Kẻ cười, người khóc
(ANVI) – Thực hiện đúng quy định tại Điều khoản 91.2, Bộ luật Lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khuyến nghị tăng lương tương đối mạnh trong năm 2015.
Ví dụ, lương tối thiểu vùng đắt đỏ nhất dự kiến tăng lên 3,4 triệu đồng/tháng, tức gần 26% so với mức cũ, để kịp đạt “70% mức sống tối thiểu cho người lao động”. Tăng lương thì khối người vừa cười, vì kiếm thêm được tí, nhưng rồi lại khóc ngay, bởi giá cả thị trường dễ tăng đua cùng lương.
Bộ Tài chánh thì thưa, đào đâu ra tiền mà tăng. Chủ tịch Quốc hội thì nói, không thể không tăng được đâu. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp bỗng dưng muốn khóc vì đang trong cơn khốn khó thì lấy gì mà tăng?
Nhưng đôi khi, dù lương thấp tẹt mà lao công vẫn cứ lao đầu cắm cổ vào làm. Đâu có ai cưỡng bức lao động? Đơn giản là cuộc sống sinh tồn nó bắt. Không làm thì trộm cắp hay ăn mày mà sống à? Thế nên, cao thì chủ không có tiền trả công, mà thấp thì lao động không đủ sống, nhưng vì miếng cơm manh áo, vẫn đâu vào đó.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội đã từng nói “Chưa có nước nào trong cơ chế thị trường lại quy định lương tối thiểu mà chỉ quy định sàn lương tối thiểu”. Nếu coi “sức lao động là một loại hàng hóa” thì cớ gì lại không cho người mua, kẻ bán thoải mái thỏa thuận về lương, thấp cao đều được. Anh có sức dài, vai rộng, giống tốt sẽ no cơm ấm cật. Anh năng lực có hạn, thủ đoạn vô biên, dĩ nhiên lương còm. Vậy thì, chỉ cần quy định nạp bảo hiểm tối thiểu, thay vì lương tối thiểu???
Ngày 15-10-2014