732. Lỗ hổng chính sách

(ĐĐK) – Vụ Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Sabeco cho rằng họ đã làm đúng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, còn KTNN thì khẳng định kiến nghị truy thu thuế với Sabeco là không sai và đã được “lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất rất cao”. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng để dẫn tới việc phát sinh nhiều ý kiến trái chiều trong vụ này có nguyên nhân từ “lỗ hổng chính sách”.

KTNN trong khi khẳng định Sabeco phải thực hiện đề nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời cũng thừa nhận có “lỗ hổng chính sách” và cho biết các cơ quan chức năng đang cố “bịt” những lỗ hổng này. Điều đó cũng có nghĩa là, trước khi chờ đợi các cơ quan quản lý Nhà nước cùng ngồi lại thống nhất về luật và hướng dẫn luật, để “bịt” các lỗ hổng (do lỗi của họ), Sabeco vẫn phải nộp 408 tỷ đồng. Kết quả này khiến dư luận và giới chuyên gia không khỏi thắc mắc một khi doanh nghiệp làm ăn theo đúng các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, khi kiểm toán vẫn bị đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế như Sabeco, phải chăng doanh nghiệp đã làm sai? Vấn đề ở đây là nguyên tắc tuân thủ pháp luật đã được coi trọng hay chưa? Nếu một cá nhân hay doanh nghiệp trước đó đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nhưng chỉ vì sau đó do “lỗ hổng pháp luật” mà họ bị cáo buộc đã làm sai thì xem ra nguyên tắc tuân thủ pháp luật đã bị bỏ qua.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, lâu nay pháp luật Việt Nam khi được ban hành thường kèm theo nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện nên sinh ra những “lỗ hổng”. Điều này còn khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro, thiếu ổn định. Ông Cung lưu ý, trong nền kinh tế thị trường, một doanh nghiệp thành lập nhiều công ty con là chuyện bình thường nhằm tận dụng được tiềm năng lợi thế trên thị trường, đồng thời làm giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp thực hiện theo cách này để “lách luật”, lợi dụng “khe hở” của chính sách.

Những cụm từ như “lỗ hổng chính sách” hay “lỗ hổng pháp luật” được nhiều người có trách nhiệm phát ngôn chính thức và được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông từ nhiều năm qua. Cùng với chúng là các khái niệm “lách luật”, “né luật” cũng trở thành quen thuộc trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu đã thừa nhận nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà luật pháp không cấm, thì “lách luật” hay “né luật” chẳng qua chỉ là hành động đi vào những vùng pháp luật chưa có quy định (không cấm hoặc chưa cấm) để có lợi cho mình. Hành động này về mặt pháp lý là không có gì sai và cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan dưới góc nhìn đa chiều.Trong đó có góc nhìn của chính người dân, doanh nghiệp, chứ không nên chỉ duy nhất từ  góc nhìn của các cơ quan pháp luật hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

Trong một diễn biến khác, cũng có không ít “lỗ hổng pháp luật” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giúp họ thoát ra một cách dễ dàng sự ràng buộc về trách nhiệm và quyền hạn để mau chóng thực hiện các hành vi sai trái dẫn tới tham ô, tham nhũng phổ biến và nghiêm trọng. Hiện tượng Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kinh doanh của Vinashin, chỉ trong vòng 2 năm đã có cơ hội tham ô tài sản nhà nước lên tới 18,6 tỷ USD đang gây bức xúc dư luận. Vì sao một cán bộ chỉ mới ở cấp trưởng phòng lại có khả năng thực hiện hành vi tham ô nhanh chóng và gây thiệt hại lớn đến vậy?

Có ý kiến cho rằng, thật ra “lỗ hổng” lớn nhất hiện nay có nguồn gốc từ tư duy lập pháp và hành pháp còn quá nhiều khác biệt và bất cập. Một hệ thống pháp luật tại bất cứ đất nước nào, thời kỳ nào cũng đòi hỏi phải có tính cụ thể, rõ ràng, dễ thực thi, không ai được đứng trên pháp luật để suy diễn, vận dụng theo ý cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Chẳng hạn như trong trường hợp gây nhiều tranh cãi của Sabeco, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu kết luận doanh nghiệp vi phạm luật thì cần nêu rõ vi phạm ở điều khoản nào, luật nào chứ không thể nói chung chung. Trong khi ở Việt Nam hiện đang có một thực tế mà luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã chỉ ra là: “Văn bản dưới luật đã bẻ luật, uốn luật, khác luật và rất dễ trái luật. Trên thực tế, Nghị định và Thông tư mới dẫn đến kết quả nộp thuế cao hay thấp, chứ không phải là luật. Đó mới là nguy cơ lớn của hệ thống pháp luật. Chúng ta cần phải thay đổi vấn đề này, Quốc hội đánh thuế, chứ không phải Chính phủ, càng không phải là Bộ Tài chính đánh thuế”.

Như vậy, có một “lỗ hổng” ngay trong quy trình xây dựng chính sách và quy trình ban hành văn bản pháp luật. Những “lỗ hổng” này còn tồn tại chắc chắn sẽ còn sản sinh ra không ít “lỗ hổng” khác.

Hữu Nguyên

————————————

Đại đoàn kết (Tham vấn & Phản biện) 23-7-2015:

http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/lo-hong-chinh-sach/57111

(104/1.059)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,460