(ANVI) – Góp ý xây dựng Bộ luật Thi hành án:
Về Nghĩa vụ của người được thi hành án dân sự (khoản 1, Điều 13): Không nên quy định người được thi hành án “có nghĩa vụ chứng minh tài sản thực có của người phải thi hành án” (trong khi điểm h, khoản 1, Điều 39 lại xác định đây là thông tin “nếu có”).
- Về Nghĩa vụ của người phải thi hành án dân sự (khoản 2, Điều 13 và khoản 2, Điều 51): Cần quy định rõ thời hạn người phải thi hành án phải khai báo tài sản là bao nhiêu ngày và chịu chế tài gì nếu không khai báo hoặc khai báo sai, gian dối.
- Về Chấm dứt nghĩa vụ thi hành án (điểm a, khoản 1, Điều 18): Ngoài việc người phải thi hành án chết mà không có người thừa kế nghĩa vụ, thì cần bổ sung điều kiện không còn tài sản thừa kế.
- Về Cưỡng chế thi hành án (khoản 3, Điều 32): Cần quy định để xác định rõ thế nào là ngày nghỉ không được cưỡng chế thi hành án, vì pháp luật lao động chỉ quy định 8 ngày nghỉ lễ, tết, mà không xác định cụ thể các ngày nghỉ khác.
- Về Thời hiệu thi hành án (khoản 5, Điều 33): Quy định việc Tòa án chỉnh sửa lại bản án, quyết định, thì không thể tính “thời hiệu thi hành án tính từ ngày bản án, quyết định mới của Tòa án có hiệu lực pháp luật”, vì trong trường hợp đó, không có bản án, quyết định mới (nếu xử lại thì đương nhiên phải tính lại từ đầu).
- Về Thời hiệu thi hành án (khoản 5, Điều 33): Quy định “Trong trường hợp Cơ quan thi hành án trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án hoặc cho người phải thi hành án, thì thời hiệu thi hành án được tính từ ngày thụ lý đơn yêu cầu thi hành án mới của họ trong phạm vi thời hiệu thi hành án” là không bảo đảm quyền của người được thi hành án (nếu trong 3 năm chưa thi hành được, mặc dù người được thi hành án có yêu cầu).
- Về Quyền yêu cầu thi hành án (khoản 1, Điều 39): Cần quy định rõ việc người được thi hành án, người phải thi hành án có được phép ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án hay không.
- Về Thi hành án theo đơn yêu cầu (Điều 48): Cần quy định rõ, việc Cơ quan thi hành án cấp giấy biên nhận yêu cầu thi hành án để làm căn cứ pháp lý xác định các thời hạn thi hành án.
- Về Thông báo các quyết định thi hành án (Điều 49): Cần quy định rõ việc chuyển giao và xác nhận các giấy tờ thi hành án được thực hiện bằng việc thông báo (hành động thông báo) hay giấy thông báo.
- Về Thi hành án phá sản, kinh tế, lao động, hành chính,… (các điều từ 63 đến 79): Một số điều trùng lặp, một số điều quy định riêng cho việc thi hành án kinh tế, lao động,.. là chưa chính xác. Ví dụ: Điều 70 (Thi hành án đối với chứng khoản) không chỉ áp dụng đối với án kinh tế, mà đối với dân sự nói chung.
- Về Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án (khoản 2, Điều 69): Không thể quy định bắt buộc các Ngân hàng phải mua lại cổ phiếu hoặc phải bán đấu giá cổ phiếu. Chỉ nên quy định, việc bán đấu giá phải thực hiện theo các quy định có liên quan của pháp luật về điều kiện chuyển nhượng cổ phần (ví dụ, chuyển nhượng từ 20% vốn cổ phần trở lên phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép), về người được phép mua (ví dụ, một cá nhân không được sở hữu quá 15% vốn cổ phần của Ngân hàng), về người được phép bán (ví dụ, các cổ đông sáng lập phải chiếm giữ tối thiểu 20% cổ phần phổ thông nhất định trong 3 năm đầu theo quy định của Luật Doanh nghiệp).
- Về Thi hành án lao động (Điều 71 và 72): Cần đề cập đến việc thi hành án đối với loại hình thức kỷ luật khác như cách chức, chuyển sang làm việc khác có mức lương thấp hơn.
- Về Kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp (khoản 1, Điều 89 và khoản 1, Điều 94): Không thể quy định việc cơ quan thi hành án kê biên tài sản đang được “cầm cố, thế chấp, bảo lãnh” hợp pháp. Nếu kê biên, thì người nhận cầm cố, thế chấp không thể xử lý được để thu hồi nợ. Chỉ cần quy định Cơ quan thi hành án ra quyết định phong tỏa phần giá trị tài sản còn lại.
- Về Tài sản không được kê biên (khoản 1, Điều 96): Cần quy định xử lý tài sản trong trường hợp đồ thờ cúng có giá trị lớn (ví dụ đồ thờ cúng loại thông thương nhưng chất liệu bằng vàng, bạc, đồng đen,…).
- Về Người không được tham gia mua tài sản kê biên bán đấu giá (Điều 104): Cần quy định rõ thành viên cơ quan thẩm định giá, thủ trưởng, chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án,… không được mua tài sản đấu giá trong vụ việc liên quan trực tiếp hay trong phạm vi công việc của một cơ quan thi hành án, hay trong phạm vi cả nước.
- Về Thứ tự thanh toán tiền thi hành án (khoản 1, Điều 107): Không nên ưu tiên các khoản tiền thu cho Nhà nước trước khi trả cho đối tượng khác.
- Về Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ giao nhà (khoản 1, Điều 110): Cần quy định nguyên tắc bố trí nhà ở tạm thời cho người phải thi hành án như, dọn đến nơi do Nhà nước bố trí, do cơ quan thi hành án thuê tạm, vì sẽ là không khả thi và vô nhân đạo nếu đẩy họ ra đường theo quy định “yêu cầu cưỡng chế đưa họ ra khỏi nhà”.
- Về Thi hành án dỡ bỏ một phần ngôi nhà để trả lại diện tích lấn chiếm (Điều 111): Quy định “Cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, nếu việc thi hành án gây tốn kém hơn thanh toán bằng tiền cho người bị lấn chiếm diện tích hoặc có nguy cơ gây mắt an toàn ngôi nhà” chỉ khả thi, khi có quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp này.
- Về Diện tích đất để lại cho người phải thi hành án (Điều 118): Cần xác định thời hạn đối với quy định “Cấm người phải thi hành án chuyển nhượng diện tích đất được để lại” (ví dụ khi đã thi hành xong nghĩa vụ hoặc đã hết thời hiệu thi hành án).
- Về hồ sơ, tài liệu thi hành án (khoản 2, Điều 30; khoản 2, Điều 41; khoản 2, Điều 45; khoản 3. Điều 105): Nên xác định rõ Bản án, quyết định dân sự của Tòa án; Quyết định thi hành án, Quyết định kê biên tài sản,… là bản chính, bản sao có hay không có công chứng chứng thực.
- Một số từ ngữ chưa chính xác hoặc thiếu bao quát như “tỷ giá” ở khoản 3, Điều 68 (chỉ có khác loại tiền mới có tỷ giá); “cổ phần” ở khoản 1, Điều 69 (thiếu phần vốn góp ở các loại hình doanh nghiệp khác); “mức tiền bồi thường tối đa” ở Điều 71 (không có mức “tối thiểu”); “phí, chi phí học nghề, dạy nghề” ở khoản 2, Điều 72 (thiếu “chi phí đào tạo” theo quy định của Bộ luật Lao động); “lấn chiếm của người khác” ở Điều 111 (thiếu “lấn chiếm đất công cộng”; “nghĩa vụ cấp dưỡng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000” ở Điều 115 (thiếu các nghĩa vụ dân sự cấp dưỡng khác phát sinh ngoài hợp đồng).
—————————–
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070