đại diện truyền thông của Keangnam Vina, cho biết: “Hiện Ban lãnh đạo Keangnam không biết việc mua bán tòa nhà. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Ban đại diện cư dân để làm rõ tiền quỹ bảo trì”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết: “Bộ không can thiệp giữa tranh chấp cư dân và chủ đầu tư tòa nhà Keangnam và cư dân có thể kiện chủ đầu tư để đòi quỹ bảo trì tòa nhà”.

———–

Tiền phong (Kinh tế) 16-5-2015:

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/cu-dan-toa-nha-keangnam-lo-bi-bo-roi-860473.tpo

(168/1.087)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,459