709. Cần thêm một đạo luật xử lý nợ xấu

(ĐTCK) – Tại Hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015 dưới góc nhìn pháp lý” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia nhắc lại một vướng mắc không mới, nhưng chậm được tháo gỡ, đó là thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ mạnh cho xử lý nợ xấu.

Lãi suất chậm thi hành án hiện là 9%/năm, rẻ hơn lãi suất vay trong hạn và thấp hơn nhiều so với lãi suất quá hạn

Hơn 310 ngàn tỷ đồng được xử lý, nợ xấu vẫn cao

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 3 năm thực hiện (2012 – 2014), tổng giá trị các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng (riêng trong 2 tháng đầu năm 2015, số nợ xấu được xử lý là 7.900 tỷ đồng), tương đương 67% tổng giá trị nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án Xử lý nợ xấu. Trong đó, số nợ xấu được “gom” vào VAMC, tính từ khi Công ty được thành lập đến nay đạt 147.263 tỷ đồng, với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng.

Việc xử lý nợ xấu tại VAMC, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, đã thực hiện bán 68 khoản nợ của 10 khách hàng với tổng giá trị nợ gốc là 2.306 tỷ đồng, giá bán nợ là 1.773 tỷ đồng; thực hiện bán tài sản đảm bảo của 13 khoản nợ với giá 490 tỷ đồng.

Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD vẫn cao. Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cùng kỳ 2013 là 3,61%). Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu lại có chiều hướng tăng trở lại, chiếm tỷ lệ 3,59% tổng dư nợ.

Ông Hùng thừa nhận, tốc độ xử lý nợ xấu còn rất chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua của VAMC còn gặp phải một số khó khăn, bất cập.

Nhiều rào cản pháp lý

Phân tích nguyên nhân nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm chậm, trao đổi với ĐTCK, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các tổ chức tín dụng và cơ quan pháp luật đang bất lực trước việc chây ỳ trả nợ của con nợ.

Khi đã bị kiện ra toà, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tìm đủ cách để trì hoãn, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Hậu quả là thời hạn để xử lý một khoản nợ phải tính bằng nhiều năm. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ xấu tích tụ chồng chất.

“Kết quả xử lý nợ phụ thuộc quá nhiều vào thiện chí của con nợ, vào sự ban ơn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thay vì phải dựa vào luật”, luật sư Đức nói.

Ông Đức cũng chỉ rõ “thủ phạm” chính cản trở tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng là hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, tạo mảnh đất tốt cho con nợ lợi dụng chây ỳ tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. 

Luật sư Đức lấy ví dụ, nếu lãi suất vay ngân hàng trong hạn là 10%/năm, thì lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm (theo quy định tại khoản 2, Điều 11 về “Lãi suất cho vay”, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN) hoặc 19%/năm (theo quy định tại khoản 5, Điều 474 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Bộ luật Dân sự năm 2005). Với những khoản nợ có nguồn gốc từ nhiều năm trước, thì lãi suất quá hạn thường cao hơn thế, thậm chí lên đến 30%/năm.

“Trong khi đó, nếu ngân hàng kiện ra toà, thì sau khi có bản án, con nợ phải trả lãi suất chậm thi hành án 9%/năm. Lãi suất này rẻ hơn cả lãi suất vay trong hạn và tất nhiên càng thấp so với lãi suất quá hạn. Hoá ra, con nợ càng chây ỳ thi hành án càng có lợi!”, luật sư Đức nói.

Tham dự Hội thảo, Phó tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Mitsuhiro Furusawa cho biết: “IMF rất ủng hộ định hướng và quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua việc sử dụng các nguồn lực cần thiết và đẩy nhanh cải cách pháp lý”.

Luật sư Đức ước lượng, không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu hiện nay là do vướng mắc pháp lý. Dù đã có những nghị định, thông tư hướng dẫn việc xử lý nợ xấu, nhưng những văn bản pháp lý này thiếu sự đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan khác. Để gỡ vưỡng cho tiến trình xử lý nợ xấu, theo luật sư Đức, cần phải có một đạo luật xử lý nợ xấu.

“Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải đổi mới cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Còn theo TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, nợ xấu không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng, mà được gắn liền với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế và đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế hiện nay.

Sự hồi phục tổng cầu giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại ở mức hợp lý và sự ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện thuận lợi cho xử lý căn cơ nợ xấu. Trong bối cảnh đó rất cần những giải pháp mới mẻ đồng bộ cả về pháp lý và chính sách nhằm xử lý triệt để vấn đề nợ xấu.

Nhuệ Mẫn

———————————-

Đầu tư Chứng khoán (Tiền tệ) 16-6-2015:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/can-them-mot-dao-luat-xu-ly-no-xau-123691.html

(560/1.200)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,447