727. Sabeco chịu rủi ro chính sách?

(ĐTTC) – Những vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) muốn thu thêm hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được đề cập tại hội thảo do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát tổ chức hôm qua 15-7. Từ trường hợp điển hình này, theo nhiều chuyên gia, đó chính là câu chuyện về môi trường kinh doanh hiện nay của Việt Nam.

Truy thu thuế có hợp lý

Theo ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Sabeco, từ năm 2008 đến nay Sabeco thực hiện nhất quán phương pháp kê khai nộp thuế TTĐB đối với mặt hàng bia các loại do đơn vị sản xuất và tiêu thụ theo quy định của Luật thuế TTĐB năm 2008, hướng dẫn tại Thông tư 05 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngay từ năm 2009, khi chưa hiểu rõ cách tính thuế TTĐB, Sabeco đã gửi các văn bản đến cơ quan hữu quan để hỏi rõ và được hướng dẫn rất chi tiết.

Rõ nhất là hướng dẫn tại Công văn 1460 năm 2010 của Tổng cục Thuế. Theo đó, sản phẩm bia được sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và đơn vị sở hữu thương hiệu là tổng công ty. Sau đó các cơ sở bán sản phẩm bia cho Công ty Thương mại Bia Sài Gòn (công ty 100% vốn của Sabeco phân phối bia) để bán cho các cơ sở kinh doanh thương mại, giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT mà tổng công ty quy định Công ty Thương mại Bia Sài Gòn bán ra, nhưng không thấp hơn 10% so với giá bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Các cơ sở sản xuất bia phải kê khai nộp thuế TTĐB.

Trường hợp của Sabeco, nếu đặt vấn đề vi phạm phải chỉ ra họ vi phạm điều khoản quy định nào. Cùng một quy định, họ tuân thủ và theo cách có lợi cho họ hoàn toàn bình thường vì họ cũng làm đúng pháp luật.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ngoài ra, qua kết luận các đợt thanh kiểm tra quyết toán thuế TTĐB từ năm 2008 đến nay khẳng định Sabeco luôn tuân thủ các quy định của Cục Thuế TPHCM, Tổng cục Thuế, kết luận của KTNN năm 2011, kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính năm 2013. “Vậy mà năm 2015, khi công bố kết luận kiểm toán báo cáo tài chính năm 2013 vẫn những nội dung đó, vẫn những văn bản quy phạm đó, nhưng KTNN lại kết luận ngược lại. Chúng tôi đề nghị phải giải thích rõ ràng và thỏa đáng về vấn đề này” – ông Chung Trí Dũng nói.

Thực tế trong hoạt động doanh nghiệp, khâu sản xuất và lưu thông hàng hóa gắn kết nhau. Các tập đoàn đa quốc gia khi đến Việt Nam cũng xây dựng cho mình một hệ thống phân phối độc quyền và bán qua các kênh khác nhau. Chính vì vậy, nếu nói việc tạo hệ thống thương mại để lách thuế là không đúng. Việc thiết lập hệ thống thương mại là khách quan, nhất là các công ty hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), khi xây dựng hệ thống phân phối của mình, Sabeco đã có văn bản hỏi Tổng cục Thuế và được hướng dẫn cụ thể. Do đó, Sabeco hay các doanh nghiệp khác khi tuân thủ quy định, không có gì sai và đã thực hiện nhiều năm sau hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm toán không nên truy thu.

Nếu cho rằng quy định hiện có kẽ hở, quy định không chặt lại truy thu là không đúng. Đại diện Sabeco cho rằng các khoản thu đã nộp vào ngân sách hàng năm. Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của KTNN, Sabeco sẽ phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối, bản chất vẫn là tiền nhà nước. Có nghĩa lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách.

Và đến thời điểm này Sabeco chưa hình dung thủ tục để có thể thực hiện việc truy thu sẽ phức tạp như thế nào, vì theo quy định, Sabeco phải báo cáo xin chỉ đạo của Bộ Công Thương, sau đó lại xin Bộ Tài chính cho phép được sử dụng các nguồn tiền trên để nộp ngay lại cho Bộ Tài chính?

Lo môi trường kinh doanh

Theo nhiều chuyên gia, đây là trường hợp điển hình của thể chế kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh. Trong kinh tế thị trường, một doanh nghiệp thành lập công ty mẹ, con, cháu, chắt là điều bình thường nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế, giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Pháp luật cũng khuyến khích như vậy. Làm điều đó, bên cạnh tận dụng lợi thế chính sách cũng là tận dụng kẽ hở của chính sách.

Đó là điểm hoàn toàn tự nhiên. Vấn đề  là nếu cơ quan quản lý cho rằng đó là lỗ hổng, để bảo vệ lợi ích chung phải tìm kiếm công cụ hạn chế. Nếu cơ quan quản lý phát hiện lỗ hổng và bắt doanh nghiệp, người dân gánh chịu rủi ro sẽ tạo sự bất an vì họ không biết vi phạm pháp luật lúc nào. Hoàn thiện pháp luật, bịt kẽ hở là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể vì kẽ hở mà buộc dân gánh chịu tổn thất chi phí vì điều đó. Nếu cứ truy thu sẽ đặt ra những rủi ro rất cao trong môi trường kinh doanh.

Thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ băn khoăn, lo ngại khi mua cổ phần của doanh nghiệp sau đó bị can thiệp hành chính. Vì thế, theo các chuyên gia, việc giải thích có lợi cho cơ quan quản lý sẽ tạo ra những lo ngại, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư lớn, làm lâu dài, tạo sự khó khăn trong tiên lượng chính sách.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng cho rằng với quy định hiểu theo kiểu hổng cũng được và không hổng cũng được là không ổn. Với quan điểm, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm nhưng cơ quan quản lý nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép, cần phải có cách xử lý thấu đáo, bởi lẽ đây không phải là việc riêng của Sabeco mà của hàng triệu người dân, doanh nghiệp khác.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, thông tin đưa ra Sabeco trốn thuế hơi vội vàng và thiệt hại cho doanh nghiệp. Bởi lẽ Sabeco khi kê khai, nộp thuế cũng đều theo hướng dẫn, chấp thuận của cơ quan thuế. Nếu cho rằng Sabeco sai khi thực hiện đúng hướng dẫn, trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn ra sao?

Hà My

———————————

Sài Gòn Đầu tư tài chính 16-7-2015:

http://www.saigondautu.com.vn/pages/20150715/sabeco-chiu-rui-ro-chinh-sach.aspx

(86/1.253)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,458