(ANVI) – (Hội thảo góp ý Bộ luật Thi hành án do VCCI tố chức ngày 01-3-2006):
Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 0322/PTM-PC ngày 17-02-2006, tôi xin đóng góp một số ý kiến cho Dự thảo 10 – Bộ luật Thi hành án đối với phần chung và phần thi hành án dân sự như sau:
- Về phạm vi thi hành án (Điều 2):
- Cần bổ sung một trong những văn bản được đưa ra thi hành là “văn bản công chứng” đã được các bên liên quan công nhận. Vì theo quy định hiện hành cũng như theo Dự luật Công chứng, thì việc công chứng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật một cách chặt chẽ, chính xác, tin cậy về chủ thể, hình thức và nội dung công chứng.
- Quy định thi hành văn bản công chứng vừa đề cao giá trị của văn bản công chứng (nhất là những văn bản bắt buộc phải công chứng theo quy định của pháp luật), vừa hạn chế bớt việc phải xét xử tốn kém, mất thời gian tại Toà án.
- Về ngày không được cưỡng chế thi hành án (khoản 3, Điều 24):
- Dự thảo quy định: “Không được tố chức cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động…” sẽ không xác định được cụ thể là những ngày nào. Vì Bộ luật Lao động chỉ quy định rõ 8 ngày nghỉ lễ, tết, còn ngày nghỉ hàng tuần được quy định trong Điều 72 như sau: “Người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào chủ nhật hoặc vào một ngày cố định khác trong tuần”.
- Do vậy, cần quy định: “Không được tố chức cưỡng chế thi hành án trong các ngày thứ bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động…”.
- Về thời hạn thi hành án dân sự (khoản 1, Điều 25):
- Dự thảo quy định: “Đối với bản án, quyết định về tài sản thì trong thời hạn mười năm đối với động sản, hai mươi năm đối với tài sản giao dịch có bảo đảm, ba mươi năm đối với bất động sản, kể từ ngày bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật…”. Như vậy dễ bị hiểu là: Thời hạn đối với bất động sản bình thường thì thời hạn được tính 30 năm, nhưng giao dịch bất động sản có bảo đảm thì lại chỉ được tính 20 năm.
- Do vậy, cần quy định: “Đối với bản án, quyết định về tài sản, thì trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 20 năm đối với động sản giao dịch có bảo đảm, 30 năm đối với bất động sản, kể từ ngày bán án, quyết định có hiệu lực pháp luật…”.
- Về quyền yêu cầu thi hành án (Điều 33):
- Nên quy định rõ việc người được thi hành án (cũng như người phải thi hành án) có được phép ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án hay không.
- Đoạn cuối cùng của Điều 33 quy định: Người làm đơn yêu cầu thi hành án là pháp nhân, thì phải có chữ ký của “người đại diện hợp pháp và đóng dấu pháp nhân” là chưa phù hợp với trường hợp chi nhánh pháp nhân được uỷ quyền tham gia tố dụng. Vì người đại diện hợp pháp nếu là đại diện theo uỷ quyền, thì khi yêu cầu thi hành án có thể chỉ đóng dấu của chi nhánh, chứ không nhất thiết phải “đóng dấu pháp nhân” (tương tự như đơn khởi kiện hiện nay).
- Về thi hành án theo đơn yêu cầu (Điều 42): Cần quy định rõ, Cơ quan thi hành án phải cấp giấy biên nhận khi nhận Đơn yêu cầu thi hành án, để làm căn cứ pháp lý xác định các thời hạn thi hành án.
- Về nghĩa vụ khai báo của người phải thi hành án dân sự (khoản 3, Điều 45): Cần thiết kế thêm 1 điều quy định rõ thời hạn người phải thi hành án có nghĩa vụ: “Khai báo trung thực tài sản, cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản của mình…” và xử lý những trường hợp không khai báo, cung cấp hoặc khai báo, cung cấp sai, gian dối.
- Về kê biên, cưỡng chế thi hành án đối với giấy tờ trị giá được bằng tiền (các điều từ 61 đến 64, Mục Thi hành án kinh tế):
- Việc kê biên, cưỡng chế thi hành án đối với giấy tờ trị giá được bằng tiền như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, thương phiếu và chứng khoán khác, cần được quy định tại mục chung về thi hành án dân sự, chứ không phải chỉ có trong mục về thi hành án kinh tế. Vì việc kê biên, cưỡng chế đó không chỉ có trong các vụ án về kinh doanh, thương mại mà có thể xảy ra ở bất kỳ vụ việc nào.
- Khoản 2 và 3 Điều 63 về trách nhiệm của doanh nghiệp, HTX không rõ ràng về nội dung:
- Khoản 2 không rõ HĐQT có buộc phải bán đấu giá cổ phiếu không;
- Khoản 3 không rõ là quy định riêng một tình huống độc lập với khoản 2 hay là bước xử lý tiếp theo khoản 2.
- Cần thay thế khái niệm “án kinh tế” (khoản 1, Điều 62) bằng án “kinh doanh, thương mại” cho phù hợp với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 15-6-2004. Đồng thời, cần thay thế khái niệm “thương phiếu” (khoản 3, Điều 62) bằng “hối phiếu” cho phù hợp với Luật các công cụ chuyển nhượng ngày 29-11-2005 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2006).
- Về mua bán phần vốn góp hoặc cổ phần (Điều 63, 64):
- Dự thảo mới chỉ quy định việc công ty phải mua lại, việc bán cho thành viên có quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần và việc bán đấu giá cổ phần. Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty còn phải thực hiện một số quy định của pháp luật theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 01-7-2005) như:
- Việc mua lại phần vốn góp, cổ phần của công ty phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Không được giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn mức vốn pháp định (đối với doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề phải có vốn pháp định);
- Phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác (Điều 43, 92);
- Chỉ được mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán (Điều 91);
- Phải bảo đảm số lượng thành viên tối thiếu của công ty TNHH có 2 thành viên trở lên là 2 và công ty cổ phần là 3 (Điều 77);
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác (Điều 81);
- Trong 3 năm đầu, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nếu chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập, thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Điều 84);
- Tổng Giám đốc phải sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty, nếu không thuộc trường hợp đáp ứng được các điều kiện khác (Điều 57);
- Thành viên HĐQT phải sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông, nếu không thuộc trường hợp đáp ứng được các điều kiện khác (Điều 110).
- Việc mua lại phần vốn góp, cổ phần của công ty phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Do vậy, cần quy định rõ có được phép bỏ qua (trong một thời hạn nhất định) hay phải tuân thủ đúng các khống chế nói trên. Nếu phải thực hiện đúng, thì nhiều trường hợp sẽ không thể xử lý được. Ngoài ra, cũng cần quy định rõ, nếu người phải thi hành án không giao nộp cổ phiếu, trái phiếu thì xử lý thế nào. Có thể quy định tương tự khoản 2, Điều 84: Nếu người phải thi hành án cố tình không giao lại các giấy tờ liên quan đến bất động sản bị kê biên, thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký bất động sản tuyên bố vô hiệu các giấy tờ đó và cấp lại giấy tờ mới.
- Về tài sản không được kê biên là đồ thờ cúng (khoản 1, Điều 87):
- Dự thảo quy định không được kê biên “đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương”. Tuy nhiên, có thể có loại đồ thờ cúng thông thường nhưng lại là đồ cổ, đồ bằng vàng, bạc, kim khí quý, đá quý,… có giá trị rất lớn.
- Do vậy, cần quy định tương tự như điểm b, khoản 1: Đối với công cụ lao động có giá trị lớn, vẫn kê biên, bán để thi hành án nhưng trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn.
- Về thứ tự thanh toán tiền thi hành án (Điều 98):
- Dự thảo quy định “Tiền phạt, tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, truy thu tiền thu lợi bất chính và các khoản thu khác cho ngân sách Nhà nước” được thu trước các khoản phải trả khác là không hợp lý, gây thiệt thòi lớn cho những người được thi hành án khác.
- Cần quy định các khoản thu cho Nhà nước được tiến hành đồng thời với các khoản phải trả người được thi hành án không có bảo đảm (tương tự với việc phân chia tài sản trong Luật Phá sản doanh nghiệp).
- Về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao nhà (Điều 101):
- Dự thảo quy định “yêu cầu cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà” là không khả thi và là vô nhân đạo, nếu đẩy họ ra đường. Do vậy, cần quy định nguyên tắc bố trí chỗ ở tạm thời cho người phải thi hành án như.
- Dự thảo quy định: Nnếu người phải thi hành án không đến nhận số tiền bán tài sản trong trường hợp cưỡng chế ra khỏi nhà, thì “được gửi tiết kiệm không kỳ hạn tại Ngân hàng” là không phù hợp với quy định của pháp luật Ngân hàng: Tiền gửi tiết kiệm phải đứng tên cá nhân. Do vậy, chỉ nên quy định số tiền này “được gửi không kỳ hạn tại ngân hàng”.
- Về thi hành án dỡ bỏ một phần ngôi nhà, công trình (Điều 102):
- Dự thảo quy định “Cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, nếu việc thi hành án gây tốn kém hơn thanh toán bằng tiền cho người bị lấn chiếm diện tích hoặc có nguy cơ gây mắt an toàn ngôi nhà, công trình” là không khả thi, vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về trình tự, thủ tục xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp này.
- Do vậy, cần quy định cụ thể hơn về trình tự xem xét lại bản án, quyết định của Toà án, đồng thời xem xét để bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về kỹ thuật xây dựng văn bản:
- Khi viện dẫn các quy định cụ thể của luật khác (khoản 1, Điều 19; khoản 3, Điều 117,…), chỉ nên viện dẫn vấn đề, còn điều luật cụ thể nên để trong ngoặc đơn (với ý nghĩa là không có cũng được), để nếu sau này các điều luật được viện dẫn có sự thay đổi thì vẫn không ảnh hưởng đến quy định trong Bộ luật này (tránh tình trạng không có căn cứ thực hiện khi luật khác thay đổi).
- Những câu dẫn dắt ngay sau tên điều và trước các khoản, nhưng lại không thuộc kết cấu khoản nào, thì cần phải được loại bỏ hoặc thiết kế thành các khoản của Điều luật (các điều 2, 4, 6, 7, 8, 17, 19, 20, 21, 44, 45, 49, 53, 70, 73, 75, 108, 122, 124, 125,…).
- Những câu đặt ở cuối khoản, điểm, nhưng lại không thuộc kết cấu khoản hoặc điểm trên đó, thì cần phải đưa thành một khoản riêng. Ví dụ, như đoạn “Người làm đơn yêu cầu thi hành án là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ;…” được viết ngay sau điểm h, khoản 2, Điều 33, phải là khoản 3, chứ không thể thuộc điểm h hoặc một điểm khác thuộc khoản 2 của Điều này.
—————————–
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070