(TH&CL) – Đại diện Bộ Công thương nêu quan điểm việc truy thu thuế đối với Sabeco là chưa hợp lý trước thông tin về việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp thêm 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2013, làm nóng dư luận những ngày qua.
Nhằm rộng đường dư luận, ngày 15/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) nhận định: Kết luận của kiểm toán và thông tin trên một số phương tiện truyền thông vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp khác rất hoang mang, bởi các DN đang áp dụng quyết định của Bộ Tài chính về áp thuế TTĐB. Có hai vấn đề liên quan đến nhau đang gây tranh luận: Giá tính thuế liên quan đến hệ thống phân phối của DN – người ta cho là Sabeco thiết lập ra để trốn thuế. Tuy nhiên, cần hiểu, sản xuất và lưu thông gắn kết. DN nhỏ buôn bán trong phạm vi hẹp thì hệ thống phân phối đơn giản, có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Còn trên phạm vi quốc gia, thế giới, hệ thống phân phối có nhiều tầng lớp (2-3cấp). Các DN lớn hình thành hệ thống phân phối qua nhiều nấc khác nhau, trước lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nhưng không phát huy được hiệu quả. Vì vậy, nhiều DN, nhất là tổng công ty lớn đã thành lập công ty thương mại hạch toán độc lập nhằm tạo ra sự chủ động trong phân phối hàng hoá. Về giá tính thuế, hướng dẫn của Bộ Tài chính về Luật thuế 2012 rất rõ ràng quy định trường hợp bán qua đơn vị hạch toán phụ thuộc, cơ sở thương mại. Sabeco cũng như các DN, đang tuân thủ theo luật thuế. Suốt bao năm, thanh tra thuế, kiểm toán vào, nếu không đúng thì cơ quan thuế sẽ không để yên. Thuế TTĐB đánh vào nhà sản xuất chứ không phải thương mại.
Từ đó, ông Dũng khẳng định: “Căn cứ tính thuế của Sabeco nói riêng và các DN khác không có gì sai so với quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu chúng ta quy định như thế, áp dụng như thế mà cho rằng đó là kẽ hở mà truy thu thì không thể truy thu được. Vì vậy, việc truy thu thuế đối với Sabeco là không nên. Bất cập này không chỉ riêng ở Sabeco mà liên quan đến cả hệ thống, đến các DN khác. Quy định chưa chuẩn mực thì cần chỉnh sửa lại cho hợp lý”.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: Đây là trường hợp điển hình cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam rất rủi ro, đặc biệt là đối với DNNN cổ phần hoá khi luật chơi không ổn định, phụ thuộc vào nhiều cơ quan can thiệp… Rất có thể, một thay đổi nhỏ thế này thôi cũng khiến DN sạt nghiệp. Rủi ro nhất là tính bất định, không tiên lượng được của chính sách, rụt rè trong đầu tư. Sabeco là một DNNN tương đối lớn mới tổ chức được hội thảo thế này, còn DN nhỏ hoặc người dân bình thường gặp trường hợp này thì khó kêu ai.
Mặt khác, nếu Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán, DN này sẽ phải đứng trước rất nhiều nguy cơ như: cổ đông có thể sẽ rút, tài sản sụt giảm, tổn thất lớn với tài sản người đầu tư… Ngoài ra, các nhà cung cấp, người tiêu dùng Sabeco sẽ suy nghĩ, thay đổi thế nào?
“Nói DN phạm luật thì phạm vào điều nào? Nếu không chỉ ra được thì rõ ràng DN đã làm đúng. Luật có kẽ hở, song khi phát hiện lại bắt DN gánh chịu rủi ro, đưa vào thế bất an, vi phạm pháp luật lúc nào không biết, phụ thuộc vào lúc cơ quan nhà nước phát hiện lỗ hổng là hoàn toàn bất hợp lý. Khi thực thi luật pháp, cần áp dụng cách giải thích lợi nhất cho người dân, DN bởi họ là nhóm yếu thế, đó là nguyên tắc phổ biến. Việc bịt kẽ hở là chức năng của cơ quan Nhà nước, không phải vì thế mà bắt DN gánh chịu chi phí, tổn thất… Tôi tin không truy thu số thuế này” – ông Cung nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đồng tình với ý kiến của ông Cung và đề nghị không dùng từ lách luật, lách thuế với Sabeco, bởi vì trường hợp này không phải hành vi vi phạm pháp luật. Vừa rồi từ nguồn tin đưa ra công luận Sabeco trốn thuế là hơi vội vàng, thiệt hại cho DN nhiều.
Ông Phạm Công Tham, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng bất cứ hành vi nào cũng phải xem xét đúng pháp luật hay không. Còn nói Sabeco tổ chức hệ thống trốn thuế là không đúng. Sabeco cổ phần hóa năm 2008, đến 2012, Bộ Tài chính mới ra thông tư 05. Như vậy, tổ chức có trước, chính sách ra sau, nên ho rằng trốn thuế là không đúng. Có 2 ý cần xem xét lại, từ lỗ hổng. Luật có kẽ hở, Nhà nước phải chịu, người dân chỉ thực hiện đúng luật.
Luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn: “Riêng thuế TTĐB, từ năm 1990 đến nay, có 8 Đạo luật, 10 Nghị định, 20 Thông tư. Đến luật sư cũng biết đâu mà lần. Sabeco thực hiện đúng thông tư, vẫn mắc, thì DN không biết đường nào thực hiện đúng luật?. Sắp tới có thông tư, nghị định hướng dẫn luật mới, chưa nói tới hàng chục văn bản liên quan tới thuế TTĐB… Nghị định, thông tư ngày càng xa luật, không hợp lý, các nội dung hướng dẫn cũ và mới đều khác luật, văn bản hướng dẫn khác xa luật, điều này vô cùng nguy hiểm”.
Hà Huế (Thương hiệu và Công luận)
————————————-
Thương hiệu & Công luận (Kinh tế) 15-7-2015:
(109/1.109)