722. Truy thu thuế Sabeco, cơ quan quản lý cũng bị “truy” trách nhiệm?

(IFN) – Sabeco thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý.Nay nếu bị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế thì trách nhiệm của các cơ quan đã hướng dẫn DN trong kê khai thuế tới đâu?

Câu hỏi này được các diễn giả, chuyên gia đặt ra tại buổi tọa đàm thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Sabeco do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 15/7.

Theo BTC buổi tọa đàm, dù đã gửi giấy mời tới Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)… nhưng đại diện các cơ quan này đều cáo lỗi “bận nên không thể tới dự”.

Luật hở, DN lách: Không sai

Đến từ cơ quan quản lý Tổng công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco), theo ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công  nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), nói Sabeco tạo ra hệ thống phân phối để lách thuế, trốn thuế là không hợp lý. Bởi lẽ, các tập đoàn, tổng công ty hiện nay đều lập các công ty thương mại, dịch vụ để phân phối hàng hóa của mình, nhất là với các doanh nghiệp (DN) hoạt động trên phạm vi rộng, toàn quốc.

Các chuyên gia cho rằng, sẽ khó có thể truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB năm 2013 của Sabeco như kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây

Về giá tính thuế, ông Dũng cho rằng, thuế TTĐB là thuế đánh vào nhà sản xuất chứ không phải khâu thương mại. Căn cứ tính thuế của Sabeco nói riêng và các tổng công ty sản xuất không sai so với các quy định hiện hành của Nhà nước. “Nếu chúng ta quy định cách tính thuế và DN tuân thủ đúng. Sau đó lại lập luận rằng pháp luật có kẽ hở nên truy thu thuế của DN là không hợp lý. Việc sửa quy định chưa “chặt” thì đương nhiên, nhưng việc truy thu thuế DN thì không ổn”- ông Dũng nhấn mạnh.

Gọi trường hợp Sabeco bị đề nghị truy thu 408 tỷ thuế TTĐB là trường hợp điển hình, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) khẳng định, trong kinh tế thị trường, một DN thành lập công ty con, công ty con, công ty cháu là chuyện bình thường, pháp luật không cấm. Lập các công ty này DN sẽ sẽ tận dụng được tiềm  năng lợi thế, đồng thời giảm rủi ro trong kinh doanh. Nhưng cũng đồng nghĩa DN sẽ tận dụng cả lợi thế và kẽ hở của chính sách pháp luật.

Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, ngay cả khi DN lách luật thì họ cũng không sai, thậm chí đó còn là “hành động của người thông minh khi tìm được kẽ hở để tạo ra lợi ích cho mình”.

“Hệ thống pháp luật dù “kín” tới đâu cũng có kẽ hở. Nhưng không phải cứ phát hiện được kẽ hở của pháp luật thì bắt người dân, DN gánh chịu rủi ro được. Sabeco là DNNN lớn, có thị phần lớn khi bị đề xuất truy thu thuế như thế này mới dám lên tiếng, chứ nếu là DN nhỏ, người dân thì biết kêu ai? Đồng ý, luật có kẽ hở nhưng không bao giờ được đẩy rủi ro đó về phía DN, người dân vì họ là những người yếu thế hơn trong thực thi chính sách” – ông Cung quả quyết. Chính vì điều này, theo ông, khi tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu môi trường kinh doanh tại Việt Nam, hầu hết trong số họ đều bày tỏ sự “bất an” trong chính sách pháp luật của Việt Nam và ngần ngại khi “quyết” mở hầu bao hay không.

Đồng tình với quan điểm không thể “bắt” DN, người dân chịu rủi ro khi có kẽ hở chính sách, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương với hơn 20 năm nghiên cứu luật chia sẻ, lỗ hổng pháp lý thì nước nào cũng có, chỉ là nhiều hay ít. “Không nên dùng từ “lách thuế” vì đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Khi hệ thống pháp luật có lỗ hổng quá lớn, người ta lách luật được thì không phải hành vi xấu”- ông Cương lập luận.

Chưa kể, theo Luật thuế TTĐB 2008 và cả Luật TTĐB sửa đổi 2014 thì đều quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra, mà không hề đề cập giá bán này “áp” ở khâu sản xuất bán ra cho các công ty phân phối (bán buôn) hay ở khâu công ty phân phối bán tới tay người tiêu dùng (bán lẻ).

“DN nói chung, Sabeco nói riêng không thể tự kê khai thuế, muốn nộp bao nhiêu thì nộp, mà phải nhận được sự chấp thuận từ cơ quan thuế. Chưa kể thường xuyên có các đợt thanh tra của ngành thuế tại DN. Nếu nói DN sai, kết luận về truy thu thuế của Kiểm toán Nhà nước là đúng thì trách nhiệm của cơ quan thuế, thanh tra thuế…  tới đâu? ” – ông Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Kết luận truy thu thuế của Kiểm toán Nhà nước: Vội vàng!

Có mặt tại buổi tọa đàm với tư cách là luật sư, song Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, ông không đứng về bên nào, mà quan điểm đưa ra dựa trên góc độ người làm luật pháp. Đưa ra 6 lập luận, luật sư Đức nhấn mạnh, dù luật có kẽ hở thì không thể “bắt lỗi” DN. Còn nếu nói luật không hở thì không có cớ gì đưa ra quyết định truy thu thuế của DN.

Thậm chí, theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương “việc công bố Sabeco “trốn” thuế của Kiểm toán Nhà nước là hơi vội vàng, gây thiệt hại cho DN. Nếu như luật còn kẽ hở thì nên hoàn thiện chứ không nên đẩy khó khăn về phía người dân cũng như DN.

Không trực tiếp “kêu” tại tọa đàm, nhưng trao đổi bên lề với báo chí, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Sabeco tỏ ra lo lắng, sau khi thông tin Sabeco bị đề xuất truy thu 408 tỷ đồng thuế TTĐB được đăng tải, DN đã thiệt hại không ít. Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu thị trường độc lập, chỉ trong thời gian ngắn Sabeco đã “rớt” tới 5% thị phần.

Liên quan tới việc Sabeco thành lập các công ty phân phối thương mại, ông Tuất lý giải, nhằm 2 mục đích: tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và kiểm soát được giá cả trong trường hợp cần thiết.

“Sabeco là DNNN, chúng tôi thượng tôn pháp luật. Nếu có phán quyết cuối cùng thì DN sẽ thực hiện theo phán quyết đó. Trong trường hợp nếu phải nộp khoản thuế truy thu này thì DN phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương. Nguồn tiền để trả thực chất là của Nhà nước, lấy từ 2 nguồn: quỹ dự phòng, lợi nhuận chưa chia. Điểm vướng nhất là trong cổ phần của Sabeco có khoảng hơn 10% cổ phần tư nhân, lấy quỹ dự phòng và lợi nhuận chưa chia thì phải tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến cổ đông, vì cổ tức năm 2013 đã chia hết cho cổ đông rồi và cổ đông có đồng ý hay không thì chưa thể khẳng định….”- Chủ tịch Sabeco nhấn mạnh.

N.Hoài

—————————–

Infonet (Doanh nghiệp) 16-7-2015:

http://infonet.vn/truy-thu-thue-sabeco-co-quan-quan-ly-cung-bi-truy-trach-nhiem-post168925.info

(86/1.327)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,457