(DĐDN) – Trao đổi về vấn đề DN khởi kiện các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết pháp luật không thừa nhận việc khởi kiện các văn bản mang tính pháp quy.
– Thưa ông, rất nhiều DN đang lo lắng sẽ tiếp tục bị áp dụng hàng loạt điều kiện kinh doanh (ĐKKD) còn nằm ở khoảng 1.700 thông tư. Trong khi theo Luật Đầu tư sửa đổi sắp có hiệu lực từ 01/7, các dạng ĐKKD này không còn hiệu lực. Vậy họ có thể khởi kiện ra tòa án không?
Trước tiên phải nói ngay rằng, việc khởi kiện các ĐKKD trái thẩm quyền hay cơ quan ban hành ĐKKD trái thẩm quyền, pháp luật về khởi kiện hành chính hiện nay chưa có quy định. Hiện tại, pháp luật hành chính mới chỉ cho phép khởi kiện hành vi hành chính, hay quyết định hành chính. Pháp luật không thừa nhận việc khởi kiện các văn bản mang tính pháp quy. DN không có quyền khởi kiện thông tư hướng dẫn, hay đơn vị ban hành thông tư.
– Vậy trong trường hợp, DN cứ bỏ qua các ĐKKD của các thông tư hướng dẫn mà kinh doanh bình thường thì sẽ có những hậu quả pháp lý gì, thưa ông?
Tôi đồng tình với quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, DN không cần phải thực hiện những ĐKKD đã không còn hiệu lực pháp luật, trái pháp luật. Nếu cơ quan quản lý nhà nước ra các quyết định ngăn cản, xử phạt thì lúc đó DN mới có quyền khởi kiện hành chính. Tất nhiên, phải có những vụ án kiểu như vậy thì tòa án mới xét ngược trở lại các ĐKKD trái thẩm quyền và họ có thể kiến nghị cơ quan ban hành hủy bỏ nó.
– Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang tiếp cận theo hướng, tòa án buộc phải xét xử tất cả các yêu cầu của đương sự cho dù pháp luật hiện hành chưa có quy định. Vậy DN có thể khởi kiện dân sự các ĐKKD, hay cơ quan ban hành ĐKKD không, thưa ông?
Đúng là dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định đó. Đây là một quy định rất tiến bộ. Tuy nhiên, ĐKKD lại là vấn đề của hành chính. Tòa dân sự sẽ chuyển vụ việc sang tòa hành chính. Và đương nhiên, tòa hành chính thì không có thẩm quyền như tòa dân sự. Thẩm quyền của tòa hành chính là những việc đã được nói ở trên.
– Vậy là DN muốn khởi kiện thật ra như “con kiến mà leo cành đa”, thưa ông?
Không hẳn vậy, việc DN khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước, ở cả địa phương và trung ương đối với những hành vi hành chính, thông qua các quyết định hành chính là hoàn toàn đúng luật. Những vụ việc khởi kiện như vậy tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi. Thường những DN khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước là việc làm được cho là bị đẩy vào “bước đường cùng” hay nói cách khác là không còn gì để mất.
Bởi vì DN thừa biết cho dù có thắng kiện thì kết cục cũng không bao giờ có lợi cho họ. Họ còn dám ở địa phương đó kinh doanh hay kinh doanh lĩnh vực đó không? Chúng ta chưa có một cơ chế đủ độ công khai minh bạch để họ hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình không bị phân biệt đối xử hay nói cách khác “xếp vào danh sách đặc biệt”, khi đi kiện cơ quan quản lý nhà nước.
– Nói như ông, văn hóa khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước khó có đất sống tại VN?
Trước tiên cần phải xác định rõ, DN khởi kiện cơ quan quản lý có tốt không? Theo tôi điều này rất tốt và cần trở thành một động lực để phát triển. Nguyên nhân của việc nó khó có thể được chấp nhận tại Việt Nam bởi hai lý do. Trước tiên là việc công khai minh bạch của các cơ quan hành chính. Tại các nước phát triển, dân và DN kiện cơ quan quản lý nhà nước là chuyện hết sức bình thường. Tất cả các hoạt động hành chính, tư pháp, lập pháp đều rất công khai minh bạch.
Tiếp đến là tư duy về dân chủ. Tại các nước phát triển, ai hay cơ quan nào cũng phải coi pháp luật là tối thượng, nếu vi phạm thì đều bị xử lý bình đẳng như nhau. Trong mỗi con người, mỗi cơ quan ở Việt Nam, đây là vấn đề chưa dễ để làm quen. Muốn để cho việc DN, người dân khởi kiện quan cơ quan quản lý nhà nước trở thành văn hóa, động lực thì nâng cao tư duy dân chủ là điều quan trọng hơn cả.
– Xin cảm ơn ông!
Bá Tú thực hiện
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 22-5-2015:
http://dddn.com.vn/phap-luat/chua-co-tien-le-khoi-kien-van-ban-phap-quy-20150521030411957.htm
(902/902)