717. Khó khăn thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng

(ĐCS) – Việc đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao tỷ lệ kết quả thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng là rất cần thiết và đòi hỏi phải cần có nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Xử lý tài sản bảo đảm gặp rất nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Tổng cục thi hành án dân sự (THADS), trong 6 tháng đầu năm 2015, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tuy chỉ chiếm chưa đến 3% về việc (14.391 việc) nhưng lại chiếm tới gần 50% (trên 49 nghìn tỷ đồng) tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc.

Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản, trong các vụ việc loại này gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản còn trầm lắng, thủ tục kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản mất nhiều thời gian, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án nên kết quả thi hành đạt tỷ lệ thấp.

Trong số việc còn đang tổ chức thi hành, có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, khó thi hành, thậm chí không có điều kiện thi hành; điển hình như vụ Vinashin có tổng số tiền phải thi hành liên quan đến tập đoàn này là rất lớn, trên 2.407 tỷ đồng (tập trung nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng), nhưng quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị máy móc… rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua, vì vậy số tiền đã giải quyết được đạt tỷ lệ rất thấp (gần 103 tỷ đồng); tổng số tiền còn phải thi hành là rất lớn (trên 2.300 tỷ đồng).

Khó khăn trong  thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Hồng Vĩnh).

Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ I, Tổng cục THADS cho hay: Trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường người phải thi hành án đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách như: không nhận quyết định thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án… Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, người phải thi hành án lại cố tình khiếu nại, khiếu nại vượt cấp; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, gây cản trở cho việc tổ chức thi hành án.

Về phía ngân hàng tổ chức tín dụng, trong quá trình tiến hành thẩm định, cho vay, cũng có những cán bộ Ngân hàng đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc tình trạng một tài sản thế chấp được thế chấp cho nhiều nơi. Do đó, đến giai đoạn thi hành án, khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị rơi vào diện tích đất giải toả đền bù; việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. (Ví dụ trường hợp công ty TNHH Trường Ngân, Dĩ An, Bình Dương đã dùng một tài sản là kho cafe thế chấp cho 7 ngân hàng, khi cơ quan thi hành án kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án thì gặp sự phản đối quyết liệt của các Ngân hàng khác).

Về phía Chấp hành viên và cơ quan thi hành án, có thể nói có nguyên nhân xuất phát từ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận Chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác dẫn đến nhiều vụ việc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (có tài sản thế chấp) nhưng việc thi hành án vẫn bị chậm trễ hoặc không được tổ chức thi hành.Vẫn còn nhiều trường hợp Chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án. “Hiện tượng này có thể nói là khá phổ biến”, bà Dung nói.

Theo Đại diện Ngân hàng Vietinbank. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án chậm là do công tác phối hợp giữa Ngân hàng với cơ quan Thi hành án dân sự chưa thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ dẫn đến việc giải quyết còn chậm, chưa thu hồi được nợ.

Nhìn nhận về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ở đây có lỗ hổng pháp lý dẫn đến định hướng hành vi của các bên trên thực tế. Luật quy định không trả được nợ sẽ bị thu hồi tài sản, nhưng khi chủ tài sản không chấp nhận việc phát mại, lại không phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc, bất lợi hơn. “Chế tài không đủ mạnh, chấp hành không nghiêm, tình trạng nợ xấu sẽ vẫn còn nan giải”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật

Theo bà Lê Thị Kim Dung, để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và thi hành án dân sự lien quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng, việc hoàn thiện thể chế là rất quan trọng.

Về phía các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến tín dụng, cần chủ động phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét thực hiện việc ký Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Tăng cường công tác rà soát, phân loại các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án phải chỉ đạo Chấp hành viên và Chi cục tổ chức thi hành án dứt điểm.

Mặt khác, tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, quán triệt đầy đủ các quy định của pháp luật về thi hành án và pháp luật có liên quan cho cán bộ, Chấp hành viên để nâng cao năng lực tổ chức thi hành cho Chấp hành viên.

Đặc biệt, xử lý nghiêm những cán bộ, Chấp hành viên có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian thi hành án, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS Hoàng Sỹ Thành cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong toàn Hệ thống, từ Tổng Cục đến Cục, Chi Cục; tiếp tục củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng; Chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các đợt thi hành án cao điểm, trong đó chú trọng thi hành dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng./.

T. Hà

————————————-

Đảng cộng sản 24-6-2015:

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340784&cn_id=719975

(98/1.369)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,449