705. ‘Xử’ nợ xấu cần hành lang pháp lý rộng

(NĐT) – Tại Hội thảo giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015, các chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp lý đã cùng “mổ xẻ” câu chuyện nợ xấu và xử lý nợ xấu qua lăng kính pháp lý.

Hội thảo do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chỉ đạo Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Điện tử Người Đưa Tin đã tổ chức để từ góc nhìn về pháp lý đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế, tháo gỡ “cục nợ xấu” mà như các chuyên gia vẫn ví là “cục máu đông” của nền kinh tế.

TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định điểm “nghẽn” lớn nhất của xử lý nợ xấu hiện nay là môi trường pháp lý. Ảnh: Đức Hiếu

Khơi thông dòng chảy xử lý nợ xấu

Mở đầu câu chuyện về nợ xấu, ông Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói: “Chúng ta đang bàn về một vấn đề đã được nói nhiều.” Thừa nhận những biện pháp rốt ráo và quyết liệt mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong hai năm qua đã góp phần thu nhỏ “cục nợ xấu” song ông Kiêm thẳng thắn “vấn đề đang bị tắc lại.” Bằng kinh nghiệm của một người nhiều năm quản lý và nghiên cứu chính sách, ông Kiêm chỉ ra 3 điểm khiến dòng chảy xử lý nợ xấu bị “nghẽn” là: môi trường pháp lý, sự phối hợp các bên liên quan và vốn.

Hệ thống pháp lý là một trong những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện khi giải quyết triệt để nợ xấu. “Chúng ta kiên trì đề xuất Quốc hội có một văn bản để giải quyết tất cả những vướng mắc trong vấn đề xử lý nợ xấu,” TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQH ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói. Lường trước đây không phải là việc dễ dàng bởi theo TS. Cấn Văn Lực “tính đồng thuận trong Quốc hội hiện nay chưa phải là cao.”

Cũng giống như TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Cấn Văn Lực “đánh giá cao những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua” song ông cho rằng còn rất nhiều việc phải làm vì “nợ xấu của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực.” Trong bộ 6 giải pháp đưa ra nhằm xử lý lâu dài và triệt để nợ xấu TS. Lực đặc biệt chú ý đến giải pháp chuyển nợ thành vốn góp và mua bán nợ xấu.

TS. Cấn Văn Lực kiến nghị cần nâng cao chất lượng phối hợp giữa các bộ ngành, hoàn thiện cơ chế xử lý nợ xấu. Ảnh Đức Hiếu

Trong tương quan so sánh VAMC với các mô hình xử lý nợ xấu của 3 nước từng thành công trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia, TS. Cấn Văn Lực nhắc nhiều lần sự khác biệt về “đặc quyền xử lý”. Để việc xử lý nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả cần thiết tạo “cơ chế đặc thù” cho VAMC.

Dường như nhìn nhận của TS. Cấn Văn Lực đã “gãi đúng chỗ ngứa” của TS. Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC: Nhà nước phải có bộ luật về xử lý nợ xấu, VAMC cần được trang bị đầy đủ về “nguồn lực” thì mới giải quyết triệt để được vấn đề. Nguồn lực, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng không chỉ là tài chính và con người, một điều đặc biệt quan trọng là: “hành lang pháp lý”. Thậm chí, một sắc luật về xử lý nợ xấu để có thể xử lý nhanh chóng và triệt để các khoản nợ đã mua.

Là một nhà quản lý báo chí song ông Nguyễn Tiến Thanh – Tổng biên tập báo Người đưa tin – trong phát biểu đề dẫn đã “bắt” rất đúng bệnh “quy định về xử lý nợ xấu vẫn còn vướng mắc nhiều trong cơ chế thủ tục pháp lý”. Từ đó ông Tiến Thanh đề xuất phương thuốc đặc trị “cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sâu để phòng trừ và ngăn cản nợ xấu tác động tiêu cực đến nền kinh tế và những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.”

Xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết dứt điểm nợ xấu cũng được sự đồng thuận của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – khi chỉ ra vướng mắc lớn nhất gây khó khăn cho xử lý nợ xấu ngân hàng là “sự cản trở pháp lý.” Ông Đức cho rằng quy định pháp luật tưởng chừng chẳng liên quan đến xử lý nợ xấu của ngân hàng, nhưng cuối cùng lại trở thành những “điểm nghẽn” ngăn trở việc xử lý nợ xấu.

Bài học chung về xử lý nợ xấu của thế giới, theo TS. Nguyễn Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương – chỉ xoay quanh 2 từ “quyết liệt và dứt điểm”. Và để quyết liệt và dứt điểm cần phải có pháp lực, quyền lực, năng lực, tài lực … và tốc độ.

Vấn đề của cả hệ thống

Mặc dù chỉ tham luận về kinh nghiệm xử lý của Hy Lạp dưới góc độ kinh tế song, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đã nói nhiều hơn với các phóng viên bên ngoài hành lang hội thảo. Đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng hệ thống ngân hàng đã có những động thái kiên quyết và khôn ngoan. Không giống như Hy Lạp, Việt Nam xử lý nợ xấu trong điều kiện mang tính đặc thù không được sử dụng ngân sách, không được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tiền tệ nên cần sự “chung tay” của cả hệ thống.

Đây cũng là điều TS. Cấn Văn Lực đã nhìn nhận khi chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến nợ xấu: yếu tố khách quan, bản thân khách hàng vay vốn, chủ quan ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Thành cùng quan điểm: nói nợ xấu của hệ thống ngân hàng là chưa chính xác. Lâu nay, theo ông Trí Thành, có một “lập luận” rằng ngân hàng là “bọn” gây ra tội ác, “ăn” nhiều rồi, giờ phải “xử”.

Coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm không chỉ của các ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức cho hay chúng ta xử lý nợ xấu trong bối cảnh thị trường sản xuất kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng còn trong cơn “ốm yếu” nên “nguy cơ lớn” cho hệ thống ngân hàng và cả hệ thống vẫn còn đó.

Cùng quan điểm với luật sư Trương Thanh Đức, TS.Vũ Đình Ánh nhận định quá trình xử lý nợ xấu “cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức đơn vị có liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực phi pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng, đặc biệt là liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp.”

Theo TS. Cấn Văn Lực, chúng ta có 7 điểm khác biệt khi xử lý nợ xấu so với nước ngoài khiến quá trình xử lý “không dễ dàng”. 3 vấn đề cốt yếu trong đó là: doanh nghiệp nhà nước, chưa có thị trường mua bán nợ và nguồn lực hạn hẹp “con nhà nghèo”. Luật sư Trương Thanh Đức bổ sung, các nền móng về định chế, luật pháp, giúp các ngân hàng có thể bán nợ xấu với giá trị cao nhất chưa hoàn chỉnh.

TS. Nguyễn Trí Thành cho rằng đã đến lúc xử lý quyết liệt và dứt điểm nợ xấu. Ảnh Đức Hiếu

Chốt lại, TS. Nguyễn Trí Thành khẳng định “thời điểm này chúng ta rất cần đẩy mạnh và quyết liệt, trước làm nửa vời vì cần ổn định kinh tế vĩ mô, nay cần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Cục nợ xấu này cứ để đầy rẫy không xử lý thì làm sao lành mạnh hóa ngân hàng được?”.

Không chỉ xử lý ở hiện tại, theo TS. Cấn Văn Lực, quản lý nợ xấu còn là câu chuyện của tương lai: “Chúng ta làm bây giờ nhưng không được quên tương lai, tương lai là gì? là quản trị rủi ro như thế nào để tương lai rủi ro không xảy ra nữa?”

H.Hưng

——————————

Người đưa tin (Kinh doanh) 13-6-2015:

http://www.nguoiduatin.vn/xu-no-xau-can-hanh-lang-phap-ly-rong-a193742.html

(198/1.486)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,442