(TCĐU) – Sáng 15/7/2015, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) đã tổ chức Tọa đàm về việc thực hiện thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của SABECO.
Tới dự buổi Tọa đàm có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, VBA, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Công ty Luật ANVI, lãnh đạo Tổng công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn, một số công ty hội viên VBA, cùng đông đảo các phóng viên báo đài trung ương và Hà Nội.
Buổi Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu.
Phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA cho biết: “Vừa qua, dư luận băn khoăn về việc Kiểm toán Nhà nước đang kiến nghị truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB từ SABECO và đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi một số quy định về thuế TTĐB. Kiến nghị này được đưa ra khi Kiểm toán nhà nước cho rằng SABECO đang “lách luật”, “lách thuế” bằng việc tạo ra thêm các công ty thương mại khu vực để phân phối hàng hóa cho người tiêu dùng địa phương. Về vấn đề này, SABECO cũng đã có những kiến nghị tới Kiểm toán nhà nước và các Bộ ngành liên quan rằng việc truy thu là không hợp lý với những gì đang được quy định trong luật Thuế TTĐB hiện hành (Luật 27/2008/QH12). Ngoài ra, họ cũng cho biết việc thành lập các công ty cổ phần thương mại khu vực là nhu cầu thực tế khách quan, là yêu cầu tất yếu của hoạt động SXKD của những doanh nghiệp lớn, nhằm thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng và sự phát triển của doanh nghiệp. Việc thực hiện thuế TTĐB của SABECO cũng đúng với Luật và các Nghị định, thông tư hướng dẫn. Kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với SABECO không chỉ là việc của một đơn vị mà còn có thể gây tác động lớn tới ngành Bia Việt Nam. Là tổ chức đại diện cho ngành Bia – Rượu – NGK, VBA cho rằng nên xem xét lại việc truy thu để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, đảm bảo được công tác nộp ngân sách được tích cực, đảm bảo được hài hòa các lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
PGS.TS. Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA phát biểu tại Tọa đàm.
Ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: “Hiện nay, các công ty lớn đều phải có hệ thống thương mại nhiều Thành lập các công ty thương mại, hạch toán độc lập, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc phân phối hàng hóa, không chỉ có Bia Sài Gòn mà nhiều công ty khác cũng có hệ thống thương mại như vậy. Một số thông tin cho rằng, SABECO thành lập hệ thống công ty thương mại để trốn thuế, chuyển giá là không đúng. Nếu họ vi phạm thì các cơ quan thuế cũng không thể để yên mấy năm qua. Theo quy định, thuế TTĐB là đánh vào nhà sản xuất chứ không phải đánh vào khâu thương mại, giá tính thuế phải đánh vào nhà sản xuất. Căn cứ tính thuế của SABECO cũng như các công ty thuốc lá không sai so với các quy định hiện hành của Nhà nước… Là cơ quan quản lý sản xuất ngành Đồ uống, căn cứ vào các công văn của SABECO xin ý kiến của các cơ quan thuế thì tôi cho rằng Bia Sài Gòn không sai, không thể truy thu được”.
Ông Chung Trí Dũng – Chủ tịch Công đoàn SABECO chia sẻ tới các đại biểu “Bức tâm thư của người lao động
Bia Sài Gòn”.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Trong kinh tế thị trường, một công ty mẹ thành lập các công ty con, cháu, chắt là bình thường, qua đó giúp cho doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và giảm rủi ro trên thị trường. Việc doanh nghiệp tận dụng lợi thế của chính sách, cả kẽ hở của chính sách là hoàn toàn tự nhiên để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vấn đề ở chỗ, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra những quy định, công cụ để hạn chế lỗ hổng. Nếu doanh nghiệp vi phạm ở điều, khoản nào thì phải dẫn ra cụ thể, nếu không phạm thì họ làm đúng theo quy định của pháp luật. Việc hoàn thiện luật pháp là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, không thể buộc doanh nghiệp, người dân phải chịu trách nhiệm tổn thất đó. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, những thông tin như vừa qua sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và trực tiếp đến doanh nghiệp, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cần phải xem lại cách thức bảo vệ tài sản của người đầu tư, không được đẩy rủi ro về cho doanh nghiệp và người dân vì họ là người yếu thế hơn trong việc thực thi chính sách. Tôi tin rằng, Bộ Tài chính sẽ không truy thu số tiền thuế này của Bia Sài Gòn…”
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.
Ông Nguyễn Sỹ Cương – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Theo tôi các cơ quan thuế hay truyền thông không nên dùng từ lách luật, lách thuế, bởi đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Lỗ hổng pháp luật thì hệ thống pháp luật nước nào cũng có, vấn đề là nhiều hay ít. Làm thế nào để lỗ hổng đó nhỏ và ít thì càng tốt. Giả sử người ta có lách luật thì cũng không có lỗi. Các doanh nghiệp nói chung và Bia Sài Gòn nói riêng không thể tự kê khai thuế, muốn nộp bao nhiêu được, đều phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế. Việc kê khai, hướng dẫn kê khai thuế đều theo quy định, không có bằng chứng nào cho rằng Bia Sài Gòn thực hiện sai. Vậy, trách nhiệm của cơ quan thuế và kiểm toán như thế nào? Nếu kết luận của Kiểm toán là đúng thì trách nhiệm của cơ quan thuế đến đâu. Theo tôi, thông tin đưa ra công luận cho rằng “SABECO trốn thuế” là hơi vội vàng, không đúng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp…
Theo ông Phạm Công Tham – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Thuế TTĐB là đánh vào khâu sản xuất, chứ không phải là khâu thương mại. Nói rằng, Bia Sài Gòn thành lập các công ty con để trốn thuế là không đúng, công ty thương mại thành lập từ năm 2006. Nếu phát hiện có lỗ hổng thì phải có quy định sửa đổi, chứ không thể bắt doanh nghiệp truy thu thuế. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần bảo vệ cái đúng của doanh nghiệp, mọi cá nhân, tổ chức phải tôn trọng hiếp pháp, pháp luật của Nhà nước… Hàng năm, doanh nghiệp đều xin ý kiến Tổng cục Thuế hướng dẫn trước khi nộp thuế, nay bảo phải truy thu là không đúng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Kết luận của Kiểm toán Nhà nước chỉ đúng, nếu các công ty con của SABECO hạch toán phụ thuộc. Nhưng tất cả các công ty con của bia Sài Gòn đều là DN hoạt động hợp pháp và hạch toán độc lập. Luật 2008 và 2014 đều quy định thống nhất giá tính thuế hàng sản xuất bán trong nước “là giá do cơ sở sản xuất bán ra”. Nhưng những nội dung hướng dẫn, cả cũ và mới là khác nhiều với Luật, dẫn đến việc nộp thuế nhiều hay ít hoàn toàn do văn bản hướng dẫn chứ không phải là Luật thuế. Trên thực tế, Nghị định và Thông tư mới dẫn đến kết quả nộp thuế cao hay thấp, chứ không phải là luật. DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Tại buổi Tọa đàm, ông Chung Trí Dũng – Chủ tịch Công đoàn SABECO đã gửi tới các đại biểu “Bức tâm thư của người lao động Bia Sài Gòn”. Theo đó, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, từ khi thành lập Tổng công ty đến nay, tập thể người lao động Bia Sài Gòn luôn đặt lợi ích Nhà nước lên trên hết, cụ thể đối với sắc thuế TTĐB để kê khai tính thuế, nộp thuế, Bia Sài Gòn đều xin ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thuế trước khi thực hiện. Hàng năm công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết cũng được các công ty kiểm toán độc lập có uy tín (cả trong nước và trên thị trường kiểm toán thế giới như: KPMG, PWC, E&Y, Deloitte…) thực hiện kiểm toán và được xác nhận Bia Sài Gòn đã thực hiện nghiêm túc quy định về thuế TTĐB. Phải chăng có sự khác biệt gì trong cách thực thi kiểm toán giữa các Công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước?
Bia Sài Gòn luôn thượng tôn pháp luật, việc nói Bia Sài Gòn trốn thuế, chuyển giá là không đúng. Người lao động bia sài gòn không bao giờ làm điều khuất tất, luôn đặt lợi ích nhà nước trên hết, đều xin ý kiến bằng văn bản với cơ quan thuế trước khi thực hiện, tuân thủ tuyệt đối các quy định của nhà nước về thuế TTĐB,….
Bia Sài Gòn là doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước đứng thứ 9 trong số các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Năm 2014, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Là Thương hiệu Quốc gia, thương hiệu mạnh nhiều năm liền và là một trong những đơn vị hàng đầu, đang nỗ lực hết mình trong việc giữ gìn Thương hiệu Việt Nam. Năm 2014, Bia Sài Gòn đã dành hơn 60 tỷ đồng cho các chương trình “Bia Sài Gòn chung tay vì cộng đồng”, “Vì biển đảo quê hương”, vì các địa phương nghèo… Việc thành lập các công ty thương mại khu vực có thể nói là thành công lớn nhất của Bia Sài Gòn trong những năm qua, nhờ đó đã mở rộng thị trường, tăng doanh thu, nộp nhiều tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Việc thông tin vội vàng trên một số phương tiện truyền thông thời gian gần đây đã làm tổn hại đến tâm tư, tình cảm của người lao động Bia Sài Gòn, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu Quốc gia đã dày công vui đắp mấy chục năm qua…
Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT SABECO, ông Lê Hồng Sanh – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn cho rằng: Chúng tôi cam kết thực hiện đúng những chính sách pháp luật của Nhà nước, mong các cơ quan báo chí phản ánh và đánh giá một cách khách quan, đúng đắn, động viên, cổ vũ người lao động đang vất vả để mang thương hiệu quốc gia tới người tiêu dùng, để Bia Sài Gòn phát triển bền vững. Công ty Thương mại được thành lập năm 2006 và đều chấp hành đúng luật thuế TTĐB, thông qua các thông tư, hướng dẫn cụ thể. Các đơn vị kiểm toán nhiều lần thực hiện kiểm toán ở SABECO đều khẳng định là không vi phạm…
Khi được hỏi, giả sử cơ quan thuế vẫn có thể truy thu 408 tỷ đồng thì doanh nghiệp sẽ ứng xử thế nào? Ông Phan Đăng Tuất cho rằng: Doanh nghiệp thượng tôn pháp luật, nếu có phán quyết cuối cùng thì chúng tôi phải chấp nhận. Chúng tôi chỉ đại diện cho nhà nước, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương, nếu có phán quyết và Bộ Công Thương chỉ đạo thì chúng tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên, nếu truy thu thuế thì sẽ gặp rắc rối khi chúng tôi phải xin ý kiến của cổ đông, bởi cổ tức năm 2013 đã chia cho cổ đông rồi. Hiện đang chở kết luận cuối cùng của Bộ Tài chính.
Kết luận buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, Bộ Tài chính cần xử lý hợp lý hợp tình đối với Bia Sài Gòn, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người lao động, ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp…
Nguyễn Văn
————————————
Tạp chí Đồ uống 15-7-2015:
(167/2.223)