701. Được đề nghị khởi tố mới có thể giải quyết xong nợ xấu

(ANTT) – “Câu chuyện 40.000 tỷ nợ xấu VAMC cần giải quyết chỉ là trong ngắn hạn, điều chúng ta cần làm bây giờ chính là quản trị rủi ro để vấn đề không còn lặp lại trong thời gian tới” – vấn đề giảm trừ và giải quyết nợ xấu dưới góc nhìn pháp lý được các chuyên gia phân tích ở nhiều góc độ tại hội thảo do Hội luật gia và Báo Đời sống & Pháp luật tổ chức.

Chiều qua (ngày 12/06/2015), Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Điện tử Người Đưa Tin đã tổ chức hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015 dưới góc nhìn pháp lý”.

Thời gian qua, nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng luôn là mối quan tâm của hầu hết các Cơ quan quản lý, các nhà điều hành và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những nỗ lực để giảm trừ và giải quyết nợ xấu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thông qua việc thành lập Công ty Quản lý tài sản VAMC được đánh giá là có những bước chuyển biến tích cực.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật – ông Nguyễn Tiến Thanh nhận định: “Nhằm tăng cường xử lý nợ xấu về đúng chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra, NHNN và các Bộ, Ban, Ngành chuyên môn rất cần có những ý kiến của các chuyên gia từ các ngành, các lĩnh vực, những nhà tài chính đóng góp để từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện hơn trong việc giải quyết vấn đề này dưới góc độ pháp lý”.

Ông Nguyễn Tiến Thanh – Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Tôi tin những đóng góp trong buổi hội thảo hôm nay sẽ giúp chúng tôi, giúp NHNN có những giải pháp tốt hơn để giải quyết về mặt pháp lý – vấn đề đang mắc mớ nhất hiện nay trong giải quyết nợ xấu”.

Bàn luận về nợ xấu, các chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, luật pháp như TS Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV hay TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung Ương, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội… đều đưa ra những góc nhìn khác nhau về vấn đề giải quyết thiết thực nhất hiện nay, đặc biệt là kiến nghị về hành lang pháp lý.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Khi so sánh về thực trạng nợ xấu của Việt Nam với quốc tế, chúng ta quyết liệt xử lý nhưng vẫn còn rất cao”.

Dẫn chứng về ý kiến của mình, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống TCTD Việt Nam vào cuối năm 2014 vẫn còn chiếm tới 4,83% (chỉ thấp hơn Pakistan 13% và Nga 6,6%). Ông Lực cũng nên ra bộ 6 giải pháp xử lý nợ xấu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phương án chuyển nợ thành vốn góp và vấn đề mua bán nợ của VAMC.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng thẳng thắn nhận định những khó khăn, thách thức đặt ra trong vấn đề giảm trừ và giải quyết dứt điểm nợ xấu tại Việt Nam chủ yếu năm ở việc khó xử lý tài sản đảm bảo, thị trường mua bán nợ chưa phát triển, nguồn lực của VAMC còn khá yếu (tăng từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng sau tháng 3/2015)… và vấn đề pháp lý vẫn là khúc mắc lớn nhất.

Ông kiến nghị đề xuất quốc hội đề nghị NHNN khẩn trương hướng dẫn thực hiện Nghị định 34//2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 (Nghị định 53) về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Nghị định 34 đã có hiệu lực từ 5/4/2015, cho đến nay đã hơn 2 tháng nhưng thực tế chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn về vấn đề này” – ông Lực cho biết.

Tham luận tại hội thảo về kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở nước ngoài, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định: “Không giống như Hy Lạp, Việt Nam xử lý nợ xấu trong điều kiện mang tính đặc thù không được sử dụng ngân sách, không được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tiền tệ nên cần sự chung tay của cả hệ thống”.

Nhìn ở một góc độ khác, TS Võ Trí Thành cho rằng, ở thời điểm hiện tại, “hãy khoan bóc tách xem xét nguyên nhân gây nên nợ xấu là do ai, mà việc cần làm bây giờ – là phải tìm ra giải pháp tháo gỡ, đã đến lúc xử lý quyết liệt và dứt điểm nợ xấu”.

Đồng tình với các ý kiến của các diễn giả tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng cần phải có một đạo luật về xử lý nợ xấu. “Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của “chủ nợ”, thay vì “con nợ”, tức là bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hóa trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý”, LS Đức nêu quan điểm.

Toàn cảnh buổi hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015 dưới góc nhìn pháp lý”

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Tài sản VAMC, nếu VAMC được giao cho 4 quyền: quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền cưỡng chế tài sản đảm bảo, quyền đề nghị khởi tố với các khách hàng chây ì không trả nợ, quyền tiến hành đấu giá tài sản đảm bảo mà không cần sự đồng ý hay không của khách hàng có nợ xấu, thì nợ xấu mới có thể giải quyết triệt để, có tiền cũng không xử lý được. Hiện nay VAMC mới đang mua các khoản nợ từ tổ chức tín dụng, nhưng nếu không xử lý được các khoản nợ đó thì 3 năm, 5 năm sau chính VAMC lại là nguyên nhân gây thất thoát tài sản.

“Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, việc thành lập VAMC chính là phương án tối ưu nhất của Ngân hàng Nhà nước. Từ sau khi ra đời, nợ xấu không còn là “khối u” khiến tín dụng tắc nghẹn mà đã phát huy được vai trò rõ nét của mình, khiến đường thông hè thoáng hơn” – Chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản đảm bảo VMAC nhận định.

Như vậy, từ các góc độ khác nhau của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý và cơ quan chức năng, vấn đề giảm trừ và giải quyết nợ xấu được đem ra phân tích khách quan trên tinh thần xây dựng, đóng góp tiếng nói đến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước những đề xuất để thiết lập những cơ chế và phương thức tốt nhất .

“Nợ xấu chúng ta không chỉ nhìn ở con số 40.000 tỷ hay vài trăm nghìn tỷ cần phải xử lý, mà nó còn là vấn đề lâu dài. Hệ thống tín dụng Việt Nam không phải chỉ tồn tại năm nay, năm sau mà còn là thế kỉ 22, 23 hay hàng nghìn năm về sau nữa. Điều quan tọng là quản trị rủi ro trong tương lai để vấn đề này không còn xảy ra nữa” – TS Trương Văn Phước , Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát quốc gia lên tiếng.

Hoa Liên

——————————-

An ninh Tiền tệ (Tài chính – Ngân hàng) 13-6-2015:

http://antt.vn/duoc-de-nghi-khoi-to-moi-co-the-giai-quyet-xong-no-xau-019759.html

(154/1.454)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426