(TBNH) – Tất cả các ý kiến đều không đồng tình với kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc phải truy thu thuế đối với Sabeco, và cho rằng đây là trường hợp điển hình về sự bất cập của thể chế, cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất rủi ro.
Việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kết luận phải truy thu hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Rượu – Bia – NGK Sài Gòn (Sabeco), dù chưa được thực thi, vẫn đang khiến cho DN này phải chịu nhiều thiệt hại.
“Sau khi kết luận của KTNN được một số báo đăng, thị phần của Sabeco bị sụt giảm vài phần trăm, các báo nước ngoài theo đó đưa tin lại rằng Sabeco trốn thuế. Uy tín thương hiệu của Sabeco đã bị ảnh hưởng khá lớn”, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco nói với giới báo chí.
Uy tín của Sabeco bị ảnh hưởng khá lớn |
Mang tội “lách thuế” vì làm theo cục thuế
Sabeco cho biết, lâu nay DN tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về thuế. Từ năm 2009 đến nay, phía DN luôn tham vấn và làm theo hướng dẫn của Cục Thuế và Tổng cục Thuế. Ý kiến của KTNN rằng, công ty thương mại của Sabeco và các công ty thương mại khu vực là những đơn vị thuộc cùng hệ thống, nên tính thuế theo giá bán của công ty thương mại khu vực là không hợp lý. Cho nên, khi “bản án” đột ngột “treo trên đầu” thì Sabeco không còn biết phải hành xử thế nào.
Các phân tích cho rằng, Sabeco đã tuân thủ các hướng dẫn về nộp thuế TTĐB. Cụ thể là, các công ty sản xuất, thương mại và công ty thương mại khu vực là các công ty độc lập, liên kết trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm của Sabeco. Vì vậy, giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế giá trị gia tăng mà Sabeco quy định cho Công ty TM Bia Sài Gòn bán ra, nhưng không thấp hơn 10% so với giá bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Và các cơ sở sản xuất bia chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế TTĐB…
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương lưu ý một số chi tiết, từ năm 2009 đến nay, Sabeco làm theo hướng dẫn. Sabeco cũng không thể tự tính thuế thế nào cũng được, vì hàng năm phải tuân thủ quy định về kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế với cơ quan thuế. Ông đặt câu hỏi, vậy vì sao sai phạm không được phát hiện ngay?
Chưa kể, báo cáo tài chính thì được kiểm toán và Thanh tra Bộ Tài chính đã từng có kết luận về việc kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước của Bia Sài Gòn. “Tôi không nói KTNN sai hay đúng. Nhưng nếu cho rằng Sabeco sai khi thực hiện đúng hướng dẫn thì trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn ra sao? Nếu KTNN kết luận sai thì trách nhiệm kiểm toán đến đâu”, ông Cương đặt vấn đề.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ công bố kết quả kiểm toán 2014, trả lời câu hỏi vì sao Sabeco làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế mà kết luận của KTNN lại kết luận bị truy thu, bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng khu vực 4, đơn vị trực tiếp kiểm toán tại Sabeco cho biết, KTNN đã căn cứ theo Thông tư 05/TT-BTC để tính thuế với Sabeco, đồng thời thừa nhận “có nhiều cách hiểu khác nhau về Thông tư 05”.
Bà Hương khẳng định, Thông tư có nhiều cách hiểu khác nhau này là một kẽ hở của pháp luật, KTNN phát hiện ra thì phải “lấp”. Còn ông Cao Tấn Khổng, Phó tổng KTNN khẳng định: Sabeco chắc chắn phải nộp thuế truy thu.
Ngày 15/7/2015, một hội thảo có liên quan đến kết luận về việc phải truy thu thuế Sabeco nêu trên được tổ chức với sự có mặt của chuyên gia kinh tế, cơ quan nghiên cứu, luật sư và cả đại biểu Quốc hội. Tất cả các ý kiến đều không đồng tình với kết luận của KTNN về việc phải truy thu thuế đối với Sabeco, và rằng đây là trường hợp điển hình về sự bất cập của thể chế, cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất rủi ro.
Không còn là chuyện riêng của Sabeco
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thuế bị truy thu sai sẽ ảnh hưởng xấu đến DN và làm giảm lợi nhuận, giảm tài sản của DN và nhà đầu tư. Vậy ở đây là câu chuyện nhà đầu tư được bảo vệ thế nào. Cổ phần hóa DNNN đang chậm, khó bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, khó tìm nhà đầu tư chiến lược cũng bởi môi trường kinh doanh còn những chuyện như thế này.
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn, lo ngại chuyện mua cổ phần ở DN, họ lo bị can thiệp hành chính, họ cũng sợ khó khăn trong tiên lượng chính sách”, ông Cung nói. Với trường hợp của Sabeco, cần phải chỉ rõ họ vi phạm theo điều luật nào, nếu họ có vi phạm, không thể cứ nói là họ lách luật, theo ông Cung.
Ngay cả trong trường hợp cơ quan quản lý cho rằng, đó là lỗ hổng pháp lý thì để bảo vệ lợi ích chung sẽ phải tìm kiếm công cụ hạn chế. Không thể bắt DN, người dân phải gánh rủi ro này, nhất là khi DN đã làm theo hướng dẫn theo một cách hiểu khác của cơ quan Nhà nước. “Hoàn thiện pháp luật, bịt kẽ hở là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước chứ không thể vì kẽ hở mà buộc dân gánh chịu tổn thất chi phí vì điều đó”, ông Cung nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bổ sung thêm: “Quy định mà hiểu theo kiểu hổng cũng được và không hổng cũng được là không ổn. Với quan điểm DN được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép thì cần phải có cách xử lý thấu đáo vấn đề này. Bởi lẽ, đây không phải là việc riêng của Sabeco mà của hàng triệu DN khác”.
Trên thực tế, ngay cả các chuyên gia về pháp chế cũng tỏ ra quan ngại về sự phức tạp, dễ thay đổi của chính sách thuế TTĐB. Ông Đức thống kê, riêng về thuế TTĐB, từ năm 1990 đến nay đã có tới 8 đạo luật, 10 nghị định và 20 thông tư hướng dẫn. Chưa hết, sắp tới có thể sẽ xuất hiện thêm 1 nghị định, 1 thông tư mới. “Ngoài ra, còn hàng chục văn bản thuộc lĩnh vực khác nhưng có quy định về thuế TTĐB mà chính chị Cúc (bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam – PV) cũng không thấu được”, ông Đức nói.
Dẫn một ví dụ khác, chuyên gia đến từ ANVI bổ sung, Luật Thuế TTĐB 2008 và 2014 đều quy định thống nhất giá tính thuế hàng sản xuất bán trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Nhưng nghị định, thông tư thì càng ngày càng đưa thuế TTĐB xa với giá sản xuất bán ra theo luật. “Tất cả những nội dung hướng dẫn, cả cũ và mới, là khác nhiều với luật, dẫn đến việc nộp thuế nhiều hay ít hoàn toàn do văn bản hướng dẫn chứ không phải là luật”, ông Đức khẳng định.
Và như vậy, “văn bản dưới luật đã bẻ luật, uốn luật, khác luật và rất dễ trái luật”, ông Đức nói. Còn trên thực tế, nghị định và thông tư mới dẫn đến kết quả nộp thuế cao hay thấp, chứ không phải là luật. Đó mới là nguy cơ lớn của hệ thống pháp luật. Như vậy là cần phải sửa luật, chứ không chỉ sửa nghị định, thông tư. Phải thay đổi vấn đề này, Quốc hội quy định về thuế, chứ không phải Chính phủ, càng không phải là Bộ Tài chính.
Trong hoạt động của DN, khâu sản xuất và lưu thông hàng hóa gắn kết nhau. Các tập đoàn đa quốc gia khi đến Việt Nam cũng xây dựng cho mình một hệ thống phân phối độc quyền và bán qua các kênh khác nhau. Chính vì vậy, nếu nói việc tạo hệ thống thương mại để lách thuế là không đúng. Việc thiết lập hệ thống thương mại là khách quan, nhất là các công ty hoạt động trên phạm vi toàn quốc… Nếu cho rằng quy định hiện có kẽ hở, quy định không chặt mà truy thu thuế là không đúng. Khi các DN tuân thủ quy định và đã thực hiện nhiều năm sau hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm toán thì không nên truy thu. Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) |
Hiểu My
———————————–
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 16-7-2015:
http://thoibaonganhang.vn/ket-luan-sai-kiem-toan-co-chiu-trach-nhiem-36807.html
(400/1.625)